căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

SV Văn Lang với phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo

SV Văn Lang


                      với phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo

(TT. Thông tin Văn Lang, 15/12/2014) – 64 SV và cựu SV Trường ĐH Văn Lang tham gia cuộc thi hùng biện “Vai trò của SV và cựu SV trong việc phát huy phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo trong 20 năm qua” – một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển Trường.

Cuộc thi do Tiểu ban Nội dung – Ban tổ chức Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường ĐH Văn Lang – chỉ đạo Đoàn – Hội SV Trường ĐH Văn Lang phát động trong SV. Có 57 SV và 7 cựu SV tham dự vòng loại cuộc thi (sáng 23/11/2014). 3 cựu SV và 12 SV được chọn vào vòng chung kết, tổ chức ngày 07/12/2014 tại Cơ sở 2 của trường. 

Với mỗi phần hùng biện trong thời gian 5 - 10 phút, nhiều SV và cựu SV đã thể hiện góc nhìn thú vị về phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo và về truyền thống của Nhà trường, về tình yêu Văn Lang, và về những dấu ấn Văn Lang trên con đường thành công của họ.


Các giám khảo cuộc thi gồm: TS. Phạm Đình Phương (Trưởng Khoa Thương mại), PGS. TS. Trần Minh Tâm (Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học), ThS. Võ Văn Tuấn (Trưởng Phòng Đào tạo), TS. Nguyễn Thị Hồng Hà (Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng), Nhà báo Dương Trọng Dật (Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông), TS. Nguyễn Xuân Xuyên (Phó Trưởng Khoa Thương mại).

Đoàn Nguyễn Phương Thái là cựu SV đạt số điểm cao nhất cho phần hùng biện ở vòng loại (92/100). Để cuộc đời SV của mình thấm hút mọi sắc màu của các hoạt động học tập và rèn luyện của SV, yêu mến Văn Lang, ra trường với danh hiệu thủ khoa Ngoại ngữ vào năm 2011, nay trở về Trường, bạn đúc kết “Như những người thầy của em đã nói, Trường ĐH Văn Lang không phải được xây nên từ gạch đá, xi măng, mà từ những tấm lòng hội tụ của nhân sĩ trí thức, để bao dung, cưu mang SV từ khắp mọi miền đất nước, để xây nên một trường ĐH tử tế, để đời cho thế hệ trẻ…” 



Đoàn Nguyễn Phương Thái phát biểu
trong Lễ Tốt nghiệp tháng 7/2011...


... và hùng biện trong cuộc thi "Cựu SV và SV Văn Lang 
với truyền thống phát huy phương châm Đạo đức - 
Ý chí - Sáng tạo", 2014.



Cựu SV Nguyễn Thị Sơn (khoa Mỹ thuật Công nghiệp, tốt nghiệp năm 2012) kể riêng về câu chuyện hành lang hẹp của khoa MTCN. Dãy nhà A – đại bản doanh của SV khoa MTCN, cùng biểu tượng là một hành lang lối vào dài và hẹp, đã trở thành câu chuyện để SV MTCN nói với nhau về sự sáng tạo, để biến sự tối tăm và bất lợi thành nét độc đáo riêng, thành niềm tự hào khi giới thiệu với bạn bè của các khoa khác về một lối đi – hành lang triển lãm đặc trưng của Văn Lang. 

Cựu SV Nguyễn Thị Ngọc Mai (ngành Kế toán) trở về Trường dự thi khi đang mang bầu lớn, và đùa “Em là thí sinh bự con nhất cuộc thi!” 9 năm từ khi học Văn Lang rồi đi làm, trở thành Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Kế toán Chân Nhân, chị Ngọc Mai tự tổng kết: Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo đã trở thành phương châm định hướng cuộc đời em; còn LCCI trở thành chương trình học tác động sâu sắc đến nghề nghiệp của em. Chính nhờ học LCCI mà em xác định được con đường kiên định của mình là kế toán quản trị, và đứng vững trong nghề nghiệp nhiều cám dỗ như nghề kế toán. Tất cả bắt đầu từ cảm giác được trân trọng khi chị nhận được tờ giấy báo trúng tuyển đại học mà trường Văn Lang gửi về gia đình.

