căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Hội thi "Văn Lang Trạng nguyên" 2014: Chuyện trong vòng đấu và chuyện bên lề

(TT. Thông tin – Văn Lang, 21/4/214) – Khởi động từ 6/4/2014, đêm 18/4/2014, 3 vòng thi chinh phục những giải thưởng cao nhất của cuộc thi “Sinh viên Văn Lang với truyền thống Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo”, chủ đề “Văn Lang Trạng nguyên 2014”, đã khép lại. Trong vòng tròn 100 thí sinh tham gia thi đấu đã có người chiến thắng, song những đợt sóng loang ra từ vòng tròn đó vẫn đang khiến mỗi người tham gia và chứng kiến Hội thi có những trăn trở, suy nghĩ của riêng mình.


Số lượng và chất lượng

5 mùa “Văn Lang Trạng nguyên” đã trôi qua; và mùa nào chúng ta cũng nhận ra những thách thức dành cho người chơi sinh viên.

Năm 2014, đường đua vòng sơ loại được nhiều người đánh giá là mang tính thử thách hơn với hệ thống 100 câu hỏi trắc nghiệm trải rộng trên 10 lĩnh vực, 3 cấp độ: dễ - trung bình – khó. Ban Tổ chức không đánh đố trong đề thi, không làm khó các bạn; quan trọng hơn, câu hỏi phải “bắt” sinh viên sử dụng khả năng suy luận, khơi gợi ở các bạn nhu cầu tìm kiếm và tiếp nhận thông tin mới. Qua đó, các bạn ý thức được có nhiều thông tin mình cần biết, mình cần học. Ở bất kỳ sân chơi sinh viên nào tại Văn Lang, mục tiêu giáo dục vẫn được chú trọng.

Con số hơn 6000 bạn đăng ký, hơn 3000 bạn tham gia vòng sơ loại cho ta thấy sức hấp dẫn và phần nào cả tính phong trào của cuộc thi. Tuy nhiên, sự chênh lệch của hai con số này khiến chúng ta phải nhìn nhận lại: phải chăng lực lượng ngườitham gia một sân chơi trí tuệ lại đang được huy động một cách khá "bề mặt", chưa thực sự quan tâm đến chất lượng của người chơi - yếu tố quyết định thành công đúng nghĩa? Có hay không hiện tượng thí sinh tham gia vòng sơ loại vào phòng thi, uể oải chờ đến giờ nộp bài ra về? Có hay không trong việc “đưa” các bạn đến phòng thi, động cơ điểm rèn luyện là động cơ chủ yếu?

Một yếu tố khác cho thấy chất lượng là mặt bằng điểm thi của thí sinh tham gia vòng sơ loại. Phổ điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là vào khoảng 48 – 54/100; điểm cao nhất là 65/100. Phổ điểm này thấp hơn so với các năm trước. Có thể lý giải điều này bằng 2 lý do: Đề thi khó; Sự chuẩn bị kiến thức của thí sinh chưa kỹ lưỡng. Nếu thi cho vui, bạn sẽ khó bắt mình tìm hiểu, đầu tư cho nó.

Nếu thi vì muốn đo lường năng lực của mình, hay đơn giản tạo cho mình điều kiện thôi thúc mở rộng kiến thức, bạn có thể tìm thấy thông tin qua nhiều kênh khác nhau: sách, báo, cẩm nang trong Thư viện; website và các trang tin trực tuyến từ internet. Tìm kiếm, đọc một cách có chủ đích như trên, bạn sẽ học được cách sử dụng nguồn tài liệu tham khảo; không bị sa đà vào thị trường thông tin rộng lớn. Đó cũng là kỹ năng cần thiết cho việc học của bạn.

Vào phòng thi vòng sơ loại, nhiều thí sinh đã dùng thời gian chủ yếu để... đọc đề thi, dù không biết câu trả lời nhưng có lẽ, thắc mắc, tò mò là khởi đầu để bạn bắt đầu tìm hiểu nó. Đâylà một trong những cái “được” thực sự mà những người tổ chức cuộc thi này muốn mang đến cho các bạn.

