căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Thi học kỳ 2 dưới góc nhìn sinh viên

Thi học kỳ 2 dưới góc nhìn sinh viên

 

(TT.Thông tin - Văn Lang, 20/6/2014) – Kỳ thi học kỳ 2 năm học 2013-2014 trải dài trong suốt tháng 6, những ngày này, mối quan tâm lớn nhất của sinh viên chủ yếu xoay quanh những chuyện thi cử, đề thi thế nào, ôn tập những gì, làm bài ra sao…

Kỳ thi học kỳ 2 năm học 2013-2014 đã đi được 2/3 chặng đường, theo quan sát, cũng như trao đổi với các thầy cô giám thị, đến thời điểm này, nhìn chung mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, đảm bảo trật tự, nghiêm túc. Có lẽ đây là kết quả của việc định hướng cụ thể ngay từ đầu của nhà trường về công tác điều hành, công tác giám thị, giám sát trước mùa thi. Và một điều quan trọng là ý thức tự giác và tinh thần tự trọng thi cử của sinh viên đã được nâng lên, giảm bớt những tiêu cực trong thi cử. Đấy là một cái kết đẹp của một năm học.

    
                         
“Mùa thi, đi đâu cũng thấy nói chuyện thi. Tại mỗi góc nhỏ của ngôi trường đều thấy nhóm nhóm học bài, từ hành lang các phòng học, ghế đá, thậm chí trước văn phòng thầy Hiệu trưởng. Đông nhất vẫn là Thư viện. Cứ giống như kỳ cắm trại, các bạn mang theo nước uống, thức ăn, sách vở... vào thư viện. Bạn thì đi đi, lại lại cầm tập đọc lui đọc tới, bạn thì ngồi viết cắm cúi, bạn thì ngồi bất động mắt không rời quyển sách, có bạn ngồi yên lặng, bạn thao thao bất tuyệt trước nhóm.
Mùa thi, Thư viện thêm nhiều gương mặt mới...
(Bảo Xuyên - SV năm nhất ngành KTPM). 

Chúng tôi đã thực hiện một vòng phỏng vấn sinh viên các khóa, ở nhiều ngành học. Qua câu chuyện các bạn kể, có sự lạc quan về việc thi cử trong học kỳ này. Theo các bạn việc học và việc thi không phải là vấn đề quá áp lực vì "thi là một hình thức kiểm tra những kiến thức chính trong qua trình hoc, đánh giá chúng ta nắm được bao nhiêu phần trăm kiến thức" , và quan điểm của sinh viên trước hiện tượng tiêu cực trong thi cử cũng rõ ràng, dứt khoát: "không tán thành".

“Cả trường cùng thi”

Đấy là một phát hiện khá thú vị của một bạn sinh viên về kỳ thi học kỳ này. Thú vị ở cái nhìn tổng quan: từ góc độ sinh viên nhưng mỗi sinh viên đã không còn "chúi mũi" vào môn thi của mình, ngày thi giờ thi của mình, mà nhận ra không khí thi bao trùm từ sinh viên đến thầy cô, đến Khoa, đến toàn trường. Tất cả mọi người cùng phối hợp để tổ chức một kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn và hiệu quả.

"Trường vào mùa thi thật rộn ràng, như thể cả trường cùng thi vậy. Các cô thủ thư, các bạn tình nguyện viên trực Thư viện làm việc cũng nhiều hơn vì sinh viên những ngày này đông vượt trội, phải quan sát nhiều, làm việc liên tục. Hệ thống phòng máy của trường cũng phục vụ sớm hơn ngày thường và tốc độ truy cập có vẻ như cũng nhanh hơn. Các cô, các chú phục vụ cũng tất bật hơn ngày thường. Văn phòng khoa cũng thế, công tác thi nghiêm túc hơn, chu đáo thấy rõ, chưa bao giờ các thầy cô tập hợp đông đủ ở khoa như trong mùa thi này. (Nguyễn Thanh Minh – Sinh viên năm 3 khoa Ngoại ngữ).

