căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Lễ Tốt nghiệp Cao học, Đại học tháng 7/2014: Cuộc sống luôn trân trọng người làm việc hết mình

Cuộc sống luôn trân trọng người làm việc hết mình

 

(TT. Thông tin – Văn Lang, 24/7/2014) – Trong 2 ngày 19, 20/7/2014, trường ĐHDL Văn Lang tổ chức Lễ Tốt nghiệp cho 7 thạc sĩ khóa Một ngành Kỹ thuật Môi trường và 2035 cử nhân, kỹ sư và kiến trúc sư các ngành đào tạo. Trong Lễ Tốt nghiệp, TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng – đã chia sẻ niềm vui mừng, tự hào với các tân khoa, quý phụ huynh, quý thầy cô và gửi gắm theo các tân khoa những lời dặn dò chân tình, sâu sắc. TT. Thông tin xin đăng toàn bộ nội dung 4 bài phát biểu của TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng trong Lễ Tốt nghiệp tại trường ĐH Văn Lang vừa qua.

 

   aaa  

 

Lễ Tốt nghiệp tháng Bảy là một hoạt động lớn hằng năm, được toàn trường Văn Lang tập trung công sức chuẩn bị. Lễ Tốt nghiệp năm nay, chúng ta vui mừng có 7 thạc sĩ khoá Một ngành Kỹ thuật Môi trường tốt nghiệp cùng 2035 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư các ngành đào tạo của trường.


Lễ Tốt nghiệp được cử hành trong 4 buổi. Sáng ngày 19/7/2014, Nhà trường trao bằng Tốt nghiệp cho Thạc sĩ, Kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, và Kỹ sư ngành Công nghệ Sinh học, Cử nhân ngành Thương mại, Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh. Chiều ngày 19/7/2014, trao bằng cho Cử nhân ngành Quan hệ Công chúng, Cử nhân ngành Ngoại ngữ và Cử nhân ngành Kế toán. Sáng ngày 20/7/2014 là Lễ Tốt nghiệp của các Cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng và Cử nhân ngành Mỹ thuật Công nghiệp. Buổi cuối cùng, chiều ngày 20/7/2014 là Lễ dành cho Cử nhân ngành Tin học, Cử nhân ngành Du lịch, Kiến trúc sư ngành Kiến trúc và Kỹ sư ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp.

 

 

Thay mặt Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ - Giảng viên - nhân viên trường ĐHDL Văn Lang và nhân danh cá nhân, tôi chúc mừng các em, các Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Kiến trúc sư đang được vinh danh trong hội trường Lễ Tốt nghiệp hôm nay. 

Tôi xin thay mặt trường ĐHDL Văn Lang gửi lời cảm ơn trân trọng và chân thành đến quý vị phụ huynh, đã nhận lời mời của nhà trường đến đây để cùng chúng tôi chúc mừng các Tân khoa, và cả những quý vị không có điều kiện về dự Lễ Tốt nghiệp này.

Trong suốt 4 – 5 năm qua, quý phụ huynh đã cùng với nhà trường chăm lo chu toàn cho con em, với mong muốn con em học được điều hay lẽ phải, có nền tảng nghề nghiệp vững vàng, nên người hữu ích cho gia đình, cho xã hội. Sự trưởng thành của con em chúng ta là một quá trình, ngày hôm nay là một cột mốc. Trường Văn Lang xin chia sẻ với quý vị niềm tự hào chính đáng về một thế hệ trẻ đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình và nhà trường, đã được đào tạo nghề nghiệp, có phẩm chất năng động, chuyên nghiệp, sẵn sàng bắt đầu con đường lao động và cống hiến của mình.

 Trường ĐHDL Văn Lang, Sinh viên trường ĐHDL Văn Lang: một thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân 

Sau Lễ Tốt nghiệp, các em sẽ rời trường. Trong nhiều thứ các em mang theo và gắn bó, có tấm bằng Đại học được cấp từ trường ĐHDL Văn Lang. Tôi muốn nói với các em về ngôi trường đó - trường ĐHDL Văn Lang.

