căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Người thầy của khoa Kế toán Kiểm toán

Cuộc thi “ĐỒNG NGHIỆP QUANH TÔI”:  

 

Người thầy của khoa Kế toán Kiểm toán

 

 

(TT. Thông tinVăn Lang, 24/4/2015) – Cuộc thi “Đồng nghiệp quanh tôi” do Công đoàn trường tổ chức là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới chào mừng 20 năm thành lập và phát triển trường ĐH Văn Lang. Phát động từ tháng 12/2014, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của anh chị em công đoàn viên các tổ Công đoàn, nhiều bài viết đã gửi về cho Ban tổ chức. Dưới đây là một bài viết của công đoàn viên Khoa Kế toán Kiểm toán về người thầy của mình, Ban tổ chức mong muốn được chia sẻ cùng anh chị em công đoàn viên. 

 

Những ngày đầu năm 2015, ở trường đại học dân lập (ĐHDL) Văn Lang bỗng rộn ràng hơn, khi thật nhiều hoạt động được tổ chức để kỷ niệm và chào mừng trường tròn 20 tuổi. Trong không khí náo nhiệt và tràn đầy hoài niệm khi lần giở những tấm hình cũ, những trang kỷ yếu của 10 năm trước, chúng tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm và sống lại với những cảm xúc ngày xưa, trong đó hình ảnh, việc làmvà cả lối suy nghĩ của người Thầy đáng kính – TS. Nguyễn Cửu Hảo Thành - luôn in đậm trong ký ức chúng tôi. Sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của khoa KTKT ngày hôm nay đều mang dấu ấn của Cô, người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên khoa KTKT.

Năm 1995, cùng với sự ra đời của trường ĐHDLVăn Lang,nhiều khoa đào tạo cũng được hình thành, trong đó có khoa Tài chính – Kế toán (TCKT) do TS. Nguyễn Cửu Hảo Thành làm Trưởng khoa. Là một trong những sáng lập viên của nhà trường, cô là người có tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ, dám làm. Ngay từ những ngày đầu trường đi vào hoạt động, cô là một trưởng khoa quyết tâm xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu (GVCH), mặc dù có nhiều người cho rằng phải mời giảng viên thỉnh giảng (GVTG) có nhiều kinh nghiệm chứ mấy người trẻ làm sao giảng dạy cho chất lượng! Cô đã cất công tìm kiếm những sinh viên ưu tú mới tốt nghiệp từ các trường đại học và “chiêu mộ” họ bước vào môi trường giáo dục. Và 2 GVCH đầu tiên của khoa là Nguyễn Cửu Đỉnh và Nguyễn Khắc Linh được tuyển dụng từ trường đại học TCKT  Tp. HCM năm 1996, và tiếp theo đó lần lượt là 11 GVCH khác tiếp tục “đầu quân” năm 1998, năm 1999.

     
TS. Nguyễn Cửu Hảo Thành trong buổi báo cáo chuyên đề Quy trình Kiểm toán do công ty PWC trình bày.
 
TS. Nguyễn Cửu Hảo Thành cùng với khoa Tài chính Kế toán đón mừng năm mới 2003
 
TS. Nguyễn Cửu Hảo Thành  - Trưởng khoa Tài chính Kế toán (1995-2003)
 

Không chỉ tuyển dụng, cô còn đưa ra kế hoạch huấn luyện họ, sắp xếp thời gian làm việc cho họ để họ trở thành giảng viên thực thụ. Trong công tác hướng dẫn, cô luôn khuyến khích, tạo điều kiện và tìm kiếm những cơ hội mới cho GVCH học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tìm những GVTG kỳ cựu để giúp đỡ họ trong chuyên môn cho GVCH. Trong điều kiện nhà trường còn khó khăn về tài chính nên lương giảng viên rất thấp, thiếu thốn cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, cô luôn trăn trở, tìm cách giữ chân họ. Để bù đắp phần thiếu hụt đó, cô đã tạo ra nhiều hoạt động về chuyên môn cho GVCH và định hướng cho họ lấy việc phát triển bản thân làm mục tiêu phấn đấu. Song song đó, cô luôn chú trọng đề xuất với nhà trường đểcó những chính sách tốt nhất đảm bảo quyền lợi của anh chị em trong khoa, đặc biệt là đối với đội ngũ GVCH. Chính vì vậy, đến nay, những GVCH ngày ấy cho dù đã chuyển công tác hay còn ở lại, đều đã trở thành những giảng viên vững vàng trong chuyên môn, có tâm với nghề nghiệp. Và cô luôn tự hào với sự trưởng thành với họ. Một ấn tượng rất sâu đậm với chúng tôi là vào năm 2001, khi báo chí đưa tin thầy Cửu Đỉnh được nhận giải thưởng Sao Tháng giêng của Trung ương Đoàn TNCS HCM dành cho du học sinh với thành tích “Xuất sắc trong học tập và hoạt động phong trào sinh viên”, cô đã rất vui mừng và đem ngay bài báo “khoe” với cả khoa và thầy Hiệu trưởng Nguyễn Dũng. Cô sung sướng vì những hạt giống cô gieo nay đã lên mầm, ra hoa và kết những quả ngọt.