Hệ thống mạng khá ổn, có vẻ nhanh hơn, đề thi, đáp án đưa lên kịp thời. Mấy chú bảo vệ thật dễ thương, biết thông cảm, không hề cứng nhắc, quy tắc. Có những hôm đi thi, gặp trời mưa, đến cổng định dừng xe lại, mấy chú "đặc cách" cho đi thẳng xe vào trường, thấy thật cảm động. Các thầy cô, tuy hết thời gian lên lớp, vẫn hỗ trợ tài liệu, trả lời sinh viên qua e-mail. (Trần Cẩm Nguyên - SV năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh). 
 
 

Hành lang cũng là nơi lý tưởng để các nhóm ôn bài trước giờ thi. Hình chụp tại cơ sở 2, chiều 19/6/2014

"Em thấy các công tác tổ chức của nhà trường năm nay có tiến bộ hơn, mọi thứ đều ổn, chỉ có mỗi chuyện coi điểm trên trang chủ của trường hơi khó khăn". (Trần Phi Bằng - SV năm 3 ngành Xây dựng).

"
Em ôn thi ở nhà cho tiện. Nhưng mỗi lần có dịp đến trường những ngày cận thi, em đều thấy các bạn học ôn cũng thật hăng say. Riêng ở lớp em, các bạn hỗ trợ nhau rất tốt. Nếu bạn nào có tài liệu gì hay hay hoặc đề năm ngoái up lên group cho mọi người cùng tham khảo" (Trần Cẩm Nguyên - SV năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh). 

"101 chuyện phòng thi"

    
 
Sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh - năm 3, trong giờ thi môn Kế toán chi phí, ca thi chiều 19/6/2014, tại phòng thi C501 (233A Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh - Cơ sở 2 của trường ĐH Văn Lang),

 

Đi thi trễ là câu chuyện muôn đời của sinh viên, và sinh viên thì có vô vàn lý do để đi trễ. Dù khách quan hay chủ quan thì đây vẫn là một thực trạng đáng buồn vì sinh viên đi trễ nhiều, phòng thi trở nên lộn xộn, còn tạo một hình ảnh không đẹp cho một kỳ thi nghiêm túc... Năm nay, dưới góc nhìn sinh viên, hiện tượng này có vẻ như phần nào được khắc phục.

"Đã trải qua nhiều lần thi học kỳ, có lẽ học kỳ này, ở phòng thi của em, chuyện đi trễ đã giảm hẳn. Em nhớ, mùa thi trước, có bạn đi trễ cả tiếng đồng hồ, thế là không được thi. Đợt này, cũng có vài bạn đi muộn 10-15 phút. Có lẽ, cũng trải qua nhiều kỳ thi rồi nên em thấy thi cử có vẻ nhẹ nhàng hơn vì thi chủ yếu là tự luận, đề dạng mở, đề thi không phải học thuộc, mà chỉ cần hiểu bài thì có thể làm được". (Nguyễn Thanh Minh - năm 3 khoa Ngoại ngữ).

Đây cũng là kiến của sinh viên nhiều khoa như ý kiến của Trần Cẩm Nguyên (Quản trị Kinh doanh), Hồ Ngọc Gia Bảo (kỹ thuật Nhiệt), Trần Phi Bằng (Xây dựng)… Nguyên nhân của việc này theo bạn Hồ Thành Phương – SV năm tư ngành Kiến trúc lý giải: “Không biết có phải vì bọn em hay thi ca thi giữa nên em thấy sinh viên ít khi thi trễ hơn mặc dù dân Kiến là chúa hay bị trễ thi, nhất là năm nay lại có đá banh nữa”. Hay ý của bạn Cẩm Nguyên "Cõ lẽ, kỳ này, khoa em chủ yếu thi buổi chiều, các bạn ít đi trễ hơn?"
 

 

 

Giám thị phòng thi là một nhân tố quan trọng, công tác này được nhà trường chú ý. Trước đợt thi, các cán bộ, giám thị coi thi đều được tập huấn. Mỗi phòng thường có từ 2-3 giám thị, phòng lớn có thể nhiều hơn. Dưới góc nhìn của các bạn sinh viên "công tác coi thi gắt hơn, cán bộ coi thi có trách nhiệm và khá ổn"....

