căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Khoá 20: Nơi ở mới và ngày học đầu tiên

 

 

Khoá 20:   Nơi ở mới

                  và ngày học đầu tiên

 

(TT. Thông tinVăn Lang, 15/9/2014)Hôm nay, 15/9/2014, là ngày đầu tiên tân sinh viên khóa 20 - những “tân binh” vừa mới gia nhập vào đội ngũ sinh viên trường ĐH Văn Lang - bước vào giảng đường Đại học. Có lẽ mỗi bạn đã chọn được cho mình chỗ ở phù hợp để bắt đầu cuộc sống mới - cuộc sống sinh viên. Trong môi trường mới chắc chắn các bạn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, nhưng bạn yên tâm Văn Lang sẽ là gia đình thứ hai của bạn.

Có con đi học xa nhà, mối lo hàng đầu của cha mẹ là tìm được một chỗ ở thuận tiện tiện đi lại, phù hợp với điều kiện gia đình, yên tâm cho con mà cũng yên tâm cho mình khi ở xa con. Trường Văn Lang có ký túc xá, khoảng 600 chỗ ở. Ngoài ra, các đội, nhóm trong suốt mùa hè vừa qua đã hỗ trợ tìm nhà trọ cho tân sinh viên. Tùy vào điều kiện, mỗi sinh viên đã lựa chọn một chỗ ở phù hợp. Hôm nay, họ đến trường học buổi đầu tiên, có những tân sinh viên bố mẹ vẫn đưa đón tận cổng trường, nhưng cũng có những người đã bắt đầu tự đi từ chỗ ở mới của mình.

     


Ký túc xá đặt tại: 160/63A-63B Phan Huy Ích, Q. Gò Vấp, Tp. HCM. Ký túc xá có ưu tiên cho tân sinh viên khóa 20.

 

►Các sinh viên tình nguyện đã giới thiệu được 255 địa chỉ nhà trọ cho tân sinh viên khóa 20, trong đó 109 sinh viên đã nhận chỗ trọ được giới thiệu. 

► Nhà trường trợ giá bữa ăn sinh viên tại các căn tin trong khuôn viên trường:         13.000đồng/phần. 
 

► Nhà trường trợ giá giữ xe tại trường cho sinh viên, giá giữ xe máy:1.000 đồng/lượt, giá giữ xe đạp:500 đồng/lượt. Bãi xe của trường ưu tiên giữ hết xe đạp của sinh viên.

 

Chương trình giảng dạy tiếng Anh của trường được đầu tư. Năm 2014, tất cả sinh viên năm thứ nhất được Nhà trường cấp miễn phí giáo trình tiếng Anh bản gốc (mức hỗ trợ 135.000 đồng/SV). Năm học 2014-2015, Nhà trường tiếp tục hỗ trợ lệ phí thi TOEIC (các mức 50%, 75%, 100%) cho những sinh viên thi đạt từ 450 điểm TOEIC trở lên. Chi phí mua tài liệu, sách vở sẽ không tốn kém nhiều nếu bạn chịu khó sử dụng Thư viện. Nếu các bạn ghi phiếu yêu cầu, Thư viện sẽ mua sách theo yêu cầu của bạn, khi sách được nhập về, bạn có thể mượn miễn phí.

► Hệ thống máy tính tại Thư viện và wifi trong các không gian công cộng của trường hoàn toàn miễn phí.

 

 

Ký túc xá, chỗ trọ, xe bus và giờ giấc

Khóa 20 có lẽ là một trong những khóa học có lượng tân sinh viên chọn ở khá đông. Ban Quản lý Ký túc xá cho biết, sau 3 ngày làm thủ tục nhập học đã có 120 tân sinh viên đăng ký ở, trong đó có cả tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Ngoại ngữ, Kỹ thuật Phần mềm, Kiến trúc - Xây dựng. Phụ huynh đến tham quan đều yên tâm và mong muốn cho con em được ở lại KTX lâu dài, vì Ký túc xá Văn Lang tuy hơi xa các địa điểm học tập nhưng các thiết bị phục vụ học tập được trang bị khá đầy đủ và đảm bảo về an ninh.  

