Kỳ vọng lạm phát của dân đã ổn định
Để đạt được các mục tiêu đề ra, duy trì sự ổn định tạo tiền đề cho các năm sau, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia kiến nghị, trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu trên cả hai lĩnh vực: đầu tư và tiêu dùng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, kích thích kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngày 28/8/2013, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết, Ủy ban đã có báo cáo nhận định tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm 2013 và dự báo kinh tế năm 2014, 2015.
Theo đó, bản báo cáo nhận định: Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định tạo tiền đề cho phát triển ổn định trong các năm tiếp theo; thị trường tài chính tiền tệ được cải thiện, góp phần ổn định hơn kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Về lĩnh vực ngân hàng, báo cáo cho biết: thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá ổn định; chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) và các công ty chứng khoán chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các hạng mục rủi ro cao và tăng tỷ trọng các hạng mục rủi ro thấp; quỹ dự phòng rủi ro của các TCTD được tăng cường.
Đặc biệt, báo cáo nhận định: cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư và dự báo trong năm 2013 thặng dư 1,5-2 tỷ USD. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý xu hướng tăng trưởng kinh tế và sản xuất tuy được cải thiện nhưng còn nhiều thách thức.
Nhìn tổng quát, báo cáo đánh giá: Kinh tế vĩ mô 2013 đã được duy trì ổn định với tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kỳ vọng về lạm phát của dân chúng.
Cũng theo báo trên, trong tháng 8/2013, lạm phát so với cùng kỳ ở mức khá cao so với các tháng trước (7,5%) nhưng theo cách tính của Ủy ban, lạm phát nếu loại trừ yếu tố mùa vụ (xăng dầu, điện, dịch vụ công) thì chỉ tăng ở mức 3,43%. Như vậy, vẫn thống nhất với quan điểm nhận định được nêu trong báo cáo tháng 6/2013 rằng, khi loại trừ các yếu tố mùa vụ và yếu tố điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản thì khả năng lạm phát cả năm 2013 chỉ khoảng 5% (cao hơn so với mức tương ứng 4.3% của năm 2012).
Với nhận định như trên, các cơ quan điều hành chính sách có thể hiểu với mục tiêu CPI cả năm tăng không qua 7 % thì vẫn còn dư địa cho việc điều chỉnh các mặt hàng cơ bản. Tuy nhiên, Ủy ban đặc biệt lưu ý: mục tiêu CPI cả năm tăng không vượt mức 7% phụ thuộc nhiều vào công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm, do đó: “việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự điều phối thống nhất, có bước đi và lộ trình thích hợp sao cho lạm phát cả năm không vượt quá mục tiêu đề ra”.
Đi vào chi tiết, Ủy ban phân tích: từ biểu hiện là sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng và số lượng DN đăng ký hoạt động tăng dần, Ủy ban cho rằng sản xuất và tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn nhiều thác thức khi các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với tình hình trên, Ủy ban nhận định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn và nhiều khả năng chỉ đạt mức 5,3%.
Dự báo cho 2 năm 2014 và 2015, theo Ủy ban, trong hai năm tới, giá hàng hóa thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm. Ngân hàng thế giới dự báo trong năm 2014 và 2015, giá năng lượng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%. Nhưng với thị trường trong nước, áp lực điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản (giá than và điện) và dịch vụ công vẫn lớn và nếu có điều chỉnh sẽ tạo những tác động nhất định đến lạm phát cho dù nhập khẩu có thể tăng cao hơn năm 2013 với xu hướng tăng trưởng khá hơn. Bên cạnh đó, “DN trong nước và khu vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn. Cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn” - Ủy ban lưu ý.
Với những thuận lợi và thách thức đã dự báo, với mức tăng sản lượng tiềm năng vào thời điểm này khoảng 5,3%, theo Ủy ban, với giả định năm 2013 tăng trưởng 5,3% và lạm phát 7%; thì mục tiêu năm 2014 CPI tăng khoảng 7% và tăng trưởng GDP 5,6-5,8%; năm 2015 CPI tăng 6,5% và GDP tăng khoảng 6%-6,2% là hợp lý.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, duy trì sự ổn định tạo tiền đề cho các năm sau, Ủy ban kiến nghị, trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu trên cả hai lĩnh vực: đầu tư và tiêu dùng, để tạo điều kiện cho DN tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, kích thích kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm, cụ thể không nên thấp dưới 30% GDP, để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.