 Cán bộ coi thi làm đúng trách nhiệm khi coi thi". (Huỳnh Phi - SV năm 2 khoa PR).

 “Cán bộ coi thi thì không quá khó cũng không quá dễ. Trước lúc thi, một số thầy cô kể chuyện vui tạo không khí vui vẻ, giảm bị áp lực cho sinh viên, nhưng khi phát đề rồi thì cực kỳ nghiêm túc" (Hình Bảo Xuyên).

 "Có vài cán bộ thì nghiêm quá, nghiêm suốt cả buổi thi, làm sinh viên có cảm giác "nghẹt thở", nhưng cũng có những giám thị trước giờ thi rất vui tính, nói đùa rồi động viên, nên sự căng thẳng cũng đỡ hơn nhiều, đơn cử cán bộ coi thi vui tính là thầy Trung coi thi ở khoa em". (Trần Cẩm Nguyên, Quản trị Kinh doanh).

 Vấn đề thì nhiều lắm. Thi, đổi phòng thi không báo trước, phải tự đi tìm, mất thời gian và chạy đi tìm mệt trước khi vào phòng thi. Em không phiền cán bộ coi thi, nhưng em thấy quản lí sinh viên trước giờ thi "thúc" các bạn thiếu học phí. Việc đó với em không vui, nó làm các bạn trong giờ thì vừa cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, không còn tinh thần tốt để thi nữa” - SV năm tư ngành Kiến trúc. (Hồ Thành Phương - SV năm 3 Kiến trúc).

 

  

    
Sinh viên khoa Ngoại ngữ trong giờ thi môn ngoại ngữ,ca thi sáng 20/6/2014, tại phòng thi 501A (Trụ sở trường ĐH Văn Lang)
 

Chuyện đề thi như thế nào, mức độ khó dễ của đề thi, hình thức thi nào tâm đắc nhất, các bạn cũng chia sẻ.

Với em, việc học thi và việc thi không quá vất vả, mặc dù có thể chương trình mỗi kỳ, cách thi mỗi thầy có thể không giống nhau. Là sinh viên năm hai, đã quen với cách học, cách thi ở đại học, nên em nhận thấy việc thi cử không quá áp lực do có thời gian một tuần để ôn tập. Em cũng đã trải qua nhiều hình thức thi, và thích thi hình thức tự luận với dạng đề mở mà chủ yếu là kiến thức tổng hợp của sinh viên, vậy đỡ ngán hơn là lý thuyết, cứ bắt nêu ra đủ những gạch đầu dòng mang ý kiến của thầy cô". (Huỳnh Phi - SV năm 2 khoa PR).

Bạn Phi Bằng có cùng quanh điểm với bạn Huỳnh Phi: "Đề thi phù hợp với nội dung học, bên cạnh đó cũng phần nâng cao, ai hiểu bài sâu thì được điểm cao. Em thì thích thi tự luận, bởi vì khi thi tự luận sẽ làm cho mình ôn bài kĩ hơn, kiến thức sẽ đi được tìm hiểu sâu hơn"... "Bước vào kỳ thi thứ 6 rồi, các môn học đã bắt đầu chuyên sâu vào và khó hơn, học những môn rất quan trọng nên ai cũng đầu tư nhiều thời gian và công sức. Vất vả đấy, nhưng tôi lại thích như thế, không khí thi này sẽ tạo động lực cho mình phải học tốt hơn và đủ tự tin khi sở hữu kiến thức dành cho một kỹ sư xây dựng tương lai”.

Học kì này học tới 8 môn, dù không bị quá tải nhưng có vài môn "khó chiều" hơn học kỳ trước. Thi chủ yếu là trắc nghiệm và tự luận thôi, chỉ có giữa kì mới làm bài luận, nhưng thật sự cảm thấy làm bài luận thích thú hơn vì được nghiên cứu và tập cách áp dụng. Thi nhưng trắc nghiệm thì cũng có cái hay riêng của nó, chỉ mỗi tự luận (nhất là làm bài tập định khoản của tài chính thì ôi thôi ... khổ sở (mặt cười đau khổ). Nội dung bài thi đa phần đã được thầy cô bật mí trước, nhưng cũng có một vài môn phải tự khoanh vùng" (Trần Cẩm Nguyên).