Thách thức hay cơ hội?
285 thí sinh đạt điểm số cao nhất của vòng sơ loại tranh tài trong 3 đêm thi vòng loại. 

 

             
Đêm thi thứ nhất và thứ hai, các thí sinh dừng lại ở câu hỏi số 15 trên tổng số 20 câu hỏi; đêm thi thứ ba, câu hỏi số 12 là điểm kết chương trình. 
(ảnh: đêm thi vòng loại 1, 14/4/2014)
 

Các bạn đến từ các khoa khác nhau trong trường, mỗi bạn một phạm vi quan tâm. Đó là lý do cuộc phiêu lưu kiến thức ngoài vòng tìm hiểu khiến bạn phải dừng cuộc chơi. Và đó là lý do những người tổ chức tích hợp thông tin nhiều lĩnh vực trong một đêm thi.

Rất ít khi số lượng lớn sinh viên của trường, cả thí sinh lẫn khán giả, có thể “trò chuyện” cùng nhau về nhiều chủ đề mà trong đó, mỗi nhóm sinh viên có thể chỉ biết một. Sự tổng hòa ấy tạo thành tri thức tập thể, bạn sẽ trở nên giàu có hơn qua thông tin do người khác mang lại. Và với những kiến thức, những trải nghiệm đó, dù mang tính tóm lược, khởi đầu, bạn sẽ có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực hơn. Có nhiều điều bạn sẽ thấy thật tốt vì mình không bỏ lỡ nó; thật thú vị vì mình đã biết nó. Chẳng hạn như: Trong đêm thi vòng loại 1, các bạn được biết tranh sơn mài, thể loại tiêu biểu cho hội họa truyền thống Việt Nam, định danh từ những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ - thế hệ sinh viên đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương (ngôi trường đầu tiên đào tạo chuyên sâu về mỹ thuật ở Việt Nam, thành lập vào đầu thế kỷ XX). Trong vòng loại 2, nhiều bạn trẻ cho biết mình cảm thấy hứng khởi hơn với World Cup 2014 khi biết tam giác kết nối thú vị: Brazuca là quả bóng thi đấu chính thức của World Cup 2014; Quả bóng do hãng Adidas thiết kế; Chị Phạm Minh Nguyệt, cựu sinh viên Văn Lang, đang là Giám đốc Truyền thông của Adidas Việt Nam. Trong vòng loại 3, các bạn phát hiện lý do ngày 20/3 được chọn là ngày Hạnh phúc Thế giới: Vào ngày này, mặt trời nằm ngang xích đạo, ngày và đêm có độ dài bằng nhau, thể hiện sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Chọn  ngày này làm ngày hạnh phúc, Liên hợp quốc muốn kêu gọi mọi người có hành động cụ thể để chia sẻ hạnh phúc cùng nhau; sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ ứng vào cuộc sống sẽ là chìa khóa mang đến hạnh phúc.

Có 20 cánh cửa thú vị của tri thức mở ra trong mỗi đêm thi như thế. Gõ cửa bằng tất cả năng lực của mình, ìm thấy cách mở rộng cánh cửa tri thức cho mình qua cuộc thi như trên, hẳn bạn sẽ không thấy các câu hỏi là thách thức; đó thực sự là cơ hội mở mang đầu óc. Bản chất cuộc thi này vẫn là cuộc chơi, không phải là cuộc đua.

Dang dở hay thành công?
Đêm chung kết cuộc thi “Sinh viên Văn Lang với truyền thống Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo”, chủ đề “Văn Lang Trạng nguyên”, đã khép lại ở câu hỏi thứ 14. Không có màn thi tài đấu trí căng thẳng và ấn tượng như mong đợi, nhưng cuối cùng, cuộc thi vẫn có người chiến thắng.

 

100 thí sinh trên sàn đấu khi đêm thi chung kết bắt đầu, 18g30 ngày 18/4/2014.

 

Vượt qua câu hỏi số 5, sàn thi đấu còn lại 7 bạn (ảnh)
Và khoảng trống không có gì điền vào khi hết thảy thí sinh rời sàn ở câu hỏi thứ 6.
 
