căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Việc làm nhỏ - Ý nghĩa lớn

VIỆC LÀM NHỎ - Ý NGHĨA LỚN

Như một thông lệ, cứ sau mỗi học kỳ Nhà trường sẽ tổng hợp danh sách sinh viên đủ điều kiện học tập loại khá trở lên sẽ được khen thưởng và gửi giấy khen cùng phần thưởng là 1 cuốn sổ tay của nhà trường thật xinh xắn về cho sinh viên từng khoa.

Đó là điều thật đặc biệt ở trường Văn Lang!

Và ở Khoa KTKT, mỗi học kỳ, Thầy trưởng khoa lại dành ra nhiều buổi để trao tận tay cho hàng trăm sinh viên giấy khen và phần thưởng của Trường. Một việc làm tưởng nhỏ nhưng lại mang một ý nghĩa rất lớn. Với phần thưởng như vậy nó không mang giá trị lớn về mặt vật chất, nhưng về mặt tinh thần quả thật là lớn lao, vì nó được trao một cách trân trọng. Việc làm này thật là ý nghĩa hơn nữa khi nhớ lại lời dạy của ông bà ta ngày xưa là “Của cho không bằng cách cho”. Qua mỗi lần trao phần thưởng như vậy, Thầy lại truyền thêm cho mỗi thế hệ sinh viên một niềm tin, một động lực để vươn lên làm chủ kiến thức, vươn lên chiếm lĩnh tri thức trong nghề nghiệp. Hơn tất cả, đó là sự trân trọng và ghi nhận của Nhà trường, của Khoa về những nỗ lực, cố gắng của các em sinh viên để đạt được thành tích như vậy.

    
 
Cô Ngân Hà và Cô Kim Phụng trao phần thưởng cho các bạn SV 
Cô Kim Phụng (áo vàng) – GVCN lớp K18KT1
phát thưởng cho SV. Bạn Đặng An – lớp trưởng (ngoài cùng bên trái), bạn Mai Ly – bí thư Chi đoàn (thứ 4 từ bên phải).

Tất cả sinh viên của trường Văn Lang nói chung và sinh viên Khoa KTKT nói riêng đều rất tự hào về những điểm số mà mình đạt được. Trong một xã hội hiện nay đang “lạm phát” về điểm số, bằng cấp thì việc khoa KTKT vẫn kiên quyết nói không với tiêu cực, với tình trạng “lạm phát” điểm số, thì những điểm 7 hay 8, 9 của các sinh viên thực sự rất là “chất”, rất đáng khen ngợi. Cái “chất” của điểm số được thể hiện ở tất cả các khâu từ thái độ học tập của sinh viên, cách thức tổ chức hoạt động đào tạo của khoa,… mà bất cứ sinh viên nào cũng nghiêm túc thực hiện ngay từ buổi học đầu tiên.

Bắt đầu từ học kỳ này (HK2-2013/2014), Thầy trưởng khoa đã ủy quyền cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trao phần thưởng cho các bạn sinh viên của lớp mình chủ nhiệm. Việc làm này bắt nguồn từ việc đẩy mạnh vai trò của GVCN trong tất cả các hoạt động gắn liền với sinh viên. GVCN phải nắm rõ tình hình học tập, sinh hoạt của lớp mình chủ nhiệm một cách thực chất, không làm hình thức. Đó là văn hóa của Khoa!

        
 
 khoảnh khắc xitin giữa cô – trò lớp K18KT1 sau giờ sinh hoạt lớp tại hội trường C. 001

Thực tế, các buổi sinh hoạt của GVCN tại các lớp đều diễn ra với không khí sôi nổi, vui tươi, là dịp để thầy trò cùng nhau chia sẻ, giải đáp những vướng mắc của sinh viên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Với những chủ đề rất đa dạng, GVCN đã chia sẻ với lớp như kinh nghiệm làm sao để dành được học bổng, phần thưởng từng học kỳ; tư vấn cho các bạn có kế hoạch trả nợ học phần hiệu quả; các văn hoá ứng xử trong cuộc sống như văn hoá ứng xử trên facebook, trên email….. Buổi sinh hoạt lớp tháng 4 thật là khác so với những lần sinh hoạt trước đó. Lớp K18KT1 sau buổi sinh hoạt còn ở lại để thầy – trò cùng nhau chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Cô Nguyễn Thị Kim Phụng – Giảng viên cơ hữu,là GVCN lớp K18KT1 chia sẻ với lớp: “Cô thấy rất vui khi lớp mình đoàn kết và hầu hết các bạn có thành tích học tập tốt. Đặc biệt, ban cán sự lớp- trong đó có lớp trưởng Đặng An, bạn Mai Ly – bí thư chi Đoàn cũng được khen thưởng trong học kỳ vừa qua, đồng thời vẫn làm rất tốt công việc của lớp, tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào của lớp, của Khoa. Điều đó chứng tỏ, nếu các em biết sắp xếp thời gian hợp lý thì các em vẫn đảm bảo được cả 2 việc: học mà chơi, chơi nhưng vẫn học tốt”.

Một học kỳ đã qua, và hiện tại các bạn đã đi được nửa chặng đường của học kỳ 2. Kỳ thi cuối kỳ căng thẳng đang ở phía trước chờ các em chinh phục. Chúc tất cả sinh viên khoa KTKT luôn học hết sức – chơi hết mình và đạt kết quả cao nhất để đến học kỳ sau thật là vinh dự, tự hào khi thầy, cô chủ nhiệm được tiếp tục tận tay phát phần thưởng và giấy khen của Trường cho các em. Thầy – Trò chúng ta hãy cùng nhau xây dựng văn hoá tốt đẹp này nhé.

 

Cô Phạm Thị Nga, bộ phận CTSV