Nhìn bằng "ống kính" gì?
Nếu phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 13.900 USD, thì TP.HCM cao hơn Bangkok, Jakarta và Metro Manila vào năm 2010. Tức là 12 năm nữa, mới có thể vượt các thành phố này khi họ ở thời điểm cách đây 3 năm (2010).
![]() |
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Là công dân của TPHCM, một thành phố to nhất nước, có lẽ không ít người sẽ không khỏi động lòng trước cái tầm nhìn này. Nhưng đó là sự thật, một sự thật không thể nào chối bỏ.
Từ thu nhập của một thành phố, có thể hình dung rằng, 12 năm nữa, Việt Nam mới có thể vượt được một số nước trong khu vực ở thời điểm 2010. Còn nếu họ không dừng lại và tiếp tục đi, có lẽ không biết tới khi nào ta mới bằng họ, nói chi đến chuyện qua mặt được họ. Ấy vậy mà chúng ta vẫn say sưa tự vẽ ra cho mình những chiếc bánh rồi cùng nhau gật đầu khen bánh ngon.
Việt Nam tự hào có số lượng giáo sư, tiến sĩ hùng hậu nhất khu vực, nhưng tiếc thay, số lượng công trình và sáng chế phục vụ cho sản xuất, đời sống không có được bao nhiêu. Chưa nói đến công nghệ cao cấp, những mặt hàng tiêu dùng thông thường chủ yếu cũng nhập từ nước ngoài.
Về y tế, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, dân Việt nam bỏ ra khoảng gần 2 tỉ USD để đi sang các nước chữa bệnh.
Thu nhập thấp hơn các nước trung bình (chưa tính các nước tiên tiến), nhưng chúng ta hơn họ những gì? Đó là số người chết do tai nạn giao thông lên đến hơn chục ngàn người mỗi năm, chưa kể hàng chục người bị thương tật. Đó là số ca ngộ độc thực phẩm thuộc loại vô địch thiên hạ. Đó là ngập nước kẹt xe triền miên chưa có lối thoát…
Đưa ra con số 12 năm sau chỉ bằng thiên hạ vào năm 2010 là đối diện với thực tế. Đưa ra những điều còn tồn tại cũng với mục đích như vậy. Đừng “ru nhau” bằng những giá trị ảo mà phải tạo ra những giá trị thật mà dân chúng có thể cầm nắm, ăn được, mặc được hay hưởng thụ được.
Để 12 năm sau, tức năm 2025, Việt Nam không đưa ra tầm nhìn đến năm 2050, cũng thua thiên hạ mấy chục năm thì cần phải có những thay đổi và hành động quyết liệt ngay từ hôm nay. Nếu cũng với tư duy và tầm nhìn cũ, thì khoảng cách tụt hậu còn xa hơn. Tất nhiên phải có tầm nhìn đến năm 2025, 2050, nhưng nhìn bằng “ống kính” gì mới quan trọng. Nếu chỉ định hướng chung chung thôi thì khó có thể thành công.
Theo Lê Chân Nhân
Dân Trí