Trong quản lý đào tạo, cô luôn mong muốn xây dựng chương trình đào tạo thật tốt để tạo ra một đặc trưng riêng của khoa TCKT - Văn Lang so với các trường bạn. Cô thường tìm tòi và tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, trong đó chương trình đào tạo của trường đại học Monash (Úc) đã được cô cho dịch và vận dụng vào chương trình đào tạo của khoa từ khóa 5. Cô luôn suy nghĩvà đưa ra nhiều ý tưởng trong quản lý đào tạo, như đổi mới nội dung môn học,phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Một ý tưởng táo bạo nhất của cô với mong muốn thay đổi chất lượng đào tạo của ngành Tài chính Kế toán là từ năm 2001, cô mong muốn thiết lập phòng thực hành nghề nghiệp để sinh viên có thể thực hành và tiếp cận thực tế ngay tại trường. Tuy nhiên, ý tưởng đó lại không có người thực hiện.

   
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và TS. Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang thăm giảng viên, sinh viên trong giờ học môn Mô phỏng kế toán năm 2005.
 Sinh viên khóa 6 ngành Kế toán thực hành môn Mô phỏng Kế toán tại phòng học mô phỏng của trường.

Sau khi hoàn thành việc học tập ở Cộng hòa Séc và trở về công tác tại khoa, TS. Nguyễn Cửu Đỉnh, Phó Chủ nhiệm bộ môn Kế toán, được cô Hảo Thành giao cho nhiệm vụ triển khai ý tưởng đó, xây dựng phòng kế toán ảo cho sinh viên ngành kế toán. Nhận thấy đây là ý tưởng hay, thầy Đỉnh tiếp tục tìm người trao đổi và cộng tác biến nó thành hiện thực. Cuối năm 2002, trong một dịp gặp gỡ và trao đổi với thầy Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Dũng, về việc chuẩn bị cho học kỳ tốt nghiệp của khóa 5, nhắc đến việc sinh viên rất khó khăn tìm nơi thực tập để viết báo cáo thực tập, bên cạnh đó, việc mỗi giảng viên phải hướng dẫn vài chục sinh viên viết báo cáo thực tập, chi phí cho việc này khá cao nhưng chất lượng chuyên môn của các báo cáo lại thấp, thầy Đỉnh đã đề cập đến mong muốn thay đổi cách thức thực tập nghề nghiệp bằng hình thức học mô phỏng kế toán tại trường. Được sự ủng hộ hết mình của thầy Hiệu trưởng, thầy Đỉnh đã bắt tay vào viết đề án và lập kế hoạch chi tiết về nội dung thực hành cũng như các yêu cầu cụ thể về trang thiết bị. Từ quan điểm của thầy Hiệu trưởng xác định đây là chương trình đào tạo đặc biệt làm nên bản sắc riêng cho khoa nên chỉ có các GVCH của khoa thực hiện đề án này.

Trong suốt một năm thầy Đỉnh cùng các GVCH như thầy Quốc Thuần, cô Xuân Thủy, thầy Quốc Thịnh triển khai đề án, thầy Hiệu trưởng luôn theo sát, góp ý từng bản thiết kế phòng học, sắp xếp bàn ghế, bố trí máy tính theo cụm như thế nào, cũng như chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ kịp thời các đề xuất của khoa để mọi việc được tiến hành thuận lợi, suôn sẻ. Nhờ vậy, năm 2004, phòng “Mô phỏng Kế toán” ra đời, kịp đồng hành với sinh viên khóa 6 trải qua kỳ thử nghiệm đầu tiên, với bộ chứng từ thực tế của Công ty Đông A và với giảng viên hướng dẫn đầu tiên là Kế toán trưởng Hồ Sen. Chương trình học đặc biệt này qua nhiều lần thay đổi về nội dung và hình thức, đến nay được gọi là chương trình “Mô phỏng hoạt động kế toán doanh nghiệp” và trở thành điểm nhấn quan trọng nhất trong chương trình đào tạo của khoa KTKT. 