 
 
   
   Sự cứu trợ thành công của thầy cô đã mang 90 bạn thí sinh trở lại cuộc thi, tiếp tục với câu hỏi thứ 7.
Kết thúc câu hỏi thứ 12, chỉ còn 5 thí sinh trụ vững trên sàn.
Câu hỏi số 13 liền sau đó, chỉ có duy nhất một thí sinh vcòn lại trên sàn đấu;Áp lực một mình trên sàn đấu không kéo dài khi cuối cùng bạn dừng cuộc chơi ở câu thứ 14. 

 

                                          
  
Cuộc thi “Sinh viên Văn Lang với truyền thống Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo”  
chủ đề “Văn Lang Trạng nguyên 2014"
Giải Nhất: Hồ Minh Tuấn – SV khóa 17 khoa Thương mại 
Giải Nhì: Nguyễn Lê Vân Hà – SV khóa 17 khoa Mỹ thuật Công nghiệp
Giải Ba: Hồ Minh Tâm – SV khóa 17 khoa Kiến trúc – Xây dựng
Nhất đêm vòng loại 1: Võ Nguyễn Anh Duy – SV khóa 17 khoa Quản trị Kinh doanh
Nhất đêm vòng loại 2: Nguyễn Lê Quang – SV khóa 17 khoa Tài chính Ngân hàng
Nhất đêm vòng loại 3: Nguyễn Minh Thuận – SV khóa 17 khoa Kế toán Kiểm toán
Đơn vị có số lượng thí sinh tham gia nhiều nhất: Khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường
Đơn vị cổ vũ ấn tượng nhất: Khoa Tài chính Ngân hàng
Đơn vị có tiết mục giới thiệu hay nhất: Khoa Mỹ thuật Công nghiệp

  
                                          

 

“Văn Lang Trạng nguyên” về mặt nào đó như một cuộc chạy marathon, đòi hỏi sức bền tri thức ở các thí sinh. Cuộc chạy nào cũng cần có đích đến, mục tiêu định ra là câu hỏi thứ 20 – mục tiêu trọng tâm và trọn vẹn nhất. Nhưng năm nay, chúng ta đã dừng lại giữa chặng đường. Những thí sinh, và cả những người ngoài cuộc, ngưng lại giữa đường, có lẽ lại tìm thấy cho mình những mục tiêu gần hơn. 

 

Sau cuộc thi, Minh Thuận, cậu sinh viên năm ba khoa Kế toán – Kiểm toán, đã chia sẻ những dòng viết trên facebook với lời đề “Viết cho những điều dang dở”. Có lẽ, bạn viết cho những dang dở đã qua thật, nhưng người đọc cảm nhận được tương lai đối với bạn sẽ trọn vẹn hơn; vì đơn giản, bạn biết điều gì khiến việc học, việc chơi của bạn chưa thật tròn vẹn như ý muốn. Cuộc thi “Văn Lang Trạng nguyên” 2013, Thuận đạt danh hiệu Bảng nhãn, đi đến tận câu thứ 19 và chỉ dừng bước ở câu 20. Cuộc thi “Văn Lang Trạng nguyên” năm nay, Thuận vẫn là người đỗ đầu ở đêm vòng loại 3. Tuy nhiên, đêm chung kết, Thuận chỉ đi được nửa chặng đường. Với Thuận, đây không chỉ là sân chơi ngoại khóa, đây còn là cơ hội thử thách bản thân và khẳng định mình.

“Vậy là thua, trong lần cuối cùng của cuộc đời trên sàn thi đấu đó, mình đã không vượt qua được chính bản thân, không vượt qua được những sai lầm đã bao lần mắc phải, thất bại, như một điều tất yếu. “Thất bại là mẹ thành công”? Thất bại và thành công chẳng có quan hệ huyết thống nào cả. Chỉ đơn giản, cuộc đời không thể tránh khỏi thất bại; đôi khi, thất bại mang lại cho người ta những điều họ sẽ chẳng bao giờ có khi thành công: những người bên cạnh ta, hỏi thăm ta, đầy đặn và ấm áp. “Tái ông thất mã” – câu chuyện chưa bao giờ cũ.”.  Ngoài Minh Thuận, trên sàn đấu hôm ấy, chúng tôi cũng nhìn thấy những gương mặt quen, từng có "chút danh gì với núi sông" trong cuộc thi này những năm trước như Lưu Thoại Mẫn, Trần Ngọc Sơn; các bạn cũng rời sàn đấu, chắc có tiếc nuối và  sau đấy, biết đâu lại mỉm cười.