Ở ký túc xá bạn sẽ tiết kiệm được chi phí, tiền phòng ở KTX chỉ 200.000đ/tháng, nhưng bạn cần lưu ý giữ gìn tư trang cá nhân, gọn gàng, ngăn nắp, tôn trọng đồ đạc của người khác, không ai có thể bảo quản giúp bạn nếu bạ đâu bạn cũng vứt bừa.

Ký túc xá có quy định thời gian mở cửa, đóng cửa. Internet trong phòng ở KTX là miễn phí, nhưng bạn lưu ý khi sử dụng các thiết bị điện như bàn ủi hay các thiết bị điện có thể gây cháy nổ…Bạn không được tiếp khách, không được nấu ăn trong phòng. Căn tin của KTX bán đồng giá với tất cả các cơ sở của trường Văn Lang: 13.000đ/ phần cơm. Đói bụng, có thể tìm thêm mì gói, căn tin hỗ trợ nước sôi, nước uống miễn phí.

Ký túc xá hơi xa, do chưa thông thạo đường, phần lớn các bạn sẽ đi xe bus đến trường. Cần tính giờ, tránh trễ chuyến, nhầm chuyến, trễ giờ học. Lên xe bus cần thận với laptop, điện thoại, ví tiền... tránh bị móc túi, nhất là vào những giờ cao điểm. Đặc biệt là các bạn học ở Cơ sở 1, nếu ở ký túc xá, các bạn cần nhớ thời gian xe buýt chạy để sắp xếp việc học, sinh hoạt về cho kịp.

 

 

Phòng ở Ký túc xá Văn Lang và những người bạn chung phòng cùng Khoá 20 đang làm quen với nhau: Tiêu Kiết Tường (ngành Thương mại), Trần Ngọc Hưng (ngành Tài chính Ngân hàng và Trần Văn Tấn (ngành Kỹ thuật Phần mềm)

      AAAA

Chọn phòng trọ và ở ghép với các anh chị sinh viên khóa trên cũng là cách để được chỉ bảo làm quen với cuộc sống xa nhà: Tân SV Nguyễn Thị Hà Phương (K20 ngành Kiến trúc), Nguyễn Hình Phương Nghi (K20 ngành Ngôn ngữ Anh) ở trọ cùng Nguyễn Thị Thanh Thảo, SV năm Hai ngành Môi trường.

 Cô Chánh, mẹ của tân sinh viên Huỳnh Yến Phượng (ngành CNSH), ở Cà Mau lên, đang trò chuyện với tình nguyện viên Trần Thị Cẩm Tú (áo xanh), tại căn phòng mà cô đã chọn cho con gái.Hình chụp chiều 14/9/2014.

 

 

Tình nguyện viên đội Công tác xã hội và các bạn tân sinh viên trò chuyện về trường, về các hoạt động của các câu lạc bộ, các đội nhóm, về lịch học, về sách vở  và cả về những điều cần để ý, cần nhớ khi ở trọ xa nhà.


 

Chọn chỗ trọ tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu và sở thích của mỗi bạn. Mức giá thông thường từ 3- 5 triệu/phòng, có thể ở từ 3-5 người. Trọ học tại thành phố, tốn kém là điều không thể tránh, hễ ra khỏi nhà là bạn cần đến tiền. Quản lý tiền bạc của cá nhân là chuyện khó, rồi bạn sẽ thấy ngay thôi! Có nhiều cách để tiết kiệm: tự nấu ăn, hợp khẩu vị hợp hơn, tiết kiệm chi phí. Theo các anh chị khóa trên, các bạn có thể dùng bếp từ thay cho bếp ga mini không mấy an toàn. Bạn sẽ ở chung, sinh hoạt chung với người khác, ông bà căn dặn “bán anh em xa, mua láng giếng gần”, bạn cần điều chỉnh mình cho thích hợp với cuộc sống chung, tự giác làm những công việc chung và biết quan tâm đến bạn bè cùng phòng. Các loại giấy tờ quan trọng, bạn cần luôn mang theo bên người. Bạn cũng cần tự lập, biết chọn lọc, biết nói không trước những cám dỗ… Xa nhà, có lẽ bạn sẽ cảm thấy thiếu tình cảm, nhất là đối với các bạn nữ. Yêu chẳng bao giờ là xấu. Nhưng các bạn cần tỉnh táo và biết rõ mục tiêu của mình. Quãng đời sinh viên non trẻ tươi đẹp, và trôi qua cũng nhanh, các bạn đừng để  vướng vào “bi kịch tình yêu”, khi đó, mọi thứ sẽ rất khó khăn đó bạn.

