căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Gia đình Kế toán

 

Cuộc thi “ĐỒNG NGHIỆP QUANH TÔI”:

                                                                GIA ĐÌNH KẾ TOÁN 

 

(TT. Thông tin – Văn Lang, 4/4/2015– Cuộc thi “Đồng nghiệp quanh tôi” do Công đoàn trường tổ chức là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới chào mừng 20 năm thành lập và phát triển trường ĐH Văn Lang. Phát động từ tháng 12/2014, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của anh chị em công đoàn viên các tổ Công đoàn, nhiều bài viết đã gửi về cho Ban tổ chức. Dưới đây là một bài viết của Tổ công đoàn Khoa Kế toán, Ban tổ chức mong muốn được chia sẻ cùng anh chị em công đoàn viên.   

"Tháng 4/2009, khoa Kế toán – Kiểm toán (KTKT) được tách ra từ khoa Tài chính – Kế toán. Đối với ngành Kế toán, một trong những ngành đào tạo được hình thành ngay từ những ngày đầu thành lập trường Văn Lang, đây là cột mốc quan trọng khi vừa phải tiếp tục nhiệm vụ đào tạo, vừa phải xây dựng khoa mới. Đến nay, sau 20 năm hoạt động của ngành kế toán, với 6 năm xây dựng một khoa mới, những tâm sức mà chúng tôi đã đổ ra quả thật không hề uổng phí. Chính vì bắt đầu từ viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một ngôi nhà mới mà thầy trò chúng tôi đã có cơ hội tạo nên nét đặc trưng, riêng biệt của khoa KTKT. Và hôm nay, tôi muốn viết về các đồng nghiệp cũng như sinh viên tôi, những người đã gắn bó cùng tôi trong suốt thời gian qua để tạo dựng nên hình ảnh KTKT của hôm nay. 

 
Chơi hết mình nào!

Sau một năm ổn định, những năm 2010-2012 là giai đoạn ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất cho sự chuyển mình của khoa KTKT chúng tôi, khi thầy Trưởng khoa Nguyễn Cửu Đỉnh bắt đầu thực hiện những mơ ước cũng như dự định đã ấp ủ từ lâu của mình. Với sứ mạng là cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội, chương trình đào tạo của khoa KTKT đã được thay đổi theo định hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn và có khả năng hoà hợp quốc tế. Từ đó, tính ứng dụng của chương trình đào tạo và kỹ năng thực hành của sinh viên sau khi tốt nghiệp rất được chú trọng để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. 

Những giảng viên giàu kinh nghiệm thực tế được ưu tiên tuyển dụng. Đội ngũ giảng viên bắt đầu được bố trí theo định hướng lý luận và thực hành. Chính nhờ sự sắp xếp theo chuyên môn hóa này mà giảng viên đã phát huy được năng lực cũng như kinh nghiệm của mình. Tiếp đến, các môn học cũng như nội dung môn học cũng được thay đổi. Giảng viên đã đưa sinh viên đến gần hơn với thực tiễn nghề nghiệp, giúp sinh viên thấy được công việc của mình trong tương lai, những thuận lợi cũng như khó khăn, những niềm vui cũng như áp lực. Rồi tiếp theo là những ngày tháng tìm tòi, thử nghiệm phương pháp giảng dạy mới, họ đã cần mẫn, tỉ mỉ học sử dụng Moodle, soạn khối lượng tài liệu tự học khổng lồ, và ngồi hàng giờ để “up” từng câu hỏi cũng như trả lời từng câu hỏi trên Moodle, soạn đề và chấm kiểm tra hàng tuần,... Những khó khăn, áp lực trong công việc đối với họ không bao giờ vơi đi trước yêu cầu phải giữ vững phương châm “văn hóa chất lượng” mà lãnh đạo khoa đã đưa ra. Những khi con nhỏ đau ốm, những vất vả như tăng lên bội phần. Nhưng họ đã luôn cố gắng, luôn nỗ lực đến với sinh viên bằng tất cả nhiệt huyết của mình, với mong muốn các sản phẩm đầu tay của mình được thị trường lao động sẵn lòng đón nhận. 

 
Tổ Công đoàn Kế toán cùng tham gia hoạt động nghỉ hè cùng với các tổ công đoàn trong nhà trường.

Cứ như thế, sinh viên cũng cùng giảng viên trải nghiệm! Những giờ học lý thuyết như sinh động hơn vì “cái mớ” lý thuyết khô khan trước kia, chồng chồng các thông tư, nghị định, chuẩn mực,… đã hóa thành “phù sa màu mỡ” cho cả thầy trò tha hồ “đào xới, cày cấy” trong giờ thực hành. Ngược lại, phù sa ấy càng được bồi đắp thêm nhờ các thành quả gặt hái được sau giờ thực hành. 