 

Chia sẻ với Minh Thuận, Hồ Minh Tuấn – người đạt Giải Nhất của cuộc thi năm nay – đã viết: “May mắn cũng là điều tất yếu trong cuộc sống, cũng như thất bại vậy.”. Hẳn là thế, vì may mắn đã mỉm cười với Tuấn. Giải thưởng với các bạn không quá lớn lao, các bạn còn cả cuộc đời phía trước để thi thố; hãy đặt cược vào đó không chỉ sự may mắn hay thất bại tất yếu của cuộc đời mà bằng sự nỗ lực từng ngày, trưởng thành từng ngày của mình. Ngày mai vì thế hẳn sẽ không là điều dang dở.

               
     
    

Trong hàng trăm người đến xem và cổ vũ cho đêm chung kết, chúng tôi đã gặp Đoàn Ngọc Thành, cựu sinh viên Xây dựng của trường. Bạn đứng lặng lẽ ở lầu 1, xem và mỉm cười. Với Thành, những điều dang dở từ cuộc thi này mấy năm trước giờ đã trở thành ký ức trọn vẹn về thời sinh viên. Bạn đã từng có mặt trên sàn đấu trong một đêm chung kết “Văn Lang Trạng nguyên”, và dừng lại ở câu thứ 5. Chặng đua không dài nhưng đủ để trải nghiệm và thao thức về nó. Một sinh viên chuyên môn giỏi, hoạt động Đoàn – Hội năng nổ; được tuyên dương sinh viên tiêu biểu của trường; và thất bại ở một sân chơi không lớn lắm. Con người khao khát hoàn thiện luôn muốn tìm ra cái thiếu của mình để bổ sung. Thành là người như vậy. Mỗi lần gặp, Thành lại trưởng thành hơn, giỏi hơn: Từ sinh viên tiêu biểu đến danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp; từ vị trí chuyên viên thiết kế cho một công ty xây dựng nước ngoài ngày mới rời trường đến học vị Thạc sĩ ngành Xây dựng và văn bằng 2 ngành Quản trị Kinh doanh sắp đạt được sau 2 năm tốt nghiệp.

     

 

Và ở đâu đó, chúng tôi nhìn thấy thành công của những người không là thí sinh. Nguyễn Anh Minh, cựu sinh viên Công nghệ Thông tin của trường, đã gắn bó với cuộc thi này từ khi còn là sinh viên năm ba với vai trò hỗ trợ kỹ thuật. Là sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm, Anh Minh và những người bạn của mình tìm thấy ngay “đất dụng võ” khi những người tổ chức cuộc thi mùa đầu tiên gặp khó khăn trong việc thống kê, tính toán mức điểm tổng hợp 3 vòng thi đấu cho các thí sinh. Phần mềm tính điểm “nhỏ mà có võ” của Minh đã ra đời, phục vụ hội thi suốt 4 năm qua. Và mỗi mùa “Văn Lang Trạng nguyên”, anh bạn này lại ngồi ở một góc khiêm tốn, lặng lẽ làm công việc của mình. Thành công của Minh chính là kỹ năng nhận biết thị trường trong nghề nghiệp, nhiệt tình với hoạt động phong trào ở trường và tình thân đối với ngôi nhà Văn Lang.         
     

Thiết nghĩ, thế cũng là tạm đủ cho sân chơi truyền thống của sinh viên Văn Lang – cuộc thi “Văn Lang Trạng nguyên” 2014. Hãy mong đợi điều tốt đẹp hơn (không hẳn là điều tốt đẹp nhất) cho cuộc thi “Sinh viên Văn Lang với truyền thống Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo” 2015!

 

 
   
 

 


Minh An

Ảnh:  Tuấn, Thuận