 


SV cổ vũ chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (CSV ngành Kế toán) trong phần thi hùng biện



Cựu SV trở về Văn Lang không chỉ nói những lời khen trường, khen SV. Bạn Lê Hoàng Kim (cựu SV ngành Tài chính – Ngân hàng) thành thật: Ra trường rồi, em nhận thấy SV Văn Lang còn thiếu một điểm, đó là các bạn chưa hình dung được về thực tế cuộc sống, còn ảo tưởng, vì vậy, nhiệt huyết thì các bạn có thừa, nhưng hoang phí, vì chẳng áp dụng được…” Phần “chê” này bạn chưa kịp đưa vào bài hùng biện, nhưng đã là phần kết trong dự định của bạn, để muốn nói rằng: tự hào thì tự hào lắm, tự hào lâu dài về Trường lớp, SV, nhưng mỗi người đều cần biết chỗ mình thiếu sót để sửa, để tốt hơn.

Giải Nhất cuộc thi ở nhóm cựu SV thuộc về chị Lý Thị Huyền Châu – khoa Công nghệ Thông tin, tốt nghiệp năm 2008, hiện là giảng viên khoa CNTT Trường ĐH Văn Lang. Phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo được chị giải thích qua thực tế công việc của mình: “Nhận mức lương 2,5tr cho khởi đầu là GV, lúc ấy tôi đã phấn đấu không ngừng, từ 1 trợ giảng, 1 GV chỉ dạy thực hành, tôi kiên trì học hỏi để được công nhận là GV cơ hữu, được giảng dạy cho SV với tất cả đam mê và năng lực. […] Đạo đức của GV luôn là yếu tố được đề cao, vì thế tôi không ngừng điều chỉnh hành vi và suy nghĩ để sống và làm việc. Trong giảng dạy tôi tôn trọng SV, truyền đạt kiến thức mới và bổ ích cho SV, giúp đỡ quan tâm SV học kém, đồng thời tham gia các tổ chức để giúp đỡ SV có hoàn cảnh khó khăn. […] Tôi tích cực thay đổi nội dung giảng dạy và tham gia các hoạt động đoàn thể để nâng cao kỹ năng sống và giảng dạy. Tôi được công nhận là Chiến sĩ thi đua – một danh hiệu như là kết quả cho ý chí phấn đấu, sáng tạo trong thời gian làm việc tại trường.



Chị Lý Thị Huyền Châu - giải nhất hùng biện nhóm cựu SV



SV Văn Lang đến với cuộc thi, đa phần với những chia sẻ và giải thích giản dị. 

SV Nguyễn Thị Hồng Hạnh (năm hai, ngành CN&QLMT) cho rằng Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo là những gì đơn giản nhất, như đã là SV Văn Lang thì phải biết yêu kính thầy cô, biết làm gì đó cho bạn bè, là lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả, phù hợp… SV Hình Bảo Xuyên (năm hai, ngành CNTT) cũng cho biết: sáng tạo là những gì rất cụ thể và thiết thân với SV CNTT, như tìm ra giải pháp tối ưu cho một vấn đề. Bảo Xuyên nhìn ra những hạn chế của Trường như thiếu phòng học, như hành lang chật hẹp…, nhưng bạn hiểu những khó khăn đó không phải là lý do để than phiền, “chúng em vẫn tổ chức học nhóm hiệu quả, và mỗi kinh nghiệm đều là hành trang quý cho chúng em khi ra đời…” SV Phạm Đăng Thiên (năm 2, ngành Kiến trúc), nhìn tinh thần Văn Lang từ góc nhìn riêng của SV Kiến trúc – qua những hình ảnh đẹp: “…bây giờ em thầm nghĩ đây là cơ hội để kể về những hình ảnh đẹp bắt gặp ở mọi góc nhỏ trong trường. Là người học ngành nghệ thuật, khi bắt gặp cái đẹp, họ phải vẽ, phải tạc, phải chụp, ghi chép…, ngoài ra họ còn có thể nói cho những người xung quanh nghe…” Tinh thần Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo đã ngầm thể hiện qua những hình ảnh đẹp Văn Lang trong mắt SV, như cảnh SV xếp hàng đi thang máy, học nhóm, những hoạt động SV đặc trưng…



Vòng chung kết cuộc thi hùng biện “Vai trò của SV và cựu SV trong việc phát huy phương châm
Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo trong 20 năm qua”, 07/12/2014, Cơ sở 2 Trường ĐH Văn Lang.

