căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Tư vấn tuyển sinh 2014 tại Quảng Nam: Sài Gòn và ước mơ đại học, có quá xa?

(TT. Thông tin – Văn Lang, 7/3/2014) – Ngày 7/3/2014, đồng hành cùng chương trình Tư vấn mùa thi 2014 của báo Thanh niên, Trường ĐH Văn Lang tham gia chuỗi tư vấn tại các trường THPT của huyện Điện Bàn và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.


Quảng Nam là địa điểm xa nhất của chương trình. Ban tổ chức nói với chúng tôi, đi quá khỏi Quảng Nam, rất khó để tiếp tục triển khai công tác tư vấn tuyển sinh, vì sự quan tâm dành cho các trường ĐH, CĐ phía Nam giảm rõ rệt. Vậy là từ đầu mút này, chúng tôi theo đoàn Tư vấn mùa thi 2014 của báo Thanh niên, gồm 21 trường ĐH-CĐ, thực hiện hành trình tư vấn hướng dần về phía Nam.

 

   
Hơn 2000 HS của các trường THPT Duy Xuyên, THPT Nguyễn Duy Hiệu, THPT Nguyễn Khuyến, THPT Đại Lộc, THPT Hội An (huyện Điện Bàn) tham gia chương trình tư vấn truyền hình, sáng 7/3/2014.
 

Thông tin từ Nhà trường cho biết, so với các tỉnh miền Trung, Quảng Nam xa xôi có số sinh viên vào Văn Lang thấp nhất nhưng cũng tới con số 126 bạn. So với thống kê của Bộ GD&ĐT - Quảng Nam là tỉnh có số thí sinh đăng ký dự thi ĐH cao thứ 4 trong cả nước, hơn 55.000 lượt ĐKDT trong năm 2013 - thì con số kia càng trở nên nhỏ nhoi. Điều đó được lý giải ngay khi chúng tôi gặp và nói chuyện với học sinh Quảng Nam trong chương trình tư vấn truyền hình trực tiếp đầu tiên của chuỗi miền Trung tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Điện Bàn (sáng 7/3/2014). Hơn 2000 học sinh lắng nghe tư vấn và đặt câu hỏi, đại đa số câu hỏi hướng về các đại học tại địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế. Chợt hiểu ra, tâm lý e ngại về đường xa, về tiền bạc, từ đó dẫn tới không muốn hay không dám đi xa, thật sự là một rào cản đối với thí sinh tại vùng đất này.

 

 

 Khoảng 500 học sinh trường THPT Phan Bội Châu tham gia chương trình tư vấn chiều 7/3/2014.
Ảnh: ThS. Nguyễn Hữu Bình - Trưởng Bộ môn Luật trường ĐH Văn Lang, trò chuyện với thí sinh..

 

                                                              
Bạn nam này tên Sơn Ba, học sinh trường THPT Phan Bội Châu (Tp.Tam Kỳ), thấy ngành Công nghệ thông tin đào tạo theo chương trình CMU của Văn Lang rất hay, nhưng sẽ học ngành này ở Đà Nẵng. Hỏi “Vậy còn các bạn trong lớp em thì sao?”, Ba trả lời “Cũng có nhiều đứa vào Sài Gòn học. Chừng 3, 4 đứa.”
 
Bạn nữ này tên Nguyễn Phan Thảo Vi, học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Điện Bàn). Sau khi đọc chăm chú tài liệu tuyển sinh hai ngành Du lịch của trường ĐH Văn Lang, bạn cười rồi ngần ngừ trả lại, “Em đọc vầy cũng thích, nhưng em tính sẽ học gần thôi. Sài Gòn xa quá…”.

 

       

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh ở đây cũng không muốn con đi học xa. Thế nên khi một câu hỏi của em Thảo, học sinh lớp 12B8 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn) (ảnh bên) được nêu lên “Em muốn vào Sài Gòn học đại học. Nhưng bố mẹ em không cho. Vậy em phải làm sao để thuyết phục bố mẹ em?”, thì rất nhiều tiếng hoan hỉ đồng tình lan trong số học sinh có mặt tại Hội trường.

Những câu hỏi và chia sẻ đó khiến chúng tôi khẳng định mạnh mẽ hơn niềm tin vào thông điệp của trường ĐH Văn Lang trong chuyến đi này: thông điệp về giấc mơ học đại học ở Sài Gòn,trưởng thành và lập nghiệp tại một thị trường lao động lớn nhất của đất nước.

Cũng là những đứa con của miền Trung, cũng từng học đại học xa nhà, và đang làm việc, đang sống trong môi trường năng động, trẻ trung và sáng tạo của Tp. HCM, chúng tôi biết "học đại học ở Sài Gòn" là một giấc mơ không quá xa vời về cả địa lý và tâm lý. Và nếu học sinh đã có ý định, đã mong muốn như thế, thì những người tư vấn của Văn Lang sẽ giúp các bạn tự tin vào quyết định của mình, truyền cảm hứng cho các bạn đi theo mục tiêu học tập và thuyết phục gia đình tin vào khả năng tự lực của các bạn.