Em thích hình thức thi vấn đáp và làm đồ án nhất. Vấn đáp và làm đồ án yêu cầu sinh viên không những hiểu mà còn phải nhớ, phải hiểu sâu những gì mình đã làm để bảo vệ ý tưởng đó trước thầy giáo. Học kỳ 9 của đời sinh viên có lẽ là khá nhẹ nhàng vì em chỉ học có 4 môn học và 3 môn đồ án. Tuy nhiên giờ học thì ít nhưng khối lượng công việc dành cho các môn đồ án lại nhiều. Ngày trước khi nhìn thấy các anh chị khóa trên đi làm thường chật vật với những kì thi học kỳ, em thấy rất khó hiểu. Nhưng nay rơi vào trong trường hợp này thì em mới hiểu rõ được tình trạng và nỗi niềm của những đàn anh đàn chị khóa trước". (Hồ Ngọc Gia Bảo - SV năm tư ngành Kỹ thuật Nhiệt).  

Đây cũng là ý kiến của bạn Lê Dung: “Em thích được làm đồ án. Công việc này đòi hỏi phải làm bằng cả đam mê, tình yêu, xem nó như con của mình và có trách nhiệm với nó, chăm chút cho nó lớn lên từng ngày một. Quan trọng là nắm được yêu cầu chính của thầy cô đối với bài, rồi từ đó làn nền tảng để sáng tạo thêm những cái của cá nhân. Làm đồ án thi cuối kì thì vô số sự cố. Thường là... làm hư bài là phải làm lại từ đầu, tốn chi phí mua đồ để làm bài, tốn công sức thời gian tìm địa điểm mua. Học kỳ 1 em không rớt môn nào, em nghĩ học kỳ 2 em cũng như thế”. 

                                  
        
Một ca thi vấn đáp, môn Nguyên lý Kế toán, Chuyên ngành Quản trị Hệ thống thông tin - Khoa Quản trị Kinh doanh, ca thi sáng 20/6/2014 tại phòng thi C508,cơ sở 2 của trường ĐH Văn Lang

Chuyện trao đổi bài, quay cóp, xem tài liệu trong phòng thi là chuyện muôn thuở của sinh viên trong các kỳ thi và năm nào các cán bộ coi thi cũng đều được nhắc nhở là phải thật nghiêm khắc khi coi thi. Sự nghiêm khắc của giám thị phần nào khiến những sinh viên có ý định không nghiêm túc phải dẹp ngay.. Tuy nhiên không phải giám thị nào cũng đủ độ “nghiêm khắc” cần thiết, nhiều sinh viên vẫn tận dụng được những kẽ hở để quay cóp, xem tài liệu trong phòng thi.

"Theo em, trao đổi bài thì có thể châm chước được chứ không nên quay cóp bài. Việc làm này cái lợi trước mắt nhưng cái hại thì vô cùng. Em đã đi làm được một thời gian và nhận thấy rằng: bảng điểm đẹp chỉ giúp hồ sơ của bạn thêm đẹp lúc ban đầu, nhưng cái quan trọng nhất là năng lực của bạn đến đâu. Bảng điểm đẹp mà không dựa trên thực lực của chính mình thì cũng thật vô nghĩa, chỉ một thời gian, bạn sẽ bị sa thải.  Một vài lần điểm thấp, em cũng thấy xấu hổ, nhưng vì tự trọng, em kiên quyết không quay cóp vì em nghĩ học là cho mình, đã mất thời gian, tiền bạc, công sức thì phải học được cái gì đó cho mình". (Lê Thị Bảo Ngọc - SV năm cuối khoa Kế toán Kiểm toán).

"Em chưa thấy ai quay bài từ kì thi đầu tiên ở Văn Lang đến giờ, chắc là em không để ý (cười). Cá nhân em không đồng tình chuyện này, em vẫn thích thành quả cuối là hoàn toàn do sức lao động của mình tạo ra hơn". (Lê Dung).