Cách đây 4 – 5 năm, khi các em bước chân vào trường, có thể các em chưa hiểu lắm về ngôi trường này. Cho đến hôm nay, sau 4 năm học tập và rèn luyện, tôi nghĩ ít nhiều các em đã hiểu. Tôi và tập thể cán bộ - Giảng viên - nhân viên của trường tự hào vì các em cùng chia sẻ với chúng tôi tình cảm yêu mến, gắn bó với trường Văn Lang. Tình cảm các em dành cho trường không phải vì nó to lớn, sang trọng rộng rãi, mà vì các em hiểu rằng dù cơ ngơi còn chật hẹp nhưng mỗi góc nhỏ nhất trong trường cũng đều dành cho việc đào tạo con người, mỗi hoạt động dù ở cấp nào cũng vì mục tiêu đào tạo con người. Đội ngũ Sinh viên là tài sản quý giá nhất của trường Văn Lang. Các em chính là sức sống của ngôi trường này. Những năm tháng qua, trước bao nhiêu trở ngại, những người làm việc tại trường đã nhìn vào đội ngũ Sinh viên, đã coi đó là động lực mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, kiên định trong con đường phát triển của trường.

 

TS. Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐHDL Văn Lang đọc diễn văn chúc mừng các thạc sĩ, tân cử nhân, tân kiến trúc sư, tân kỹ sư trong Lễ Tốt nghiệp 19, 20/7/2014.

 

Hệ thống trường ĐH – CĐ ngoài công lập Việt Nam đã phát triển 20 năm. Trường ĐHDL Văn Lang là một trong những trường ĐH đầu tiên ở khu vực phía nam thành lập theo chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước. Tháng 3/2014 vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển của các trường ngoài công lập, trường Văn Lang là một trong số ít trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Bằng khen. Tôi nhắc điều này hôm nay không phải chỉ vì niềm tự hào. Tôi nhắc để các em hiểu: trường ĐHDL Văn Lang, Sinh viên trường ĐHDL Văn Lang là một phần của hệ thống giáo dục quốc dân. Tâm huyết của các nhà đầu tư, những chính sách ưu đãi của Nhà nước và cả những đầu tư của xã hội cho trường đã hình thành nên trường ĐHDL Văn Lang như hôm nay, đã kết tinh trong 19 thế hệ Sinh viên đã và đang được đào tạo, hơn ba mươi ngàn cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư đã tốt nghiệp từ ngôi trường này. Đầu tư của xã hội, ưu đãi của Nhà nước đã đi đúng hướng, đã không bị rơi rụng dọc đường, đã mang lại cho xã hội một đội ngũ trí thức trẻ. Đó là điều không phải ai cũng hiểu được hết.

Mười chín năm là một quãng đường dài. Hôm nay trường Văn Lang tự hào có đất đai, nhà cửa, có khu trường mới rộng 5,2 ha sắp được xây dựng ở phường 5, Gò Vấp, nhưng điều tự hào lớn hơn tất cả, chính là trường Văn Lang đã có một đội ngũ cựu Sinh viên góp phần nối dài truyền thống của trường, mang trường Văn Lang đi xa hơn cả những mơ ước ban đầu của những người sáng lập.

 

Lễ Tốt nghiệp là một sự kiện trọng đại hàng năm của trường ĐH Văn Lang. Từng không gian diễn ra Lễ được Nhà trường tổ chức trang trọng, chu đáo.


Các em có niềm tự hào về quá trình học tập, phấn đấu của mình trên giảng đường Văn Lang, các em cũng có thể tự hào vì trường Văn Lang là một thành tố tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân, đang nỗ lực phát triển đúng con đường mà Đảng và Nhà nước vạch ra. Ngày hôm nay, chúng ta đang được Nhà nước ghi nhận như một thành công của chủ trương xã hội hoá giáo dục, mà thành quả thực sự có ý nghĩa nhất chính là con người – chính là đội ngũ cựu Sinh viên mà tôi vừa nhắc tới, và từ hôm nay các em sẽ chính thức tham gia.

