căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Tư vấn tuyển sinh 2014 Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên: Văn Lang và những ngày

(TT. Thông tin – Văn Lang, 18/3/2014) – Từ 8/3 đến ngày 13/3, đoàn tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Lang đã tiếp tục theo hành trình tư vấn của báo Thanh niên qua 3 tỉnh miền Trung: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Nhiều câu chuyện mới lại được gợi mở trên đường đi…

 

Ở Quảng Ngãi, chúng tôi may mắn được làm việc khá chi tiết với thầy Trương Ngọc Thơi – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Khiết, và thầy Nguyễn Văn Dục – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Quốc Tuấn. Đây là hai trường cấp 3 nức tiếng về chất lượng đào tạo của thành phố Quảng Ngãi, và có hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh riêng, giàu bản sắc. “Tiếp lửa” là cách trường THPT Trần Quốc Tuấn gọi chương trình tư vấn mùa thi truyền thống của mình, do trường tổ chức và cựu học sinh tình nguyện tham gia hằng năm. Nhiều Sinh viên Văn Lang là cựu học sinh Trần Quốc Tuấn đã về trường và giới thiệu Văn Lang, giới thiệu cuộc sống đại học của mình cho đàn em trong những dịp đó.


Vậy là chúng tôi nhớ ra, trước Tết, có gần 10 SV quê Quảng Ngãi đã trực tiếp đến Trung tâm Thông tin để được hỗ trợ tài liệu và thông tin tuyển sinh rồi về trường tham gia Ngày Tiếp lửa mùa thi Trần Quốc Tuấn. Tổng kết trước Tết, TT. Thông tin đã gặp gỡ và hỗ trợ thông tin tuyển sinh với cùng mục tiêu như thế cho hơn 70 Sinh viên đến từ nhiều địa phương, nhiều nhất là miền Trung. Vậy là, trước khi các chuyên viên tư vấn của Văn Lang đến với từng địa phương, thật sự đã có một cuộc tiếp lửa từ trước, một ngọn lửa âm thầm truyền từ thế hệ Sinh viên trước đến thế hệ Sinh viên sau, khiến ĐH Văn Lang trở thành một trong những cái tên được “truyền miệng” ở miền Trung.

 

       Em Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp 12A15 THPT Trần Quốc Tuấn, kể rằng: lớp em có bạn Tô Tuấn Tú sẽ đăng ký NV1 vào ngành Quan hệ công chúng của trường ĐH Văn Lang. Tú biết về ngành PR qua các anh chị Sinh viên về trường năm ngoái. Còn Thảo biết về Văn Lang qua người chị hàng xóm đang học ngành Tài chính – Ngân hàng của trường. Những kênh thông tin như thế thân thiện và có độ tin cậy cao đối với học sinh. Bạn Tú không đến tham dự Ngày hội tư vấn truyền hình tại thành phố Quảng Ngãi chiều 9/3, nên chúng tôi gửi lời thăm và gửi tài liệu tuyển sinh về cho em.

 

Cuộc tiếp lửa Văn Lang mà chúng tôi cảm nhận trên hành trình còn ghi dấu ấn qua hình ảnh đội ngũ Giảng viên, nhân viên của nhà trường.

 

Ở Bình Định, đoàn tư vấn thực hiện một buổi tư vấn cộng đồng ở trường THPT Ischool Tây Sơn (huyện Tây Sơn). Ấn tượng tốt của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ba về Văn Lang chỉ đơn giản là vì có một Giảng viên Văn Lang là con trai người bạn thân của thầy. Chính chúng tôi, khi nói chuyện với học sinh và các thầy cô cấp 3, cũng nhận ra mình là một “đại sứ Văn Lang” rồi. Bên cạnh kênh tư vấn tuyển sinh qua Sinh viên, thì mỗi Giảng viên – nhân viên Văn Lang cũng có thể đem hình ảnh, tên gọi của trường đi xa, đi sâu hơn về các địa phương.

 

 

Buổi tư vấn tập trung tại sân trường THPT Ischool Tây Sơn (Bình Định, 11/3/2014).

ThS. Nguyễn Hữu Bình giới thiệu với học sinh về ngành Kỹ thuật Nhiệt của trường ĐH Văn Lang.

 Thông tin tuyền sinh trung thực, cụ thể và thiết thực là “chất lửa” cho hành trình tư vấn tuyển sinh khi triển khai tại miền Trung. Với nhiều học sinh ở đây, rất thực tế, việc học gắn với việc làm, hơn nữa, phải là việc làm ổn định, có thu nhập. Vì thế, thông tin về ngành Kỹ thuật Nhiệt và nhiều ngành Kỹ thuật – Công nghệ của trường Văn Lang như Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), ngành Kỹ thuật Công trình Xây dựng, ngành Công nghệ Sinh học… thật sự thu hút học sinh. Ngoài ra, cũng như ở nhiều tỉnh thành khác, những ngành học có dấu ấn của nhà trường luôn là điểm nổi bật lôi cuốn học sinh, như ngành Quan hệ Công chúng, ngành Kế toán, ngành Kiến trúc, các ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất, Tạo dáng Công nghiệp… Những thông tin về chất lượng đào tạo và đặc trưng của từng ngành nghề cần đi kèm với thông tin về chính sách chăm sóc người học của Văn Lang, bởi qua các cuộc nói chuyện trực tiếp, học sinh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên nói riêng và học sinh miền Trung nói chung, thường e ngại vấn đề học phí và ăn ở, đi lại… khi vào thành phố trọ học.

