căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Mua “con” gì, Giáo sư ơi?

Trong mớ "đồ nghề" của một chuyên gia kinh tế, làm gì có cái nào giúp chọn cổ phiếu bách phát bách trúng!

    
   

Người viết là GS kinh tế Gregory Mankiw tại ĐH Harvard. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế thời Tổng thống George W. Bush và là tác giả cuốn giáo trình nổi tiếng "Các nguyên lý của kinh tế học" (Principles of Economics)

Mỗi lúc cổ phiếu lập đỉnh mới, tôi lại nhớ về mẹ mình. Năm nay bà đã ngoài tám lăm.

“Giáo sư này,” bà thường hỏi, “giờ mẹ mua cổ phiếu gì?”

Lần đầu mẹ hỏi câu đó là khi tôi học đại học kinh tế ở Princeton. Đến khi tôi làm nghiên cứu sinh (cũng kinh tế, nhưng ở Viện Công nghệ Massachusetts MIT), câu hỏi vẫn vậy. Và suốt ba thập niên tôi làm Giáo sư (vẫn kinh tế) ở ĐH Harvard, mẹ hỏi đi hỏi lại câu này.

Nghe xong câu trả lời, lúc nào bà cũng thở dài. Trong mớ "đồ nghề" của một chuyên gia kinh tế, làm gì có cái nào giúp chọn cổ phiếu bách phát bách trúng!

Dù vậy, các kinh tế gia đã hạ bút viết vô số các nghiên cứu về thị trường cổ phiếu. Nói tóm lại, sau đây là những gì chúng tôi biết:

Thị trường xử lý thông tin khá nhanh

Lý thuyết chủ đạo trên thị trường cổ phiếu (giả thuyết thị trường hiệu quả) giải thích vì sao chỉ có ngốc mới đi trả lời câu hỏi của mẹ tôi.

Nếu tôi biết công ty này có gì tốt, thông tin sẽ phản ánh vào giả cổ phiếu trước khi tôi kịp trở tay. Trừ khi bạn có tầm nhìn tuyệt diệu hoặc thông tin nội gián, bạn nên coi mọi cổ phiếu đều … đáng mua như nhau.

Lý thuyết này thu hút sự chú ý của công chúng vào năm 1973 khi cuốn “A Random Walk Down Wall Street” (tạm dịch, “Bước chân ngẫu nhiên trên Phố Wall”) của nhà kinh tế Burton G. Malkiel từ ĐH Princeton được xuất bản.

Ông này cho rằng cái gọi là “các chuyên gia quản lý tiền tệ” không xứng với số phí họ được hưởng và khuyên nhà đầu tư nên bỏ tiền vào các quỹ chỉ số chi phí thấp. Phần lớn các nhà kinh tế mà tôi biết đều làm theo lời khuyên này.

Giá biến động, thường chẳng hiểu vì sao

Theo lý thuyết thị trường hiệu quả, ngay cả khi không đoán được biến động giá cổ phiếu thì ít nhất sau đó chúng ta cũng phải giải thích được nguyên nhân.

Nói cách khác, ta phải xác định được “có tin gì” mà giá cổ phiếu tăng hay giảm. Đôi khi cũng tìm ra, nhưng thường là chẳng hiểu tại sao.

Năm 1981, GS kinh tế Robert Shiller từ ĐH Yale công bố nghiên cứu “Giá cổ phiếu biến động quá nhiều so với thay đổi sau đó của cổ tức?” (“Do Stock Prices Move Too Much to Be Justified by Subsequent Changes in Dividends?”).

Ý ông là mức độ biến động của cổ phiếu quá cao. Đặc biệt, nó dao động quá nhiều so với mức định giá hợp lý từ các yếu tố cơ bản.

Nghiên cứu của GS Shiller vấp phải vô số chỉ trích. Nhưng qua thời gian, kết luận của ông lại vượt qua được mọi sóng gió (dù phương pháp nghiên cứu của ông thì không). Dường như giá cổ phiếu “có một đời sống riêng”.