Trong Lễ Tốt nghiệp này, chúng ta có 7 thạc sĩ khoá đầu tiên. Chúng tôi còn nhớ những học viên cao học khoá đầu tiên của Trường đã bắt đầu buổi học đầu tiên vào chiều thứ Sáu ngày 8/6/2012, với 30 bạn đang là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và nhân viên của các cơ quan ban ngành. Sau 2 năm, 30 bạn đã hoàn tất chương trình, 25 bạn đã bảo vệ đề cương luận văn, 15 bạn đã hiệu chỉnh đề cương theo góp ý của Hội đồng, 7 bạn đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình vừa làm vừa học, trong điều kiện hạn chế không gian, thời gian để thực hiện các nghiên cứu và đã hoàn thành được luận văn đúng thời hạn, có chất lượng, trong đó có 1 luận văn đạt loại xuất sắc. Khoá Cao học thứ nhất đã đánh dấu bước đi của nhà trường trên hành trình tạo những điều kiện cho việc học tập suốt đời. Khi các em cần hỗ trợ về nghề nghiệp, về chuyên môn, các em hãy nhớ thầy cô của mình vẫn sẵn lòng giúp đỡ.

Các thạc sĩ đầu tiên của trường ĐH Văn Lang trong Lễ Tốt nghiệp 19/7/2014.

Làm việc trong một thế giới không ngừng thay đổi

Thời khắc này đánh dấu một thay đổi lớn. Các em sẽ nhận học vị Cử nhân. Đó vừa là một niềm tự hào, cũng vừa là một trách nhiệm xã hội mà các em sẽ mang theo rất lâu dài trong cuộc đời mình. Xã hội trân trọng những trí thức trẻ được đào tạo, nhưng xã hội cũng đòi hỏi những trí thức trẻ phải sống có trách nhiệm với bản thân, chủ động hợp tác với mọi người trong công việc và thực sự đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của cộng đồng.

Từ nhiều thế hệ cựu Sinh viên, có thể thấy những người tốt nghiệp trường Văn Lang khá năng động, thích ứng nhanh với công việc, và nhạy bén nắm bắt tốt các cơ hội nghề nghiệp. Điều đó đặc biệt đúng với 3 ngành đang có mặt trong hội trường này. Văn Lang đã có những cựu Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Quan hệ Công chúng, ngành Kế toán thành đạt, được thị trường lao động chấp nhận. Điều đó một phần là kết quả của những cố gắng cập nhật chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế, là môi trường học tập thân thiện và tạo điều kiện cho phát triển năng lực cá nhân, nhưng một phần quan trọng khác là ở nỗ lực, tài năng, và lòng say mê nghề nghiệp của chính các em. Với tư cách một người thầy, tôi tiếc có nhiều điều trường Văn Lang chưa kịp làm cho các em. Nhưng với tư cách người quản lý các em một thời gian dài, tôi tin rằng, chính các em sẽ tự làm giàu thêm cho mình trong quá trình làm việc. Các em hãy giữ mãi tinh thần đại học, với tư duy mở, sẵn sàng chấp nhận những điều khác biệt, và học hỏi không ngừng, tiến bộ vững chắc.

Trong suốt 4 năm qua, chúng ta đã nói với nhau về một thế giới thay đổi, một thế giới sẽ không bao giờ còn ổn định từng quãng thời gian dài như trước đây nữa. Các em hãy chuẩn bị để đối mặt với những thay đổi ấy. Các Cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh hay Quan hệ Công chúng có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có thể khác lĩnh vực mình được đào tạo. Một nghề nghiệp có tính truyền thống như Kế toán cũng đang đứng trước những thay đổi lớn lao khi công nghệ được ứng dụng vào quản lý. Những kiến thức và kỹ năng các em tích luỹ được trong 4 năm qua cho các em tấm bằng tốt nghiệp đại học. Nhưng đó không phải là điều bất biến. Chúng ta đã tích luỹ được những giá trị vững chắc để sẵn sàng chấp nhận thay đổi và tiến lên, bởi chúng ta biết tiếp nhận nhuần nhuyễn cái mới trên cơ sở những nền tảng mà giáo dục đại học đã trang bị cho mình.

