căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Gánh nặng thuế khóa lớn hơn nhiều con số ghi trong luật

Một phần do luật có nhiều điều khoản chưa rõ ràng, nên mỗi cán bộ thuế lại có cách hiểu luật khác nhau.

Trong tuần này, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự kiến, thuế suất thuế TNDN sẽ giảm từ 25% về 22% từ năm sau và 20% từ năm 2016.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về chủ đề này với bà Lê Thị Kiều Nga, Thành viên điều hành (Partner), Dịch vụ Thuế và Hỗ trợ doanh nghiệp – Phụ trách khối Dịch vụ thuế TNDN quốc tế toàn cầu và Phụ trách khối Khách hàng Nhật Bản, Công ty TNHH KPMG.

Thuế suất danh nghĩa của Việt Nam hiện nay là 25%. Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, dự kiến sắp tới giảm xuống 22% và xuống 20% từ năm 2016. Thưa bà, so với các nước có điều kiện tương tự Việt Nam, thuế suất danh nghĩa như vậy là cao hay thấp?

 

Gánh nặng thuế khóa lớn hơn nhiều con số ghi trong luật (1)
Bà Lê Thị Kiều Nga, Tax Partner - KPMG:"Thuế suất thực tế mà các doanh nghiệp phải chịu cao hơn  nhiều so với con số 25% thuế suất danh nghĩa quy định trong luật"

 

Bà Lê Thị Kiều Nga:Thuế suất thuế TNDN danh nghĩa tại Việt Nam hiện ở mức 25% là cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực có điều kiện tương tự Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh khi thu hút đầu tư. Theo thống kê, mức thuế suất danh nghĩa trung bình của các nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 22%, điển hình một số nước có mức thuế suất thấp như Singapore: 17%, Thái Lan: 20%, Campuchia: 20%.

Việc dự kiến giảm thuế suất danh nghĩa xuống 22% và xuống 20% từ năm 2016 là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới còn cho thấy, dù thu ngân sách giảm do giảm thuế suất thuế TNDN nhưng sẽ được bù lại một phần nhờ tăng các loại thuế gián thu và thuế TNCN. Bên cạnh đó, xét về lâu dài, giảm thuế sẽ khuyến khích mở rộng sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp sẽ nộp thuế nhiều hơn, nhờ đó ngân sách sẽ tăng được nguồn thu.

Thuế suất thực tế mà các doanh nghiệp phải chịu cao hơn nhiều so với con số 25% thuế suất danh nghĩa. Ví như một tập đoàn viễn thông năm 2011 có thuế suất thực tế gần 60%. Theo bà,đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Bà Lê Thị Kiều Nga: Đúng, phải thừa nhận rằng thuế suất thực tế mà các doanh nghiệp phải chịu cao hơn nhiều so với con số 25% thuế suất danh nghĩa quy định trong luật. Bởi lẽ, nhiều khoản doanh nghiệp chi ra nhưng không được cơ quan thuế chấp nhận là chi phí hợp lý hợp lệ, vì vậy mà thu nhập chịu thuế cao hơn thu nhập thực tế­, làm tăng số thuế phải nộp và thuế suất thực tế.

Điều này một phần bắt nguồn từ chính doanh nghiệp trong việc không tuân thủ việc lưu giữ hóa đơn chứng từ theo quy định, một phần là do những bất cập trong quy định hiện hành của luật thuế TNDN và cách hiểu khác nhau của các cơ quan thuế địa phương về cùng một vấn đề.

"... một phần là do những bất cập trong    quy định hiện hành của luật thuế TNDN và cách hiểu khác nhau của các cơ quan thuế địa phương về cùng một vấn đề.

Ví dụ như quy định về mức khống chế đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại là 10% và 15% (áp dụng cho 3 năm đầu kể từ ngày thành lập) chung cho mọi loại hình doanh nghiệp và mọi ngành nghề là không hợp lý. Có khi ngành này cần nhưng ngành kia thì không, hoặc có đơn vị cùng ngành nhưng nhu cầu quảng cáo cho từng thị truờng lại khác nhau. Điều này góp phần gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo ra những bất cập không nhỏ trong quá trình thực hiện và là một điểm hạn chế lớn trong quá trình ra quyết định đầu tư.