(Ảnh: SV Trần Cao Kỳ Duyên - Khoa Ngoại ngữ, giải ba chung cuộc, thực hiện phần thi hùng biện)

 

Thú vị là có những SV năm nhất vừa đến với Văn Lang và học được 2, 3 tháng, nhưng đã thể hiện một tình yêu lớn với Trường. 

SV Trần Nhật Khánh (khoa Công nghệ Sinh học) hùng biện: Em cảm nhận được mạch nguồn của tinh thần Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo xuyên suốt các thế hệ SV Văn Lang, và em là thế hệ tiếp nối. Cả 2 chị gái của em đều là SV Văn Lang, em được tham dự Lễ Tốt nghiệp của hai chị, và đã ấn tượng sâu sắc với khẩu hiệu thân thương“Trường Văn Lang mến yêu của tôi”. Vì vậy, em đã thi cả 2 khối vào Văn Lang…

 



SV Nguyễn Châu Tuấn (thứ 2, từ phải sang) và 
Hình Bảo Xuyên (giữa), trong Lễ Hội Khai giảng 
khóa 20, 9/2014. Cả 2 bạn đều hăng hái tham gia 
cuộc thi Hùng biện về vai trò của SV Văn Lang trong phát huy phương châm Đạo đức - Ý chí - Sáng tạo.
  SV Nguyễn Châu Tuấn (năm nhất, ngành CNTT) cũng chung ý tưởng: Em nghĩ nhiều thành tựu phải trải qua độ dài không gian, thời gian, thì con người mới cảm nhận được. Em nghĩ tinh thần Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo cũng vậy, đó là những giá trị được giáo dục đã thấm vào mỗi SV Văn Lang, và hỗ trợ họ trên đường đời… 

Với SV Trần Thị Huyền Trang (năm 4, khoa CN&QLMT), đó còn là giá trị tinh thần: “Em nhớ hình ảnh cán bộ công nhân viên, giảng viên, SV chúng em tự tay thắp nén hương tại bàn thờ Tổ đặt tại Cơ sở 1 vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm. Có lẽ là may mắn khi em được học tại cơ sở 1, được nhìn thấy bàn thờ Tổ mỗi ngày và được hòa mình vào làn khói hương linh thiêng. Tự tay mình thắp nén hương tưởng nhớ công ơn tổ tiên, em biết quý trọng những giá trị đang tồn tại xung quanh mình, đó không chỉ là giá trị vật chất, còn là giá trị tinh thần.”


Với nhiều SV và cựu SV, tinh thần của Văn Lang không chỉ có phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo hay khẩu hiệu “Trường Văn Lang mến yêu của tôi”, mà cụ thể hơn, là những trải nghiệm SV tốt đẹp, những giá trị của sự giáo dục đã làm cho họ tự tin hơn, trưởng thành hơn.



Nguyễn Phương Thy, năm 2 ngành PR, giải nhì

SV đạt điểm cao nhất ở vòng loại là Nguyễn Phương Thy (năm hai, ngành PR). Đến vòng chung kết, bạn đạt giải nhì. Bạn cho biết đã từng thất bại trong kỳ tuyển sinh, nhưng “Ở Văn Lang, tôi được dạy hãy sống và học tập như những người tự chủ, từ những điều nhỏ nhất đến những điều lớn lao nhất… Tôi xin kể câu chuyện về Kỹ sư sinh học Trương Thị Ngọc Vinh, tốt nghiệp tháng 7/2011. Chị mắc bệnh nhược cơ từ bé, không đủ chi phí phẫu thuật, gia đình khó khăn. Để chị tiếp tục học, nhà trường đã đồng ý gia hạn học phí cho chị. Chị vừa chống chọi với bệnh tật vừa học tập và theo đuổi ước mơ “có một công việc kiếm ra nhiều tiền để chữa bệnh và phụ giúp cha mẹ”. Học kỳ 8, điểm trung bình của chị là 9.5, xếp loại xuất sắc...