 

   

Ngoài các chỗ ngồi được bố trí trên lầu của Hội trường C001, phụ huynh các tân khoa có thể theo dõi phần Lễ chung của buổi Lễ Tốt nghiệp thông qua truyền hình trực tiếp tại sảnh C cũng như tại các phòng đón tiếp của mỗi khoa. 


Ảnh: TS. Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng và TS. Phạm Đình Phương - Trưởng khoa Thương mại 
thực hiện nghi thức tốt nghiệp  cho các Tân cử nhân ngành Thương mại, 19/7/2014.


Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi từng bước một, nhưng việc làm thực sự vẫn còn rất khó khăn. Tháng 7 năm ngoái, 2200 em đã tốt nghiệp. Theo kết quả khảo sát khóa 14, sau 1 năm, có 93% cử nhân Quan hệ Công chúng có việc làm, tỉ lệ của ngành Ngôn ngữ Anh là 92%, và bằng với tỉ lệ cử nhân có việc làm của ngành Kế toán. Lễ Tốt nghiệp của trường chúng ta tổ chức vào tháng Bảy. So với các trường bạn, các em được nhận bằng sớm hơn. Điều đó có nghĩa chúng ta có thời gian thuận lợi hơn để bước vào thị trường lao động, để tiếp cận với công việc, với nghề nghiệp. Các em hãy sử dụng những điều thuận lợi mà gia đình, nhà trường đã dành cho mình. Hôm nay, trong số các em đã có người có việc làm. Gia đình và nhà trường chia sẻ niềm vui ấy, tự hào về những nỗ lực ấy, cũng như mong muốn sẽ mãi mãi được đi cùng các em trong mỗi một cố gắng, mỗi một thành công, mỗi một bài học các em thu nhận được trên con đường nghề nghiệp của mình.

Những bài học từ đời sống học đường 

Có mặt trong hội trường hôm nay, sáng 20/7/2014, là những con người thuộc hai ngành nghề khác biệt: các nhà tài chính tương lai và các nghệ sĩ mỹ thuật công nghiệp tương lai. Khác biệt, nhưng các em đã cùng chung mái trường Văn Lang trong 4 năm qua, cùng học tập sinh hoạt chung ở Cơ sở 2 này, vì vậy, hôm nay tôi sẽ nhắc các em những bài học chung mà chúng ta đã cùng học được. Hôm nay là một ngày vui, chúng ta cùng chia sẻ tâm sự với nhau, như những người trong một gia đình, vì thế hôm nay là thời điểm thích hợp nhất để nhắc đến những bài học này.

Các cử nhân Mỹ thuật chuyên ngành Đồ họa hôm nay tốt nghiệp, đã tổ chức triển lãm đồ án tốt nghiệp của họ cách đây một tháng, tại các hoạ thất trên lầu 7 của Cơ sở 2 này.

Mỗi em có một gian, đủ để trưng bày từ những bản vẽ thiết kế đến sản phẩm do tự tay mình thi công, từ vật phẩm thuộc hệ thống nhận diện đầy sáng tạo và được chế tác công phu đến những họa tiết trang trí cho gian hàng. Cả một không gian rất hấp dẫn, thu hút đông đảo người tham quan.

Hết ngày đầu tiên của triển lãm, xảy ra một hiện tượng đáng buồn: các gian triển lãm mất nhiều hiện vật. Là công sức của các em bị mất, nhưng đáng buồn hơn là hình ảnh triển lãm, chất lượng đồ án của các em không còn được trọn vẹn trong mắt người xem trong những ngày sau đó.

