căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

"Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn"

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn. Vì thế, hiệu quả đầu tư là một bài toán đặt ra đối với cả các chuyên gia kinh tế và các nhà làm chính sách.

Hiệu quả đầu tư đang giảm mạnh

    

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, Trong suốt giai đoạn 2000-2012, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm rất cao trong GDP, cao nhất là năm 2007, tỷ trọng này chiếm 46,52% trong GDP. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm mạnh, đến năm 2012, tỷ trọng này chỉ còn 33,5% trong GDP.

Phân tích tỷ trọng vốn đầu tư trong GDP theo 3 khu vực sở hữu từ năm 2009-2012, khu vực kinh tế nhà nước sụt giảm khoảng 11%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước sụt giảm 3,96%; khu vực kinh tế có vốn FDI sụt giảm 18,54%.

Việc sụt giảm tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP của khu vực kinh tế nhà nước là dễ hiểu do chủ trương cắt giảm đầu tư công trong thời gian qua. Tuy nhiên, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng, việc sụt giảm đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn FDI lại cần phải đặt câu hỏi.

Do các doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu vẫn dựa vào vốn đi vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nên việc sụt giảm tỷ trọng vốn đầu tư trong tổng GDP cũng đồng nghĩa với việc sụt giảm đóng góp của thành phần này vào trong tăng trưởng.

Chuyên gia này lưu ý rằng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước luôn có đóng góp vào tăng trưởng cao nhất.

Còn đối với có khu vực có vốn FDI, “phải chăng cũng bắt đầu bộc lộ những vấn đề về thu hút đầu tư, khi mà trong một thời gian dài từ năm 2001-2008, tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực này luôn rất cao, tuy nhiên từ năm 2009 đến nay lại chủ yếu là tăng trưởng âm. Cụ thể, năm 2009 là -8,58%; năm 2010 là -8,24%”, ông Trinh chỉ ra.

Xét về hiệu quả đầu tư (ICOR) và đóng góp của yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) theo giai đoạn 2000-2012; 2000-2006 và 2007-2012, thì hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn là khu vực đầu tư hiệu quả nhất, tiếp đến là khu vực kinh tế nhà nước và cuối cùng là khu vực kinh tế có vốn FDI.

Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng yếu đi, kèm theo hiệu quả đầu tư của khu vực này cũng không hề được cải thiện, kể cả lao động chất lượng cao và khoa học công nghệ cũng không tốt.

“Vậy, có cần thiết phải thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá?”, vị chuyên gia này nêu câu hỏi.

Một vấn đề nữa là, rõ ràng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn chưa phát huy được hiệu quả, kết cả đầu tàu khu vực kinh tế nhà nước, hay chiến lược thu hút công nghệ của khu vực kinh tế có vốn FDI cho nền kinh tế. Điều này được thể hiện qua yếu tố TFP. Trong giai đoạn 2000-2006, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 11,6%, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 4,5%; kinh tế ngoài nhà nước: 5,4% và kinh tế có vốn FDI chỉ đạt 1,7%.

Đến giai đoạn 2007-2012, yếu tố này chỉ đóng góp vào tăng trưởng 6,4%. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 2,2%, ngoài nhà nước: 3,0% và kinh tế có vốn FDI: 1,2%.

Sa lầy vào quản lý tổng cầu?

Khi nghiên cứu về tổng cung và tổng cầu, chuyên gia Bùi Trinh cho biết, khi phía cung yếu kém và hiệu quả đầu tư thấp, thì bất kỳ một sự gia tăng nào từ phía cầu chỉ làm tăng giá mà thôi!

Vì vậy, giai đoạn 2007-2012, tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước sụt giảm còn 6,2% và lạm phát trung bình tăng lên xấp xỉ 13%. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự sụt giảm này là do các chính sách của Việt Nam xoay chuyển từ tinh thần trọng cung sang quản lý tổng cầu; việc xoay chuyển này là do tiềm lực đã vươn ra hết, sau khi được “cởi trói” và những tiềm ẩn rủi ro do cấu trúc kinh tế lệch lạc từ trước và đầu tư không hiệu quả ngày càng có xu hướng gia tăng, cộng với việc hội nhập WTO, sự lệch lạc ngày càng bộc lộ nhiều hơn.

Chính những bất ổn bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2007 bị sa lầy vào chính sách quản lý tổng cầu, hết loay hoay kìm chế lạm phát lại kích thích tăng trưởng. Chuyên gia này khuyến cáo, khi sử dụng chính sách quản lý tổng cầu kiểu Keynes cần lưu ý, đó là chính sách mang tính ngắn hạn và nhất thời không thể sử dụng lâu dài và triền miên.

Nhìn lại thực tế Việt Nam, do việc sử dụng chính sách này triền miên từ năm 2007 đến nay khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào vòng xoáy lạm phát- suy trầm và vòng xoáy này ngày càng nhỏ khiến cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế đều yếu.

Chính vì vậy, trong dài hạn Việt Nam phải xem xét lại phương cách quản lý không nên chú trọng và sử dụng quá lâu chính sách này.

Trí An

Theo Trí Thức Trẻ