 ...Nhân đây, tôi xin phép chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác một năm trước khi lần đầu đặt chân trên những con đường dài và rộng ở Sài Gòn. Mọi thứ xa lạ và choáng ngợp. Tôi không nhớ rõ mình đã đi lạc bao nhiêu lần, lên nhầm bao nhiêu chuyến xe buýt. Cuộc sống xa nhà đã dạy tôi. Nhà trường, thầy cô và bạn bè đã giúp tôi dần lấy lại cân bằng và tự tin. Kết thúc học kỳ đầu, tôi về quê với học bổng 50% học phí. Có thể, nếu đem câu chuyện của tôi đặt cạnh những khó khăn, vất vả mà chị Vinh đã trải qua thì thật là khập khiễng. Như đối với tôi, đó là cả niềm tự hào, niềm vui, niềm sung sướng không thể nào quên được. Ngay cả việc có đủ can đảm đứng tại đây, nói trước mọi người, đã là một sự thay đổi rất lớn của bản thân tôi. Chính Văn Lang đã giúp tôi. Chúng ta đã đến Văn Lang này từ những vùng miền khác nhau, với những hoàn cảnh khác nhau, những ước mơ cũng khác, nhưng chúng ta được học chung một bài học rằng cuộc sống còn nhiều thử thách, nhưng mỗi thử thách đều đi kèm với một niềm vui nếu vượt qua được, nhà trường giúp chúng ta rèn luyện ý chí để đứng dậy sau những va vấp, thất bại; để học tập, phấn đấu, để trưởng thành...”





Úy Thị Thanh Hiền
năm 4 khoa Thương mại (giải nhất)

 

Cũng từ câu chuyện của chính mình, trải nghiệm của mình, Úy Thị Thanh Hiền – năm 4 khoa Thương mại (giải nhất), chia sẻ: “Đơn giản, đạo đức chính là hãy tử tế. Em biết ơn khoa Thương mại thường xuyên tổ chức những buổi từ thiện đến các mái ấm dành cho trẻ mồ côi. Em nhận ra mình hạnh phúc khi có ba má yêu thương. Có điều gì khác lắm đã thay đổi trong suy nghĩ, đạo đức cũng là cách em đối xử với ba má. Em cố gắng không cáu gắt, giận dỗi vì những đòi hỏi vô lý, suy nghĩ nhiều hơn về những đồng tiền ba má cho em chi tiêu. Đạo đức bắt nguồn từ những điều giản đơn nhất… Rồi bài học từ chiếc thang máy. Văn hóa xếp hàng không chỉ đơn giản là việc xếp hàng mà đằng sau đó là bài học cho mỗi SV biết giá trị của việc nhường nhịn, chờ đợi và tôn trọng người khác. Rồi giờ học đạo đức kinh doanh mà em được học trong học kỳ này. Ngày đầu tiên tên môn học xuất hiện trong thời khóa biểu, em kinh ngạc và thật sự có chút xem nhẹ. Vì em nghĩ rằng khi con người đã đủ nhận thức thì đạo đức là điều gì đó rất khó uốn nắn. Mỗi người có những quan niệm đạo đức khác nhau, hà cớ gì phải tốn thời gian học… Nhưng rồi, qua những tiết học, những tình huống thực tế được phân tích, những lựa chọn khác nhau cho cùng một sự việc, học đạo đức kinh doanh dạy em biết trỗi dậy phần tốt đẹp trong con người kinh doanh, với mỗi tình huống không phải chỉ có một hướng đi duy nhất, phải suy nghĩ để giải quyết mọi việc tốt đẹp, hợp tình, hợp lý…

Hùng biện về vai trò của SV và cựu SV trong việc phát huy phương châm Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo cũng chính là nói về các giá trị mà SV đã hấp thụ từ Văn Lang thông qua giáo dục, và sau đó phát huy trên đường đời. Có tình yêu với Trường, dần trưởng thành trong nhận thức và chín chắn trong cảm xúc, nhiều SV đã khơi dậy một số ý tưởng và cảm xúc về tinh thần Văn Lang. Dù số lượng SV tham gia còn ít, và nhiều SV, cựu SV đi thi vì “được vận động”, thì nhiều chia sẻ của SV và CSV trong khuôn khổ cuộc thi rất đáng trân trọng.



Nguyễn Thị Mến