Trước hiện tượng bất thường, tôi bàn với các Thầy trong Ban Chủ nhiệm Khoa, và cùng thống nhất: chúng ta phải nhìn vào sự thật không vui đó và phải cùng với các Sinh viên tìm giải pháp cho vấn đề này. Những gì mất thì đã mất rồi, nhưng chẳng lẽ chúng ta chấp nhận hiện tượng xấu tồn tại như một điều tất yếu? Khoa đã tổ chức họp bàn với thủ lĩnh Sinh viên toàn khoa Mỹ thuật Công nghiệp và với cả Sinh viên các Khoa khác, với niềm tin chắc chắn rằng tuyệt đại đa số các em không phải là '"thủ phạm", rằng các em ý thức được mình phải thuộc về cộng đồng có văn hoá trong xã hội. Nhiều ý kiến của các bạn được ghi nhận và phản ảnh trên mạng của trường, trên Diễn đàn Sinh viên Văn Lang. Để khắc phục hiện tượng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có cả giải pháp cực đoan: đề nghị trường từ bây giờ không tổ chức triển lãm nữa! 

Nhưng tôi suy nghĩ nhiều về điều cuối cùng mà các em đề xuất, là dù thế nào đi nữa, số đông các em cũng không muốn đóng cửa triển lãm, bởi đó là một hình thức học tập mà các em say mê, là một phần đời sống học đường Văn Lang, tuy còn mới mẻ nhưng đã đang trở thành truyền thống. Tôi nhắc câu chuyện này, để nói với các em về những bài học có thể không được dạy trên giảng đường, những bài học mà các em đã học từ thực tế đời sống. Đừng quên câu chuyện triển lãm của tất cả thầy trò chúng ta, và từ câu chuyện ấy, các em hãy giữ ý thức xây dựng văn hoá nghề nghiệp, văn hoá ứng xử. Những bài học ấy ở trường Văn Lang, tôi mong các em sẽ mang theo suốt cuộc đời. Hôm nay, tôi nói để các em yên tâm rằng: những năm sau, Triển lãm vẫn sẽ được mở, để các lớp Sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp của Văn Lang có điều kiện thể hiện năng lực của mình trước Hội đồng Giám khảo, để tạo động lực cho các em Sinh viên năm dưới, để ra mắt các nhà tuyển dụng, và chí ít thì cũng để chứng tỏ trường Văn Lang không thể để cái xấu ngang nhiên làm vấy bẩn môi trường giáo dục, phá hỏng đi truyền thống mà tất cả chúng ta, thầy và trò đều đang lao động lương thiện để xây đắp.

 

      

Tân khoa Trịnh Hoàng Ngân và ba mẹ trong ngày vui Lễ Tốt nghiệp, 20/7/2014. Niềm tin của Ngân và gia đình cùng bao quý vị phụ huynh và con em về ngôi trường Văn Lang 19 năm qua giúp chúng tôi tin tưởng hơn vào định hướng đảm bảo chất lượng mà Văn Lang đang từng ngày vun đắp và hoàn thiện.

 

Các em sẽ nghe Tiêu Tố Ngọc – thủ khoa ngành Tài chính Ngân hàng, phát biểu. Tố Ngọc đã có việc làm. Tôi muốn nói đến hai cử nhân Tài chính Ngân hàng khác, cũng đã có việc làm. Bạn Trần Thị Ngọc Tươi, khi học phổ thông có học lực khá, vào đại học năm thứ nhất vẫn xếp loại khá. Từ năm thứ hai, dù bố bạn ốm nặng rồi mất, dù gia đình neo đơn khó khăn, bạn vừa làm thêm vừa đi học nhưng năm 2, năm 3, năm 4, Tươi đều đạt loại Giỏi. Tôi không nói “từ năm 2 đến năm 4” mà nói từng năm vì mỗi năm là mỗi cố gắng, mỗi thành công là muôn vàn nhọc nhằn. Hôm nay, Ngọc Tươi tốt nghiệp loại Giỏi: 8.04, và điều quan trọng là tháng 2/2014, dù chưa thi tốt nghiệp nhưng Tươi đã vượt qua các vòng phỏng vấn của Sacombank để trở thành nhân viên tập sự, và hiện đang làm nhân viên tín dụng tại Ngân hàng ACB. Bạn thứ hai là Trịnh Hoàng Ngân. Điểm thi đại học của Ngân là 20.5. Năm thứ nhất, Hoàng Ngân theo học tại 2 trường: ĐH Ngân hàng và ĐH Văn Lang. Sau học kỳ 1, Ngân xếp loại khá. Ngân thuyết phục bố mẹ cho em được nghỉ học tại ĐH Ngân hàng và tập trung theo học tại Văn Lang. Các năm sau Ngân đều đạt loại Giỏi, và hôm nay Hoàng Ngân cũng tốt nghiệp loại Giỏi: 8,65. Tháng 2/2014, chưa tốt nghiệp, nhưng Hoàng Ngân đã vượt qua nhiều ứng viên của các trường bạn để được nhận vào làm việc tại AIM – một công ty của Mỹ. Trong Lễ Tốt nghiệp này, tôi chỉ nhắc đến vài trường hợp điển hình như thế, chỉ vì chúng ta không có đủ thời gian.