Nay những người theo chủ thuyết thị trường hợp lý cho rằng giá cổ phiếu biến động theo phần bù rủi ro (risk premium), dù bản thân họ cũng chẳng biết phần bù rủi ro bay nhảy là vì đâu.

Một số nhà nghiên cứu khác lại nghĩ thị trường phản ứng theo từng đợt sóng bi quan và lạc quan “phi lý”, hay như lời John Maynard Keynes: “tâm lý bầy đàn”.

Giải thích kiểu gì thì sự thật vẫn là: kinh tế gia chẳng hiểu Index lên xuống vì đâu.

Nắm cổ phiếu là khôn ngoan 

Giá cổ phiếu biến động nhiều, mà chẳng hiểu tại sao. Nhiều người có thể vì thế mà không muốn “ôm cổ”. Rất nhiều người Mỹ, kể cả những người có tài sản tài chính đáng kể, hoàn toàn tránh xa cổ phiếu.

Nhưng làm thế là một sai lầm, vì dù rủi ro những lợi nhuận thu về từ cổ phiếu rất lớn.

Năm 1985, hai nhà kinh tế Rajnish Mehra và Edward C. Prescott, nay đang công tác tại Arizona State University, công bố nghiên cứu “Phần bù cổ phiếu: Một câu đố” (“The Equity Premium: A Puzzle”).

Họ chỉ ra rằng trong dài hạn, cổ phiếu cho lợi suất cao hơn các tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ bình quân 6%/năm.

Với các mô hình kinh tế chuẩn, khó mà giải thích được thế là tại sao. Cổ phiếu nhiều rủi ro, nên không thể biết sẽ thu về lợi nhuận bao nhiêu, nhưng nó không đủ rủi ro để thu về số lợi nhuận “ăn chắc” lớn đến thế.

Kể từ khi nghiên cứu trên được xuất bản, các kinh tế gia vẫn chưa tiến được bao xa trong công cuộc giải thích cho cái hiện tượng kỳ lạ trên.

Dù sao đi chăng nữa, mức lợi nhuận thặng dư lớn đến thế là đủ để ta “ôm cổ”. Tôi cũng đang đầu tư 60% tài sản tài chính vào cổ phiếu.

Hiện nay có thể là giai đoạn rất tốt với cổ phiếu. Theo một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế tại FED New York, do lãi suất thấp nên “phần bù cổ phiếu” hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 50 năm qua.

Nhớ phải đa dạng hóa 

Lần nào có một công ty rơi vào cảnh sụp đổ kiểu như Enron hay Lehamn Brothers, báo chí cũng than thở thay cho những nhân viên khổn khổ đặt cả gia tài vào cổ phiếu công ty.

Giới kinh tế phát ngán với câu chuyện này. Nếu chúng tôi chỉ còn dám chắc một điều duy nhất, thì ấy là phải đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Vì thế, nếu có trên 5% tài sản đầu tư vào bất kỳ một cổ phiếu nào, hãy gọi cho môi giới mà bán bớt đi. Nếu không, lợi nhuận thu về không tương xứng với rủi ro đâu!

Nhà đầu tư thông minh có tư duy toàn cầu

Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi đa dạng hóa danh mục là “home bias” (tạm dịch, “thành kiến quê nhà”). Mọi người thường hay đầu tư quá nhiều tiền vào chính nước mình đang sống.

Nên nhìn rộng ra! Dù Mỹ chiếm gần nửa giá trị vốn hóa cổ phiếu toàn cầu, nhưng thị trường Châu Âu, Nhật Bản và các nước mới nổi không dao động giống hệt như thị trường Mỹ, vì thế, nên đầu tư một phần ra nước ngoài.

Trở lại câu hỏi cũ của mẹ tôi: mua con gì? Theo tôi nên mua chứng chỉ quỹ ETF Vanguard Total World Stock mô phỏng giá cổ phiếu trên toàn cầu, chi phí thấp và lại đa dạng hóa được tối đa.

Làm thế có thể không “sướng” như ngồi lần mò xem đâu sẽ là Google hay Apple tiếp theo, nhưng ít nhất đêm về cũng được yên giấc.

Quỳnh Oanh

Theo Trí Thức Trẻ/The Economist