căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

UBKT: Nền kinh tế vẫn đối mặt thách thức

Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Trong tổng số khoảng 90.000 doanh nghiệp báo lỗ, Hà Nội có khoảng 46.000 doanh nghiệp với số lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng.

         
   
Theo báo cáo của Chính phủ  tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, cao hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4  - tại kỳ họp này báo cáo cho thấy có 10/15 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBKT trình bày sáng nay tại Quốc hội: "nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước.

Tăng trưởng kinh tế thấp, chưa hợp lý

Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2012 dù tăng 7% so với năm trước nhưng chỉ bằng 28,5% GDP và thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội là 33,5%. Đây cũng là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP thấp nhất trong những năm gần đây.
UBKT: Nền kinh tế vẫn đối mặt thách thức (1)
Nguồn: UBKT
Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011.

Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng – tháng 12/2012 tăng 20,1% so với T12/2011; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao – nợ xấu năm 2012 tăng 64% so với năm 2011. 

Hơn 50% doanh nghiệp báo lỗ đến từ Hà Nội

Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011.

Theo báo cáo khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, lý do chính khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là: không tìm được thị trường đầu ra 28,6%; không vay được vốn ngân hàng 21,4%; giá nguyên vật liệu cao 17,9%. Theo Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN, năm 2012 nền kinh tế trả lãi ngân hàng 420 nghìn tỷ đồng.

Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Khu vực doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao nhất trong khi các doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Riêng thành phố Hà Nội có khoảng 46.000 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 90.000 doanh nghiệp báo lỗ với số lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng.

Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động, việc làm; số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng.
UBKT: Nền kinh tế vẫn đối mặt thách thức (2)
Nguồn: UBKT

Chính sách tạm trữ lúa gạo còn nhiều bất cập

Xuất siêu là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng đáng lo ngại là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.

Chính sách mua tạm trữ lúa, gạo còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nông dân vì số lượng người được hưởng lợi trực tiếp còn ít, việc triển khai mua tạm trữ còn chậm, thời hạn thực hiện ngắn trong khi thời gian thu hoạch cao điểm ở các tỉnh chênh lệch nhau.

Mặt khác, việc phân giao chỉ tiêu và tổ chức thu mua còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp không có mạng lưới thu mua trực tiếp từ nông dân mà thông qua các thương lái nên tình trạng ép giá vẫn xảy ra phổ biến.

Ngân sách tăng thu nhờ dầu thô và viện trợ

Tổng thu NSNN tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán và tăng 1.690 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, phần tăng thu chủ yếu từ dầu thô và viện trợ không hoàn lại.

Thu nội địa và thu xuất, nhập khẩu giảm mạnh, nếu không có nguồn thu thêm từ hoạt động dầu khí thì ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ chi năm 2012.

Có ý kiến cho rằng cần đánh giá thực chất bội chi ngân sách 4,8% GDP do đã ứng chi chưa bố trí được nguồn thu hồi 67.400 tỷ đồng hoặc phải chi nhưng chưa có nguồn như hoàn thuế VAT 33.500 tỷ đồng, cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội 6.260 tỷ đồng.

Như vậy, tuy một số chỉ tiêu của năm 2012 đạt Kế hoạch nhưng chưa thực chất và sẽ gây áp lực cho việc bố trí và điều hành ngân sách các năm sau.

Loại trừ nhóm y tế và giáo dục CPI chỉ tăng 3,3%

Có ý kiến cho rằng lạm phát giảm mạnh trong năm 2012 nhưng thực tế có thể duy trì ở mức thấp hơn nếu thực hiện hợp lý lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công đối với y tế và giáo dục. Nếu loại trừ 2 nhóm hàng y tế và giáo dục thì CPI năm 2012 chỉ tăng 3,3%.

Khi duy trì lạm phát ở mức thấp, ổn định sẽ cho phép có thể hạ lãi suất ngân hàng nhanh hơn.

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn so với kế hoạch đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính trong một số thời điểm là cần thiết, trên thực tế đã phát huy tác dụng và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên can thiệp thị trường bằng công cụ hành chính cần cân nhắc không để kéo dài, nhất là khi kinh tế vĩ mô đạt mức độ ổn định nhất định để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực.

Q. Nguyễn
Lược ghi

Theo Trí Thức Trẻ/Quốc hội Việt Nam