 
Tuyệt đại đa số các em đã có những thay đổi rõ rệt trong quá trình học tập của mình, và các em đã chứng minh những bước tiến trong quá trình học tập đã trở thành nền tảng cho những thành công bước đầu trên con đường nghề nghiệp. Tôi tin là các em rồi sẽ còn tiến xa hơn, sẽ còn giỏi hơn nữa. Trường Văn Lang đã tạo những điều kiện ban đầu để các em bộc lộ hết khả năng, nhưng quan trọng hơn là các em đã dũng cảm chọn lựa, dũng cảm vượt qua khó khăn và bước tới. Từ câu chuyện học hành, tôi mong muốn các em xây dựng được một niềm tin, rằng nếu mình cố gắng thực sự, nỗ lực thực sự, những bàn tay ưu ái sẽ nắm lấy tay mình. Cuộc sống luôn trân trọng những người làm việc hết mình.


Giữ gìn niềm say mê nghề nghiệp 

Giống như những khoảnh khắc quan trọng khác trong đời người, phút giây này thật ngắn ngủi, thậm chí quá ngắn ngủi so với quãng thời gian bốn năm với ngành Kỹ thuật Phần mềm, ngành Du lịch; bốn năm rưỡi, năm năm đối với ngành Xây dựng và Kiến trúc… Trong số các em hôm nay, có cả những người tốt nghiệp muộn hơn bạn bè mình. Sự muộn màng khiến các em trở thành những nhân vật đặc biệt. Tôi nhắc đến điều này với tình cảm đặc biệt, cảm thông và trân trọng đối với những gì các em đạt được bằng sức lao động kiên trì và có phần gian nan cho sự học. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người có một cách đi riêng để đến đích trên con đường chung. Bao nhiêu hoa và những lời chúc mừng rực rỡ nhất sẽ chỉ phần nào xứng đáng với những cố gắng – trước hết là của em, sau nữa là của gia đình, của trường Văn Lang, phần còn lại của những nỗ lực đó có thể không bao giờ kể hết. Tôi hy vọng tất cả chúng ta: các cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các cán bộ, Giảng viên, nhân viên và các em Sinh viên tình nguyện, chúng ta cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc này, cùng nhau chia sẻ niềm tự hào của những thành viên Văn Lang đã cùng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Tôi xin kể lại cùng các em câu chuyện của kỹ sư Lê Trọng Hiếu, thủ khoa khoá 15 ngành Xây dựng, vừa tốt nghiệp tháng 3/2014 vừa qua. Hiếu từ quê lên thành phố học, với nhiều mục tiêu lớn lao cho tương lai, và còn với một ước mơ rất riêng: sẽ tự tay xây cho ba mẹ mình một căn nhà ở quê - Trà Vinh. Trước Lễ Tốt nghiệp một tuần, Hiếu bị ốm và phải nhường vinh dự phát biểu trong Lễ Tốt nghiệp cho bạn khác. Từ Trà Vinh, Hiếu gửi về trường, không phải tập bản vẽ kết cấu thép của toà cao ốc - đồ án tốt nghiệp của em, mà là những bản vẽ ngôi nhà mà em đã vẽ qua từng thời kỳ, từ khi còn là một ước mơ cho đến khi em đã hiểu nghề. Ở bức ảnh cuối cùng là Hiếu, đứng trước ngôi nhà mà em đã xây xong cho ba mẹ mình, một ngôi nhà nhỏ thôi, nhưng cả ngôi nhà và Hiếu đều rạng rỡ. Lễ Tốt nghiệp tháng 3/2014, cả gia đình Hiếu 7 người, có cả bà nội rất già, đã từ Trà Vinh đến trường Văn Lang dự Lễ. Không gì nói hết niềm vui của đại gia đình ấy, cũng như không gì nói hết niềm vui của trường Văn Lang, khi được cùng với các em chạm tay vào mơ ước của gia đình, của các em, dù sớm hay muộn.

