căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Khó lắm, một chữ “vừa”!

“Nền kinh tế đang khô bỏng như đường nhựa dưới nắng hè”, TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính – Tiền tệ thuộc Học viện Chính sách và Phát triển ví von.

     
   
Khó khăn gay gắt cũng là tâm trạng của hầu hết đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp tổ tuần qua. Trong khi đó, những giải pháp của Chính phủ “nghe thì không sai chỗ nào”, nhưng kết quả chưa rõ rệt.

Sốt ruột vì tăng trưởng trì trệ

“Chính phủ phải phân tích cho Quốc hội rõ hơn vì sao doanh nghiệp khó khăn vẫn không tiếp cận được vốn, dòng tiền đang chảy về đâu”? – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐBQH TP.HCM phát biểu.

Khó lắm, một chữ “vừa”! (1)

Còn theo TS Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay đều tăng trưởng 7 – 8% và chỉ tăng trưởng mức này mới đảm bảo mục tiêu giải quyết được các vấn đề xã hội. Chuyên gia kinh tế này thẳng thắn: “Hiện nay, tăng trưởng hơn 5% là nguy cơ chứ không phải đơn giản nói rằng quý này cao hơn quý kia là mừng”.

Nhiều nhà lập pháp cũng cho rằng, dường như việc “bốc thuốc” kiềm chế lạm phát đã bị “quá liều lượng”, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng. Trong khi đó, hơn ai hết, giới doanh nhân cũng nóng lòng chờ đợi những giải pháp quyết liệt hơn từ Chính phủ.

Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại có tên tuổi nói với báo chí, đại ý, trong khi doanh nghiệp như người đang đuối sức dưới nước, thay vì lựa dòng và ào xuống cứu thì có vẻ như các nhà điều hành còn loay hoay xoay trở trên bờ vì lo… ướt bộ đồ (!), lo mất hoặc hỏng những vật dụng mang theo…

TS. Trần Du Lịch cũng nhận định: “Thủ tướng đã ký ban hành các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ với rất nhiều giải pháp rồi, nhưng quá trình triển khai quá chậm khiến cho thị trường mất niềm tin. Ngắn hạn thì lình xình như vậy, dài hạn thì chúng ta đề ra mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên. Đề án mãi rồi thì cũng lập xong, nhưng thực tế gần như chưa tái cấu trúc được gì”.

Ở một diễn biến khác, các nhà khoa học tài chính – tiền tệ đã đưa ra những chứng cứ khoa học khá thuyết phục dựa trên cơ sở nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát – tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy còn những ý kiến khác nhau về mức độ, song đa số ý kiến thống nhất cho rằng, đường lạm phát ở Việt Nam biến thiên rất phức tạp với biên độ lớn.

Điều đó cho thấy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững, tiềm ẩn sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô. So với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong suốt giai đoạn từ 1991 đến 1995 và từ 2006 đến 2012.

Giai đoạn 1996 – 2005, lạm phát của nước ta ở mức tương đương với khu vực. Còn so với Trung Quốc thì trong suốt một quãng thời gian vài thập kỷ, tăng trưởng của Trung Quốc đều cao hơn và lạm phát đều thấp hơn Việt Nam.

Khoảng lạm phát tối ưu?

Không nghi ngờ gì, lạm phát có tác động tới tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Những cú sốc về lạm phát có thể làm giảm tăng trưởng, cụ thể là khi lạm phát quá cao thì sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Trong khi đó, những cú “nhảy vọt” về tăng trưởng có thể làm tăng lạm phát, nhưng xu hướng tăng trong dài hạn ít hơn trong ngắn hạn. Nói cách khác, muốn tăng trưởng cao phải chấp nhận lạm phát ở mức nhất định.

Cụ thể, trong giai đoạn 1996 – 2012, khoảng lạm phát tối ưu của Việt Nam từ 7,5 đến 9,5% và ngưỡng tối ưu cho lạm phát là 7,5%. TS Nguyễn Thạc Hoát, từng là lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại thuộc tốp đầu Việt Nam cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm theo mục tiêu kế hoạch 5 năm 2010 – 2015 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XI (7,0 – 7,5%) và Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội là 6,5-7%, thì lạm phát mục tiêu tối ưu của giai đoạn 2013 – 2015 phải ở mức 7,0 -7,5%. Đây cũng là ngưỡng tối ưu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Có vẻ như quan điểm chính sách của Việt Nam hiện nay (tăng trưởng cao, lạm phát thấp và ưu tiên cả hai mục tiêu như nhau) khó có thể trở thành hiện thực trong ngắn hạn và trung hạn (1-4 năm); mặc dù là phương châm đúng đắn trong dài hạn. Nếu cố gắng đạt được bằng quyết tâm chính trị thì rất có thể hậu quả còn trái ngược với kỳ vọng.

Nhưng làm thế nào để đạt được điểm cân bằng vốn rất mong manh đó?

Trong bối cảnh hiện nay, khi chính sách tài khóa còn rất ít dư địa, một sự nới lỏng có kiểm soát trong chính sách tiền tệ là điều được nhiều chuyên gia gợi ý.

Bên cạnh đó, cần có một cơ quan thực hiện chức năng phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ độc lập với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ quyết định các quan hệ cân đối giữa các chỉ tiêu lạm phát, cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng và các khoản nợ công; đồng thời kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chỉ tiêu trên.

Chính phủ cũng cần giao cho một cơ quan chức năng độc lập với Ngân hàng Nhà nước quản lý và kiểm soát các chỉ tiêu như: hạn mức tín dụng đối với nền kinh tế; tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP; chỉ tiêu cơ cấu tín dụng; tỷ lệ cung tiền M2/GDP…

Một giải pháp khác là nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng cổ phần lên tối đa là 49%, thậm chí là trên 50% rồi sau vài năm buộc họ phải đưa về mức thấp hơn như kinh nghiệm của một số nước đã từng làm.

Khi các đối tác nước ngoài trực tiếp tham gia quản trị, điều hành, các tổ chức tín dụng sẽ nhanh chóng khắc phục được sự yếu kém trong phân bổ vốn và sàng lọc, giám sát bằng đồng tiền của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Cuối cùng, chính sách tài chính cần đổi mới để đảo ngược dòng chảy vốn của xã hội (hiện nay chính sách đang kích thích đầu tư tài chính như mua vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, tiền gửi tiết kiệm) sang khuyến khích đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như việc thực hiện chính sách lãi suất không âm đối với tiền gửi tiết kiệm; lãi suất tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế phải thấp hơn tiền gửi của cá nhân. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn cũng phải thấp hơn kỳ hạn dài; không áp dụng chính sách tính lãi đối với các nguồn vốn gửi vào ngân hàng để thực hiện các chức năng phương tiện thanh toán, ký quỹ, bảo lãnh, giữ hộ…

Nguồn: Tạp chí DOANH NHÂN