Vì thế, chúng tôi trò chuyện với từng nhóm học sinh, chủ động khơi gợi ở các bạn nhiều lựa chọn cho đại học và cho tương lai hơn.

ThS. Nguyễn Hữu Bình trả lời những thắc mắc này một cách sinh động, hài hước, khiến học sinh rất thoải mái và phấn chấn.

Những cuộc trò chuyện như vậy luôn hiệu quả hơn là chờ học sinh đặt câu hỏi trực tiếp cho Trường, vì như thế, ngay cả khi chưa biết gì về Văn Lang, các bạn vẫn có thể chia sẻ với tư vấn viên của Văn Lang. Và hình ảnh của trường ĐH Văn Lang được xây dựng trong chuyến tư vấn Quảng Nam này là hình ảnh thân thiện, thấu hiểu và khuyến khích những ước mơ học tập của học sinh - hình ảnh "Trường ĐH Văn Lang ở Tp. HCM". Chúng tôi biết trường mình có khả năng, có những chính sách hỗ trợ để giấc mơ ấy trở thành sự thật sau 4 - 5 năm nữa, nếu người học có lòng yêu thích, có khát vọng học tập và ý chí phấn đấu.

 

   
Học sinh lớp 12/2 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu đi theo tiễn đoàn Văn Lang
khi kết thúc chương trình truyền hình sáng 7/3/2014.

 

                                                Ngành học của Trường Văn Lang được học sinh Quảng Nam tò mò nhất là ngành Quan hệ Công chúng. Bạn Thanh Hằng (12/3 THPT Phan Bội Châu) thắc mắc về nội dung ngành học này, học xong làm gì…, ngay sau đó, bạn Nhật Hải (12/9 THPT Phan Bội Châu) hỏi về học phí nếu học ngành Quan hệ công chúng tại Văn Lang.

 

Em Nguyễn Bá Phùng (THPT Nguyễn Duy Hiệu, huyện Điện Bàn) (ảnh bên) chủ động đi tìm trường ĐH Văn Lang trong sân trường rất đông người ùa ra sau khi kết thúc chương trình tư vấn truyền hình, để hỏi rõ về việc xét tuyển khối H, V năm nay. Vẻ rụt rè của em chưa giống như ấn tượng về sinh viên ngành Thiết kế Nội thất, nhưng em là một trong số ít học sinh kiên định lựa chọn đi xa để học đại học, và chọn Văn Lang. Điều đó gợi nên ở chúng tôi sự đồng cảm. Đứng bên cạnh là một bạn nữ quan tâm đến các ngành Du lịch. Ngoài ra, những câu hỏi về các ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán,… cũng là thắc mắc của nhiều học sinh.                 

 

Cuộc tiếp xúc với Ban Giám hiệu một số trường THPT ở Quảng Nam giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tâm lý lựa chọn con đường đại học của học sinh, và công tác tư vấn tuyển sinh ở đây.

 

                                                                         
Thầy Phạm Văn Thái, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, trường THPT lớn nhất của huyện Điện Bàn, nói rằng thầy khuyến khích học sinh đi xa để mở mang tầm nhìn, rồi trở về đóng góp cho địa phương.
 
Thầy Châu Anh Khiêm – Hiệu trưởng, và thầy Nguyễn Phúc Liễu – Hiệu phó Trường THPT Phan Bội Châu (Tp.Tam Kỳ) chia sẻ rằng yếu tố kinh tế cũng quyết định rất nhiều đến lựa chọn của học sinh. Chính sách học phí của Trường Văn Lang rất hỗ trợ sinh viên và gia đình, điều còn lại là cần làm cho học sinh nhận ra rằng chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm các em nhận được xứng đáng với sự đầu tư đó.


Một cuộc gặp may mắn tạm kết thúc chuyến tư vấn tuyển sinh tại Quảng Nam lần này là với thầy Lê Nguyễn Bảng, Hiệu truởng Truờng THPT Trần Cao Vân, trường THPT có thành tích cao thứ hai của Tp. Tam Kỳ. Đây là điểm đến ngoài dự kiến của chương trình, nhưng nhờ vậy, chúng tôi biết rằng với các thầy cô ở Quảng Nam, cái tên ĐH Văn Lang khá quen thuộc. Số học sinh ĐKDT vào Văn Lang còn ít, và rất khó thống kê chính xác cả NV1 và NVBS, nhưng thầy Bảng đánh giá cao uy tín của Văn Lang. Cháu ruột của thầy tốt nghiệp ngành Kế toán của trường, và hiện là cán bộ quản lý tại UBND tỉnh Đắk Lắk.


Sau Quảng Nam, đoàn tư vấn tuyển sinh sẽ tiếp tục đến với Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những nơi này, số học sinh nhập học Văn Lang rất đông. Tuy vậy, cũng tương tự như ở Quảng Nam, chúng tôi háo hức được trò chuyện và tìm hiểu tâm lý, lựa chọn của học sinh mỗi địa phương để tìm ra bản sắc của việc tư vấn tuyển sinh ở mỗi nơi sẽ như thế nào.

  • Nguyễn Thị Mến