Hay như các chi phí thực tế phát sinh cho đối tác, khách hàng nhằm củng cố quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc chi phí du lịch nghỉ mát của nhân viên nhằm tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dường như luôn bị cơ quan thuế bác bỏ với lý do “không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Một điểm không hợp lý nữa là việc đặt ra quy định về đăng ký định mức tiêu hao nguyên vật liệu cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn một doanh nghiệp sản xuất hàng nghìn chi tiết nhựa của điện thoại di động và máy tính, loại hình đòi hỏi phải thay đổi chủng loại và mẫu mã thường xuyên theo yêu cầu của khách hàng thì việc đăng ký định mức tiêu hao nguyên vật liệu đối với từng đơn vị sản phẩm là khó khả thi. Điều này dẫn đến thực tế có doanh nghiệp bị cơ quan thuế ấn định mức chi phí nguyên vật liệu được khấu trừ thấp hơn rất nhiều so với mức tiêu hao thực tế của doanh nghiệp dẫn đến chi phí thuế thực tế bị đội lên đáng kể.

Có người lý giải hiện tượng chuyển giá là do thuế suất danh nghĩa tại Việt Nam cao hơn các nước khác. Sau khi đã giảm thuế suất xuống 20%, bà có nghĩ hiện tượng này sẽ chấm dứt/ giảm bớt không?

"... không có cơ sở để nói rằng khi thuế suất ở Việt Nam giảm xuống 20%, cái gọi là “hiện tượng chuyển giá” sẽ chấm dứt hay giảm bớt.

Bà Lê Thị Kiều Nga: Thuế suất thuế TNDN không phải là yếu tố các công ty đa quốc gia xem xét khi thực hiện xác định giá chuyển nhượng trong giao dịch liên kết của tập đoàn. Nếu chỉ xét về khía cạnh thuế suất, các doanh nghiệp ở Nhật Bản, hay Mỹ, hay một vài nước Châu Âu (ví dụ Bỉ, Đức, Pháp) - những nơi có thuế suất thuế TNDN cao hơn Việt Nam, hẳn đã muốn chuyển hết lợi nhuận về Việt Nam (là nơi có thuế suất thấp hơn, ngay cả khi chưa có đề xuất giảm thêm thuế). Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy.

Hơn nữa, một giao dịch liên kết là giao dịch diễn ra giữa hai bên, và do đó có sẽ chịu sự quản lý của hai cơ quan thuế. Việc chứng minh giao dịch liên kết thỏa mãn yêu cầu của cả hai cơ quan thuế là quan trọng. Vì vậy, không có cơ sở để nói rằng khi thuế suất ở Việt Nam giảm xuống 20%, cái gọi là “hiện tượng chuyển giá” sẽ chấm dứt hay giảm bớt.

Kinh nghiệm một số nước trong khu vực như Singapore hay Hong Kong cho thấy, dù thuế suất có thấp, nhưng muốn xử lý triệt để vấn đề chuyển giá đòi hỏi phải có khung pháp lý hoàn thiện nhằm mục đích đảm bảo việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, gia tăng quyền lực của cơ quan thuế trong quá trình điều tra.

Các doanh nghiệp FDI có hài lòng về luật pháp về thuế của Việt Nam không? Về mặt thủ tục giấy tờ, họ thường phàn nàn ở những điểm nào?

Bà Lê Thị Kiều Nga: Trong thời gian qua, ngoài những lo ngại về thị trường thì các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách và thủ tục thuế đang gây rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Thực tế là các doanh nghiệp FDI vẫn thực sự chưa hoàn toàn hài lòng về pháp luật thuế của Việt Nam ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, pháp luật (trong đó có chính sách thuế) có nhiều điều khoản chưa thật sự rõ ràng. Do đó, cách hiểu/cách xử lý của các cơ quan thuế địa phương/cán bộ thuế khác nhau là khác nhau.

Thứ hai, thủ tục, hồ sơ giấy tờ (đặc biệt là thủ tục hải quan) còn nhiều phức tạp, khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Tuy nhiên, Luật quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 đã ban hành nhiều điều luật sửa đổi, thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách hệ thông thuế. Có thể kể đến một số điểm sáng trong Luật quản lý thuế mới như khuyến khích kê khai thuế điện tử, doanh nghiệp nay có thể ngồi nhà làm thủ tục thay vì phải chạy đến cơ quan thuế nộp từng tờ khai, góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí thời gian và nhân lực để thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được quyền áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như giảm chi phí tuân thủ thuế, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp cũng được quyền yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, trị giá hải quan, xuất xứ cho hàng hoá xuất nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan theo quy định của Chính phủ.

Chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng với việc thực thi Luật quản lý thuế sửa đổi từ 1/7/2013, những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp hiện đang gặp phải sẽ dần được tháo gỡ.

Xin cám ơn bà đã chia sẻ!

Quan điểm mà tác giả bày tỏ tại đây không nhất thiết bày tỏ quan điểm và ý kiến của KPMG.

Theo Trí Thức Trẻ