Cứ như thế, thời gian trôi qua, các giảng viên khoa KTKT chúng tôi, cả giảng viên đã chuyển công tác như cô Ngọc Điệp đến những giảng viên vẫn còn gắn bó đến hôm nay như thầy Cửu Đỉnh, cô Ngân Hà, cô Minh Nguyệt, cô Phước, cô Thu Vân, thầy Chí Danh, cô Diệu Linh,… đã dần dần ghi lại dấu ấn của mình trong lòng sinh viên cũng như trong quá trình phát triển của khoa khi nhắc đến phương pháp học trực tuyến, đến mô phỏng kế toán, đến thực hành kế toán,...

Không chỉ giảng viên, các bạn nhân viên cũng tạo nên những dấu ấn riêng. Để “chạy theo” phối hợp với hoạt động sư phạm của các giảng viên, cô Tuyết Hoa, cô Nga đã phải vất vả “bám” sinh viên để nắm tình hình. Những khi giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy mới, đòi hỏi tinh thần tự học cao, sinh viên chỉ biết “than trời” thì các em lại tìm đến các cô như chỗ dựa tinh thần cho mình vì tin tưởng rằng các cô là cầu nối vững chắc nhất giữa các em và giảng viên. Những khi gặp trở ngại trong cuộc sống như gia đình bất hòa, bất đồng quan điểm với cha mẹ, giận hờn với người yêu, mất phương hướng trong học tập,… các em đều có thể trông cậy và tìm đến các cô để “xả” và để được tư vấn. Cứ như thế, tình cảm giữa thầy và trò trong khoa ngày càng khăng khít hơn.

Ngoài những giờ làm việc đầy căng thẳng, cả thầy lẫn trò khoa chúng tôi cùng nhau đồng hành trong các hoạt động phong trào, cùng nhau vui chơi trong các buổi lễ hội, cùng nhau ăn trưa,… Nhớ những ngày chuẩn bị thi nấu ăn, chúng tôi cùng nhau thử tay nghề và góp ý cho đồng đội trước khi thi thố. Nhớ những trưa tập văn nghệ với sự cổ vũ và hướng dẫn của sinh viên để cùng trình diễn trong ngày hội truyền thống. Cứ như thế, tình cảm đồng nghiệp, tình cảm thầy trò ở khoa KTKT chúng tôi ngày càng lớn dần theo thời gian.Trong vai trò thủ lĩnh sinh viên, Nguyễn Sỹ Hà, Nguyễn Vũ Kim Yến, Bí thư Đoàn khoa, cùng các sinh viên khóa 13, 14 đã tạo nên không khí ấm áp, gắn kết tình cảm giữa thầy và trò. 

Những món quà đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa thể hiện tình cảm thầy trò đã được sinh viên kỳ công thực hiện để dành tặng các thầy cô hay màu sắc đặc trưng mà nay đã trở thành màu truyền thống của khoa được hình thành từ đây. Mối quan hệ giữa khoa và cựu sinh viên cũng được củng cố từ đây. Hội diễn văn nghệ 20/11 hàng năm không còn là dịp để sinh viên thi thố những tiết mục ca múa và giành giải thưởng mà trở thành đêm để thầy trò cùng chúc nhau làm việc tốt hơn, học tập tốt hơn, công tác tốt hơn. Và trung tâm của đêm diễn không phải là các “ca sỹ” mà là các cổ động viên. Trong sự phấn khích cổ vũ, hò reo nhiệt tình của cả khán phòng, các ca sỹ bỗng hát hay hơn, múa đẹp hơn! Giải bóng đá KT - cup hàng năm trở thành dịp để thầy trò cũng như các thế hệ sinh viên cùng giao lưu với nhau. Buổi họp mặt cựu sinh viên trước đó được thay đổi thành “Ngày hội truyền thống” là dịp để thầy trò cùng vui chơi, để giảng viên và cựu sinh viên trao đổi, chia sẻ thành công cũng như khó khăn trong công việc, để đàn anh chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn làm việc cho đàn em. Cho đến nay, ngày Hội truyền thống và ngày Hiến chương nhà giáo vào tháng 4 và tháng 11 hàng năm luôn được những người ở nhà, là tất cả thầy trò khoa KTKT, tổ chức chu đáo với mong mỏi tạo nên một “nếp nhà” để những đứa con đi xa, là những cựu sinh viên, nhớ đến và trở về sum họp với gia đình.

  
Gia đình Kế toán!

Không biết tự bao giờ, “Gia đình Kế toán”, cái tên không phải do các thầy cô trong khoa đặt ra mà được khai sinh từ những sinh viên yêu quý, đã trở nên thân thuộc với chúng tôi. Và cái màu xanh lá theo ý nguyện của các cựu sinh viên khóa 13, 14 năm ấy cũng đã chính thức trở thành “màu cờ sắc áo” của khoa. Chúng tôi vẫn luôn nhớ và nhắn nhủ đến các khóa sinh viên sau này rằng mong muốn mà anh chị khóa trước gửi gắm qua màu áo này là các thầy cô sẽ ươm đầy những mầm xanh và những mầm xanh ấy sẽ ngày càng đâm chồi nảy lộc, sẽ vươn cao đón ánh mặt trời và sẽ mãi xanh ngay cả khi đã cứng cáp trưởng thành".

 

Cửu Đỉnh – Bích Vân