 

Trước một câu hỏi rất cụ thể của em Nguyễn Hồng Ngọc, trường THPT Trần Phú (Tp.Quảng Ngãi, 9/3/2014): “Em muốn học Du lịch, nhưng em nghe nói học Du lịch, đi nhiều, thì sẽ ế chồng. Vậy học Du lịch có những phân đoạn công việc nào?”, ThS. Nguyễn Hữu Bình – Trưởng Bộ môn Luật, giải thích những phân đoạn công việc trong văn phòng của mảng dịch vụ du lịch lữ hành (thiết kế tour, kiểm soát tour, tìm kiếm khách hàng…), và giới thiệu mảng dịch vụ nhà hàng – khách sạn để học sinh hiểu rõ hơn công việc trong tương lai nếu đi theo ngành này.   
                          
   

Với những giờ tư vấn lớp, trường ĐH Văn Lang có nhiều thời gian hơn để giới thiệu trường và trả lời thắc mắc của học sinh. Trước thông tin chính sách học phí, cho vay học phí, ký túc xá, nhà trọ… của Văn Lang, học sinh an tâm hơn nhiều trong quyết định của mình.

 

(Ảnh: Trường ĐH Văn Lang tư vấn cho lớp 12 của trường THPT số 3 An Nhơn, Bình Định, 11/3/2014). 

 
Từ Quảng Ngãi trở vào, chúng tôi thường không khó khăn để tìm kiếm những học sinh biết đến Văn Lang và dự định học Văn Lang. Ngược lại, các bạn chủ động quan tâm và hỏi kỹ lưỡng về những ngành mình đã nhắm đến cho đại học. Số học sinh từ Bình Định đến Văn Lang học tập hiện nay đang xếp thứ hai sau Tp.HCM (810 SV), còn Quảng Ngãi cũng có 435 SV, Phú Yên có 208 SV đang học tại Văn Lang. (Ảnh: Học sinh trường THPT Mộ Đức 2 (Quảng Ngãi) theo các thầy cô trường Văn Lang trên đường về để hỏi kỹ hơn về ngành học và việc học ở Văn Lang, 8/3/2014)    
                          
    Một học sinh quan tâm và chủ động hỏi về ngành Thiết kế Nội thất của trường Văn Lang (buổi tư vấn lớp tại trường THPT Mộ Đức 2, Quảng Ngãi, 8/3/2014).
                          
Những học sinh tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU (trước buổi tư vấn truyền hình trực tiếp tại Bình Định, 12/3/2014.    
                          
    Ở Quảng Ngãi, trường Văn Lang tư vấn lớp tại trường THPT Mộ Đức 2 (huyện Mộ Đức). Ở Bình Định, Văn Lang tư vấn các lớp tại trường THPT số 3 An Nhơn (thị xã An Nhơn), THPT Quang Trung và THPT Ischool Tây Sơn (huyện Tây Sơn). Ở Phú Yên, trường tư vấn các lớp của trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đồng Hòa). Hầu như đến với lớp học nào, tư vấn viên của Văn Lang cũng khiến học sinh thích thú, và hô vang tên “Văn Lang!” khi chào tạm biệt. (Ảnh: Học sinh lớp 12A9 trường THPT Lê Trung Kiên – Phú Yên – chào tạm biệt Văn Lang, 13/3/2014).

 

Thật hay là để tạm kết thúc chương trình tư vấn tại mỗi tỉnh, chúng tôi đều gặp những câu chuyện thú vị, và cũng cảm động. 

  

        

 

 Cô bạn cuối cùng mà chúng tôi gặp trước khi lên xe rời Bình Định tên là Thanh Ngọc, lớp 12X2 trường THPT Quốc học Quy Nhơn. Khi Ngọc đứng lên giữa Hội trường Quang Trung của Trung tâm Văn hóa Bình Định đặt câu hỏi, giọng em rất hồi hộp: “Em đã chọn lựa được ngành và trường theo đam mê của em. Nhưng gần đây, bố mẹ lại chọn cho em một ngành khác, là công nghệ may ở bậc cao đẳng. Bây giờ em phải làm sao ạ?” MC hỏi lại “Vậy đam mê của em là học ngành gì?”, Ngọc trả lời “Ngành Quan hệ Công chúng của trường ĐH Văn Lang ạ!” Chúng tôi tìm gặp Ngọc sau chương trình. Biết thầy cô đến từ Văn Lang, bỗng nhiên em chảy nước mắt. Gia đình có nhà may có tiếng ở Sài Gòn, nên mẹ Ngọc nhất định không cho em học PR. Mà Ngọc rất có tố chất để học ngành này, lại có chị gái đã học khóa đầu, có bạn đang học năm 2 ngành Quan hệ công chúng của trường, em cũng nhất định không từ bỏ ước mơ. Chúng tôi thật sự mong mỏi sẽ gặp Thanh Ngọc tại Văn Lang, trong khóa Sinh viên thứ 20 của trường vào tháng 9 năm nay.  

 

    Ở trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đồng Hòa, Phú Yên), cũng có một nam sinh nhất định vào học ngành Quan hệ công chúng: Duy Ninh, học sinh lớp chuyên ban D duy nhất của trường. Sự kiên định của em khiến chúng tôi thật thích thú: em xung phong đứng lên thay tư vấn viên giới thiệu về trường Văn Lang cho các bạn trong lớp cùng nghe. Bài giới thiệu ngắn gọn, nhưng không sai một chi tiết nào, chứng tỏ em đã tìm hiểu kỹ lắm, chuẩn bị kỹ lưỡng lắm cho lựa chọn của mình rồi. Gặp được những học sinh như thế, mới cảm nhận rõ, hành trình tư vấn tuyển sinh đúng là một hành trình tiếp lửa Văn Lang.          



Nguyễn Thị Mến