"Đối với các bạn trong khoá em thì quay cóp không có. Các bạn thấy thi không đậu thì bỏ thi và sẽ học lại chứ không đi thi rồi quay cóp. Em không thích hành động quay cóp trong thi". (Hình Bảo Xuyên, ngành Kỹ thuật Phần mềm).

"Chuyện quay cóp vẫn còn, tuy không nhiều. Thật ra em cảm thấy việc quay cóp diễn ra vào những khi hình thức thi là đề đóng với những kiến thức sách vở, do các bạn thiếu tự tin, học không có mục đích đến khi thi thì lười học và quay cóp để qua môn. Hãy thử nêu ra những điều thú vị hơn thay vì những lý do xưa cũ như học để hơn người, để có bằng... Thay đổi hình thức thi sang kiểu đề mở để xem suy nghĩ của các bạn ra sao? Hãy để cho các bạn nói những kiến thức mà các giảng viên giảng dạy, các bạn tiếp thu như thế nào. Đề mở thì việc quay cóp chắc không còn ý nghĩa gì nữa". Huỳnh Phi - SV năm hai khoa PR).

   

 

 

Kinh nghiệm học thi của bạn là gì? Mỗi Khoá đều có một câu trả lời thú vị:

Năm nhất: "Đi học đầy đủ, tập trung nghe giảng, ghi chú lại những gì thầy cô giảng đi giảng lại (cái này chính là cái  quan trọng , sẽ liên quan đến thi, sẽ nằm trong đề thi). "Kết nối với các anh chị các khóa trên để học hỏi kinh nghiệm, thông qua nhiều kênh, Diễn đàn sinh viên Văn Lang là một kênh thông tin hữu ích và hiệu quả". "Học mỗi ngày một ít. Không ỷ lại và đợi "nước đến chân mới nhảy". "Ngày thi, nên đến trước 15-20 phút, phòng các sự cố như hư xe, không bắt kịp xe buýt, đến sớm để trao đổi bài với các bạn cũng hay. Tuyệt đối không đi trễ vì ảnh hưởng tinh thần, làm bài thi không tốt đâu. Khi làm bài thi phải biết phân bổ thời gian hợp lý, biết phương pháp làm với từng dạng đề cụ thể". "Đọc kỹ đề".

Năm hai: "Học, tư duy, học thi và thi bằng phương pháp Mindmap (bản đồ tư duy). Học thì cần hiểu, chứ không phải thuộc. Khi hiểu được mình đang học gì thì khi thi sẽ tự tin hơn. "Hãy làm mọi việc bằng sự đam mê, đem hết trí lực của mình, tâm sức của mình. Nếu thuyết phục được mình sẽ thuyết phục được người khác". "Mạng của trường cung cấp khối lượng tài liệu lớn, hãy tham khảo và tham khảo".

Năm ba, năm tư: "Học thi có trọng tâm, có chiến lược nhưng không nên học tủ vì đề thi thông thường không tủ". "Học nhóm sẽ giúp phát huy hết tất cả khả năng của mọi người. Hãy chia sẻ tài nguyên với nhau. Không nên nhồi nhét quá nhiều, dễ gây căng thẳng và làm mình rối". "Học mỗi ngày một ít, phải nắm bài từ đầu nếu học đầu kỳ mà cuối kỳ vẫn nhớ thi không nên lo lắng về kết quả thi. "Đối với đề mở, cách vài ngày trước khi thi phải học và hiểu được 1 cuốn sách, nghe hơi nản nhưng nếu thích thú thì học nhớ rất nhanh." 

Năm cuối: 
Đặt mục tiêu: tốt nghiệp đúng thời hạn. Tập trung cho việc học và làm tốt nghiệp. Lúc ôn thi tốt nghiệp, cách tốt nhất là hệ thống lại kiến thức. Nếu đi làm thêm, cần sắp xếp và biết tranh thủ thời gian là rất quan trọng". "Khi đi làm, khi nào rảnh là em tranh thủ học ngay. Nếu thấy việc học không ổn thì chủ động xin nghỉ việc học cần được ưu tiên hàng đầu". "Thái độ, tinh thần học tập nghiêm túc và kế hoạch một điều quan trọng không thể thiếu".

...... 

 

 

  • Nguyễn Liên 
    (thực hiện)