căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Tạo ưu thế cho VND

Thống đốc nhấn mạnh việc tăng tín dụng không đồng nghĩa với việc hạ chuẩn tín dụng và NH Nhà nước sẽ kiểm soát chặt việc này.

     
   

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng (NH) sáu tháng cuối năm vào sáng 19-6 ở TP.HCM, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian tới trần lãi suất (LS) huy động USD sẽ được điều chỉnh theo hướng tạo ưu thế cho VND.

Một số NH kiến nghị các giải pháp nhằm khơi thông vốn tín dụng trong điều kiện cho vay sáu tháng đầu năm tăng rất thấp.

Sẽ giảm trần LS huy động USD

Giải thích hiện tượng giá USD bất ngờ đụng trần, ông Bình cho biết do dồi dào tiền đồng, trong khi không cho vay ra được, nên thời gian qua các NH đã mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái, đồng thời cũng xem như món “lương khô” đợi thời cơ kinh doanh. Nhiều NH cùng hành động theo hướng này khiến tỉ giá từ chỗ ổn định dưới mức 21.000 đồng trong nhiều tháng qua bất ngờ vọt lên mức 21.036 đồng/USD.

Ông Bình cũng khẳng định tổng thể cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế không căng thẳng. Tuy nhiên nếu các NH cứ quá đầu tư trên thị trường ngoại tệ sẽ tạo sức ép lên tỉ giá. Khi đó buộc NH Nhà nước phải hút bớt tiền về. “Như vậy là tự các NH hại mình”, ông nói và đề nghị NH nào âm trạng thái ngoại tệ nhiều thì nên cải thiện nhưng theo hướng liệu cơm gắp mắm. Thời gian tới NH Nhà nước sẽ kêu gọi Hiệp hội NH vào cuộc, tạo sự đồng thuận để các hành động mang tính chuyên nghiệp hơn.

Lãnh đạo Citibank cho rằng biến động của giá USD trong hai tuần qua có nguyên nhân từ chênh lệch quá thấp giữa LS huy động VND và USD. Thời gian qua LS VND liên tục hạ thấp nhưng LS USD lại giữ nguyên, lợi thế để ổn định tỉ giá không còn nữa. Lãnh đạo Citibank kiến nghị nên hạ LS huy động USD xuống 0% nhằm làm người nắm giữ USD không thấy lợi ích trực tiếp để nắm giữ USD.

Ủng hộ quan điểm này, nhưng ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc NH Đông Á, cho rằng dù LS USD hạ nhưng vẫn có người thích gửi tiết kiệm USD. Hiện nay người dân gửi tiết kiệm VND muốn chuyển đổi sang gửi tiết kiệm ngoại tệ nhưng NH không giải quyết được, do đó đã mua USD ở thị trường tự do.

Ông Bình kiến nghị bên cạnh việc hạ LS USD nên tôn trọng quyền sở hữu của người dân bằng cách cho phép NH thương mại bán USD cho người mua gửi tiết kiệm. Khi họ có nhu cầu rút khoản tiết kiệm này ra sẽ buộc phải bán ngoại tệ cho NH. Làm theo cách này cũng giúp bù đắp nguồn vốn ngoại tệ bị hụt đi do các NH hạ thấp LS huy động.

Trả lời các NH, thống đốc cho biết việc điều chỉnh LS USD nhất định phải làm nhưng điều chỉnh thời điểm nào, mức độ bao nhiêu thì NH Nhà nước còn phải cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ thực hiện trong năm nay. Cũng theo thống đốc, thời gian qua tín dụng ngoại tệ đã giảm mạnh và việc này diễn tiến theo đúng định hướng của NH Nhà nước là chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán.

Tín dụng ì ạch

Tại hội nghị, các NH cũng kêu về tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm, khó cho vay. Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước nói từ đầu năm đến nay NH chỉ tăng trưởng tín dụng 0,9%, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký nhưng không thể giải ngân được do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt. Hiện nhiều NH phía Bắc cho vay với LS chỉ 5-6%/năm, nhiều NH nước ngoài còn lấy LS liên NH làm căn cứ để áp LS cho vay với mức chỉ 3%/năm. Vì vậy dù đã chấp nhận cho vay với LS chỉ 7%/năm nhưng NH cũng không kiếm được khách vay.