Trong Lễ Tốt nghiệp tháng Bảy này, tôi vui mừng được biết có 266 chứng chỉ được trường ĐH Carnegie Mellon (CMU), Mỹ, cấp cho các Cử nhân Kỹ thuật Phần mềm. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để các em tham gia vào thị trường lao động, trở thành nguồn nhân lực khá đặc biệt và được chờ đón. Trong một thế giới toàn cầu hoá, bản thân danh tiếng của CMU đã là một bảo chứng quan trọng. Phần còn lại chính là những nỗ lực của các em trong việc chứng tỏ khả năng và quá trình được đào tạo của mình. Kết quả khảo sát những Cử nhân tốt nghiệp năm 2013 cho thấy, sau 1 năm tốt nghiệp, 92% cử nhân Kỹ thuật Phần mềm Văn Lang đã có việc làm. Tôi tin tưởng và hy vọng phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn mà các thế hệ cựu Sinh viên đã xây dựng sẽ tiếp tục là một điều kiện thuận lợi nữa cho tất cả các em.

 

Ngoài bảng điểm thắt nơ đỏ, bằng tốt nghiệp, các tân khoa ngành Kỹ thuật Phần mềm trong Lễ Tốt nghiệp còn được nhận chứng chỉ môn học do ĐH Carnegie Mellon cấp.

Ảnh trái: Th.S Bùi Quốc Nam - Phó Giám đốc Dự án CMU (ngoài cùng bên trái), và GV Dự án CMU Lê Sĩ Phú (ngoài cùng bên phải) trao chứng chỉ CMU cho các tân cử nhân ngành Kỹ thuật Phần mềm khóa 16 tại phòng gặp gỡ của Khoa (ảnh phải), 20/7/2014.


Xin chúc mừng các cử nhân ngành Du lịch, đặc biệt 8 Cử nhân Du lịch chương trình Hai văn bằng. Ngay trong thời gian làm thủ tục công nhận văn bằng, các em hãy tìm cho mình những cơ hội để tiếp tục phát triển. Tôi giao nhiệm vụ cho các cán bộ,Giảng viên khoa Du lịch sẽ hết lòng giúp đỡ các em đạt được kết quả tốt, tạo một dấu ấn chắc chắn cho sự phát triển của những khoá sau.

Văn Lang và các em trong tương lai 

Các Kiến trúc sư khoá 15 thân mến, chắc các em còn nhớ cuộc thi thiết kế kiến trúc một ngôi trường mẫu giáo tại phường 5, quận Gò Vấp, diễn ra năm 2012? Ngôi trường mẫu giáo ấy là một dự án của Quận Gò Vấp, dự định xây gần với khu trường mới của chúng ta. Giải Nhất, Nhì và Ba đều thuộc về Khoá 15. 11 kiến trúc sư đạt các giải thưởng đó, hôm nay đang ngồi trong hội trường Lễ Tốt nghiệp. Trong nhóm 4 Sinh viên đạt giải Khuyến khích của cuộc thi, có 1 người là Thủ khoa tốt nghiệp năm 2014 này: bạn Nguyễn Anh Khoa, K15A2.

Ngôi trường mẫu giáo ở Quận Gò Vấp - tôi chắc các em sẽ không quên bài thi ấy, bài thi như một nhịp cầu nối những hoạ thất kiến trúc ở cơ sở 1 trường Văn Lang với dự án xây trường Văn Lang trên đất mới Gò Vấp. Mai này khu trường mới của chúng ta sẽ được xây dựng ở đó, và có thể cơ sở 1 của chúng ta – chiếc nôi học hành rèn luyện của các em, sẽ được chuyển lên khu trường mới. Tôi chắc các em sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm đã gắn liền với cơ sở 1 cũ kỹ thân thương, nhưng các em cũng xứng đáng để tự hào là những người đầu tiên bước chân lên đất mới của Văn Lang, bằng niềm say mê nghề nghiệp, bằng chính quá trình học tập của mình đã cùng tham gia kiến tạo một mối quan hệ lâu bền, nền móng cho khu trường mới.