Không những tâm huyết, nghiêm túc trong công việc, cô Hảo Thành còn luôn đi đầu trong những hoạt động tập thể. Thời đó, Công đoàn trường chưa mạnh, các hoạt động tập thể không nhiều để anh chị em có thể sinh hoạt, vui chơi sau những giờ làm việc căng thẳng, cô lại là người nghĩ ra các hoạt động trong khoa để gắn kết mọi người với nhau như đi tham quan, tụ tập ca hát,... Mặc dù tuổi cao, nhưng cô vẫn hăng hái xung phong dự thi văn nghệ mỗi khi Công đoàn trường tổ chức. Với cô, muốn xây dựng một tổ chức đoàn kết, gắn bó thì mọi người phải luôn yêu đời và lạc quan trong cuộc sống.

 
Bức hình kỷ niệm của cô Hảo Thành và các cán bộ, giảng viên, nhân viên khoa Tài chính Kế toán, trong buổi Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các cử nhân kinh tế ngành tài chính tín dụng và Kế toán năm 2003.

Những tâm huyết, trăn trở của cô để xây dựng tập thể khoa vững mạnh còn nhiều, mặc dù sức khoẻ cô không được tốt lắm. Cô thường nói “tre già măng mọc”, nên mặc dù vẫn còn nhiều dự định ấp ủ, nhưng cô lại muốn nghỉ ngơi. Cô nói rằng phải tin tưởng vào lớp trẻ, nhất là những người trẻ có tâm huyết và chuyên môn vững vàng. Cô luôn lắng nghe và tôn trọng họ, khuyến khích họ chứng tỏ bản lĩnh và hỗ trợ những khi họ lúng túng trong xử lý công việc. Cô thường động viên họ rằng: “Ban đầu có thể các em còn chệch choạc, nhưng phải làm thì mới dần trưởng thành và cứng cáp. Điều quan trọng là các em phải chịu khó học hỏi, rèn luyện bản thân rồi mọi chuyện sẽ tốt thôi”. Cuối năm 2003, khi cô quyết định nghỉ hưu, anh chị em trong khoa đều cảm thấy tiếc nuối vì cô vẫn còn có thể lãnh đạo khoa và đóng góp cho nhà trường. Vì vậy, nhà trường mời cô ở lại làm cố vấn cho BCN khoa mới them hai năm nữa để BCN khoa mới thêm cứng cáp. Tuy vậy, cô ít khi nào vắng mặt trong các hoạt động chung của khoa và luôn dõi theo bước đi của chúng tôi. Gần đây nhất, cô đã làm chúng tôi cảm động đến rơi nước mắt khi bất ngờ gọi điện đến khoa và thốt lên: “Chúc mừng khoa KTKT nhé! Các em đoạt giải nhất hội thi nấu ăn phải không?” Thật khó có thể tìm được người lãnh đạo nào luôn dành những tình cảm sâu đậm đến thế hệ sau như vậy khi đã nghỉ công tác hơn mười năm!

Ngày hôm nay, chúng tôi, những người đến sớm nhất và còn ở lại, rất hãnh diện và vững tin tự bay trên đôi cánh của mình. Sự trưởng thành của chúng tôi được vun đắp bằng nỗ lực và quyết tâm của chính bản thân qua thời gian,nhưng không thể bỏ qua sự hướng dẫn, giúp đỡ của những người đi trước. Với chúng tôi, đó là một chặng đường đáng tự hào bởi chúng tôi đã đủ năng lực và sự tự tin để thay Cô tiếp tục nhiệm vụ trồng người của khoa KTKT. Chúng tôi vô cùng biết ơn công lao và sự tận tụy của Cô, và chúc Cô luôn mạnh khoẻ để chứng kiến sự phát triển hơn nữa của đứa con tinh thần mà cô đã khai sinh ra.

 

Cửu Đỉnh – Bích Vân

Tổ Công đoàn Khoa Kế toán Kiểm toán