Ông Phước kiến nghị NH Nhà nước cho phép NH được cho vay vượt 15% vốn tự có đối với những tập đoàn mà tình hình kinh doanh còn tốt như than, điện, lương thực và với các doanh nghiệp đầu tư ở Myanmar nhằm tạo đầu ra cho tín dụng. Hiện NH đã sử dụng hết hạn mức cho vay với những đối tượng này nên không thể cho vay thêm được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Trần Phương Bình cho biết tín dụng của NH này chỉ mới tăng được 0,3% sau sáu tháng, nhiều khách hàng trả nợ cũ để vay mới, số khác thương lượng để hạ bớt LS cho vay. Chủ tịch HĐQT một NH cổ phần lớn thì nói NH phải phát triển sang mảng cho vay cá nhân để bù đắp. Theo các NH, tín dụng toàn hệ thống tăng do tăng tín dụng ở các NH quốc doanh, chứ các NH cổ phần hầu như không tăng.

Trong khi đó, ông Tô Duy Lâm, giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cảnh báo tình trạng các NH dùng thủ thuật khi xử lý nợ xấu bằng cách đảo nợ qua NH khác. “Vấn đề này nổi cộm trong thời gian qua, làm sai lệch số liệu vì về bản chất nợ xấu không thay đổi, NH Nhà nước sẽ giám sát và xử lý nghiêm”, ông Lâm nói.

Cũng tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng bài toán tăng tín dụng phải giải quyết đồng thời ba yếu tố: nợ xấu, sớm đưa Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vào hoạt động và đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỉ đồng. “Nhiều NH nói tín dụng nửa cuối năm tăng 9% là nhiều quá nhưng sáu tháng cuối năm 2012 tín dụng vẫn tăng được 8,9% dù khó khăn hơn, thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, thống đốc cũng nhấn mạnh việc tăng tín dụng không đồng nghĩa với việc hạ chuẩn tín dụng và NH Nhà nước sẽ kiểm soát chặt việc này. Song song đó các NH buộc phải “bớt ăn bớt mặc” để xử lý dứt điểm nợ xấu. NH nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro mà chia cổ tức cao thì thanh tra giám sát NH Nhà nước sẽ xử ngay.

 

Kịch bản cho thị trường vàng sau ngày 30-6

Nhiều NH bày tỏ băn khoăn về thị trường vàng sau ngày 30-6. Ông Trần Phương Bình nói sau ngày 30-6 dự kiến có hai tình huống: giá vàng sẽ xuống khi đó người dân sẽ tranh nhau bán, nếu lực bán quá mạnh NH sẽ không thể mua vì bị hạn chế bởi trạng thái ngoại hối. NH Nhà nước sẽ xử lý thế nào để tránh phản ứng của người dân vì NH Nhà nước chủ trương thu hẹp mạng lưới nhưng khi người dân mang vàng đến bán NH lại không thể mua? Tình huống thứ hai là khi giá vàng xuống thấp, người dân sẽ đổ ra mua trong khi NH không được phép bán âm trạng thái?

Trả lời những vấn đề này, thống đốc khẳng định nếu sau 30-6 thị trường xảy ra hiện tượng “bỏ chạy” khỏi vàng, với vai trò là người mua bán cuối cùng NH Nhà nước sẽ ra tay. Cũng theo thống đốc, nếu xảy ra theo đúng phương án mua được thì quá mừng vì sẽ tăng dự trữ. Theo ước tính của NH Nhà nước, có khoảng 150-300 tấn vàng trong dân. Về trường hợp người dân đồng loạt mua lại khi giá xuống, khi đó NH Nhà nước sẽ bán ra để điều tiết thị trường.

Theo ÁNH HỒNG

Tuổi trẻ