Mai này các em trở về, sẽ có một ngôi trường ĐH Văn Lang được xây dựng ở phường 5, quận Gò Vấp. Trên sân trường ngoài kia, có những hình ảnh về các em trong Lễ Khai giảng cách đây 4 - 5 năm về trước, và năm nay, có thêm hình ảnh khu trường mới. Trong Lễ Tốt nghiệp hôm nay, các em hãy mang theo mình hình ảnh của ngôi trường Văn Lang tương lai. Khu trường mới rộng rãi, sẽ đẹp, sẽ hiện đại khang trang, trở thành nơi học tập của những thế hệ mới. Tất cả chúng ta đều biết, đều nhớ, rằng cơ ngơi mới mẻ to lớn ấy bắt nguồn từ ý chí, từ công sức làm việc, từ quá trình phấn đấu, từ những gì đã được tích luỹ trong 19 năm qua của toàn trường chúng ta. Đó chính là hiện thực hoá một phần niềm tin tưởng tự hào mang tên Văn Lang. Tôi gửi theo các em hình ảnh ấy, để khi trở lại trường sau 10 năm, 20 năm nữa, những người của hôm nay sẽ không còn đủ mặt, nhưng tinh thần Văn Lang, nền tảng Văn Lang sẽ còn mãi mãi.

 

 

 4, 5 năm gắn bó với Văn Lang, từng góc nhỏ của ngôi trường này, với mỗi Sinh viên đã trở nên thân thuộc. Nhưng với Dự án Gò Vấp, các bạn mới chỉ nghe tên, mới chỉ được thấy qua những thước phim, tấm ảnh. Về ngôi trường tương lai, mọi thứ bây giờ vẫn còn trong tâm tưởng, có thể gần gũi hơn phần nào trong từng mô hình bản vẽ mà trường đang từng ngày hiện thực hóa. 10 hay 20 năm nữa, khi nhắc đến Văn Lang, khi trở lại trường xưa, các bạn chắc chắn sẽ có thêm những góc mới để yêu thương và tự hào...

Các em thân mến, trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức khó khăn, niềm tin của xã hội đối với trường Văn Lang vẫn còn chưa được bền vững như chúng ta mong muốn. Niềm tin ấy được xây dựng bằng chính lao động của chúng ta, cố gắng của chúng ta. Những người làm việc tại trường - tập thể cán bộ - Giảng viên - nhân viên của nhà trường, thì có trách nhiệm gìn giữ, xây dựng trường Văn Lang. Và các em, các em cũng sẽ gìn giữ nó, xây dựng cho nó ngày một vững chắc hơn bằng chính thái độ lao động nghề nghiệp của mình. Các em hãy cùng với chúng tôi tiếp tục xây dựng ngôi trường của chúng ta, cũng là để giữ gìn tấm bằng tốt nghiệp hôm nay trong một niềm tự hào chính đáng, trong sạch.

Đã đến lúc trường Văn Lang chia tay với các em. Hãy sống trung thực và có trách nhiệm. Nhà trường và gia đình mong muốn các em sẽ thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc các em lên đường thuận buồm xuôi gió. Các em mãi mãi là cựu Sinh viên Văn Lang, và tôi mong các em mãi mãi là niềm tự hào của gia đình, niềm tự hào của ngôi trường Văn Lang mến yêu của mỗi người chúng ta.

Xin cảm ơn bộ phận tổ chức và các em Sinh viên tình nguyện đã hết lòng chăm chút cho buổi Lễ Tốt nghiệp của tất cả chúng ta. 

 

 

Tp. Hồ Chí Minh, 20/7/2014
Hiệu trưởng

TS. Nguyễn Dũng