Giảng đường, bạn mới, và những giờ học "Nhập môn..."

Chuyện ở, coi như bước đầu đã sắp xếp tạm ổn. "An cư" rồi sẽ "lạc nghiệp". Ký túc xá hay ở phòng trọ đều có những điều hay, và đều có thể thay đổi. Những bạn đã chọn ở ký túc xá để trải nghiệm cảm giác “chưa ở ký túc chưa phải sinh viên”, rồi mai đây cũng có thể dọn ra ngoài ở để biết cảm giác ở “xóm sinh viên” như thế nào. Những bạn ở trọ, năm sau hoặc học kỳ sau có thể đến đăng ký ở ký túc xá. Đừng để việc thay đổi chỗ ở làm ảnh hưởng đến việc học, tốt hơn nữa là có thay đổi chỗ ở cũng chỉ nhằm học tốt lên hơn mà thôi. Giảng đường mới sẽ là ngôi nhà lớn của các bạn, nơi các bạn trải qua nhiều thời gian nhất, với nhiều niềm vui nỗi buồn, nhiều sẻ chia hơn cả...

 

Tân sinh viên Khoá 20 ngành Kỹ thuật Phần mềm trong buổi học đầu tiên, môn Nhập môn Công nghệ Phần mềm, chiều 15/9/2014.
Có thể gặp những gương mặt chăm chú, háo hức, trong hầu hết các phòng học của Khoá 20, ngày học đầu tiên - 15/9/2014.
Sinh viên ngành Kỹ thuật Nhiệt trong giờ học môn Hóa đại cương 1, tại phòng 803B sáng 15/9/2014

Tân sinh viên khóa 20 ngành Kế toán trong giờ học môn Toán cao cấp C1, tại phòng C402 - Cơ sở 2 trường ĐH Văn Lang (233A Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh).

Tân sinh viên ngành Môi trường trong buổi gặp gỡ đầu khóa của Khoa, sáng 19/5/2014, phòng 203A - Trụ sở trường - 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, Tp. HCM.

Buổi học đầu tiên của tân sinh viên ngành Kiến trúc, môn Vật liệu xây dựng, sáng 19/5/2014. Trong ảnh có một nữ sinh viên vừa nhận phòng trọ gần CS1, chiều hôm qua 14/9/2014. Hôm nay, em đã đến giảng đường.

Thế là bạn đã ở đây, Văn Lang đang dần trở thành “một chốn đi về” của bạn. Để có thể yên tâm gửi con em học tập trong quãng thời gian học đại học, mối bận tâm lớn của nhiều phụ huynh là trường lớp, là chỗ ăn ở, rồi kế đến mới là chuyện học hành, chương trình, thầy cô, điểm số... Những khó khăn ban đầu là bình thường thôi, chúng không là rào cản, bởi qua đó bạn sẽ dần trưởng thành, làm quen với cuộc sống tự lập. Các anh chị khóa trên là anh chị trong một nhà, luôn sẵn sàng hỗ trợ để các bạn nhanh chóng hoà vào  môi trường mới. Hãy yên tâm, trong hành trình này các bạn không chỉ có một mình. Rồi bạn sẽ thấy và sẽ yêu mến Văn Lang như là gia đình thứ hai của bạn.

Hãy để cuộc sống sinh viên của bạn trở nên ý nghĩa hơn bằng cách tham gia những hoạt động tập thể cùng bạn bè. Hãy bắt đầu cuộc sống sinh viên bằng việc xác định một mục tiêu học tập thật rõ ràng, hãy tham gia các hoạt động của trường, của khoa, hãy đọc nhiều sách và có nhiều bạn mới, bạn thân... Có muôn vàn dự định sẽ nảy ra trong những ngày đầu tiên này, hãy nắm lấy và biến nó thành hiện thực...

 

  • Nguyễn Liên