căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Điều hành tỷ giá nhìn tổng thể nền kinh tế

 Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách điều hành ổn định tỷ giá hiện nay làm mất dần sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng nhập khẩu, bởi tỷ giá không điều chỉnh so với mức chênh lệch lạm phát trong và ngoài nước. Phóng viên đã có vài trao đổi với TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để hiểu rõ thêm về vấn đề này.

 

Điều hành tỷ giá nhìn tổng thể nền kinh tế

Việc xem xét tỷ giá phải tính cả 2 chiều. Nguồn: internet

Phá giá VNĐ: Con dao 2 lưỡi

PV:  Tại một cuộc hội thảo mới đây bàn về tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không điều chỉnh tỷ giá và tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là nguyên nhân làm cho hàng hóa Việt Nam mất dần sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, làm cho hàng tồn kho liên tục tăng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Nhiều năm qua mà chúng ta có thể lấy mốc từ tháng 7/2007 đến tháng 7/2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 99,57% trong khi tỷ giá chỉ tăng 24,2%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Vì sao NHNN ngại phá giá VNĐ? Tại sao giữ tỷ giá ổn định bất chấp lạm phát tăng luôn được coi là thành công trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam?

 

TS. Trần Du Lịch: Tỷ giá là vấn đề khá phức tạp, ngay trong giới nghiên cứu, các chuyên gia tham vấn chính phủ cũng có những ý kiến khá khác nhau về việc ổn định tỷ giá theo chính sách tỷ giá hiện nay. Để làm rõ vấn đề này phải đứng trên thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, trước hết, ở mỗi quốc gia, mọi mục tiêu của kinh tế vĩ mô đều lấy mục tiêu bảo đảm giá trị đồng tiền của quốc gia đó trong điều hành chính sách tiền tệ, có nghĩa phải giữ giá trị đồng tiền, bảo đảm giá trị đồng tiền.

Bởi giá trị đồng tiền thể hiện sức mạnh, sự ổn định của nền kinh tế đó. Đối với đồng tiền Việt Nam, trong nhiều năm qua, chúng ta mất giá liên tục ở 2 khía cạnh: mất giá trong so sánh với đồng ngoại tệ mạnh như USD và mất giá do sức mua của thị trường nội địa, thể hiện trên chỉ số CPI.

      

Việc xem xét tỷ giá phải tính cả 2 chiều. Về lý thuyết, muốn khuyến khích xuất khẩu phải điều chỉnh tỷ giá có lợi cho xuất khẩu. Nhưng đặc điểm của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu là gia công, nhập nguyên liệu, nên điều chỉnh tỷ giá là con dao 2 lưỡi, vừa tăng giá trị xuất khẩu tính bằng tiền đồng nhưng lại tăng chi phí do điều chỉnh tỷ giá.

   

Đúng là trong 5-6 năm qua, nếu tính theo chỉ số CPI, sức mua của đồng tiền Việt Nam giảm giá khá mạnh như dẫn chứng của bạn (phóng viên) trong câu hỏi, trong khi đó tỷ giá so sánh giữa VNĐ và USD có mức giảm giá thấp hơn. Do đó có người cho rằng VNĐ tăng giá so với USD nên cần phải điều chỉnh phá giá để tương quan sức mua trong nước với sức hoán đổi so với đồng USD là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, việc ổn định hay giữ tỷ giá ở mức độ nào còn phụ thuộc vào cán cân thương mại của quốc gia đó. Ở nước ta, chỉ từ năm 2012 đến nay mới giảm được nhập siêu, còn các năm trước tỷ lệ nhập siêu rất lớn. Khi nhập siêu lớn, cán cân thương mại thâm hụt, việc dự trữ ngoại hối đảm bảo giá trị đồng tiền cũng khó khăn. Do đó chúng ta xem xét tỷ giá ngoài khía cạnh mất sức mua trong nước do lạm phát cũng phải tính toán trong cán cân thương mại quốc tế đối với VNĐ như thế nào.

Như đã biết, hầu hết sản phẩm xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam là gia công, có nghĩa là chúng ta tùy thuộc nguyên liệu rất lớn, thể hiện qua nhập siêu rất cao, có năm lên đến 20% giá trị xuất khẩu. Như vậy, nếu phá giá, chúng ta sẽ tự nâng giá vật tư nguyên liệu đầu vào, đẩy chi phí sản xuất lên, kể cả trong nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là các loại vật tư xây dựng phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nợ quốc gia bằng ngoại tệ của Nhà nước và doanh nghiệp đã lên đến gần 50% GDP, mỗi lần phá giá đồng tiền, nợ tăng tính bằng VNĐ rất lớn. Chúng ta nhập khẩu xăng dầu, mỗi lần điều chỉnh tỷ giá, giá xăng dầu sẽ tăng rất mạnh. Tôi thí dụ như lần điều chỉnh tỷ giá 9,3% vào đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp ngủ 1 đêm sáng dậy nợ tăng 10% đối với các khoản cam kết khi doanh nghiệp thu bằng tiền đồng và phải trả bằng ngoại tệ.

Dĩ nhiên, nếu ổn định tỷ giá như hiện nay rõ ràng bất lợi cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu không phải nhập khẩu nhiều. Như xuất khẩu cà phê, gạo, tỷ lệ nội địa hóa lớn, phần nhập khẩu cấu tạo giá trị ít hơn một số ngành khác nên đang chịu thiệt. Nhưng nếu nhìn tổng thể nền kinh tế, nếu như chúng ta cứ điều chỉnh tỷ giá liên tục theo mức CPI trong nước, chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng rất cao.

Đây là vấn đề được bàn luận khá nhiều ở Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia cũng như ở các cơ quan. Cuối cùng cân nhắc là điều hành tỷ giá linh hoạt, nghĩa là để cho biên độ có dao động nhưng không đặt vấn đề phá giá đồng tiền. Đó là chưa kể phá giá đồng tiền ảnh hưởng tâm lý rất lớn khi đồng tiền bị mất giá.

 Thực chất việc điều chỉnh tỷ giá 9,3% đầu năm 2011 cùng việc giảm biên độ giao dịch từ 3% xuống 1% không phải là phá giá, vì trước đó VNĐ đã mất giá trên thị trường. Trên thị trường từ quý IV-2010 đã hình thành 2 tỷ giá, tỷ giá thực và tỷ giá chợ đen, nhưng sau đợt điều chỉnh đó, cơ bản trên thị trường không hình thành 2 tỷ giá mà tỷ giá hướng dẫn của NHNN phù hợp với giao dịch của thị trường cung cầu về ngoại tệ.

Do đó, tôi cho rằng hiện nay với chính sách điều hành tỷ giá của NHNN giữ mức ổn định cũng có một bộ phận bất lợi nhưng về tổng thể nền kinh tế, việc điều hành đó là đúng. Chúng ta nhớ rằng một chính sách bao giờ cũng có chỗ được chỗ mất, chính sách nhìn vào chỗ được lớn hơn chứ còn cái mất thì phải có. Dĩ nhiên có người cho rằng, tỷ giá thế này khuyến khích nhập khẩu hơn là xuất khẩu, nhưng không vì thế mà phá giá đồng tiền.

Năng lực cạnh tranh kém, năng suất thấp

Với chính sách linh hoạt tỷ giá như ông đã nói bất lợi cho một bộ phận thì xử lý thế nào?

Không nên phá giá đồng tiền nhưng không nên neo tỷ giá một cách khiên cưỡng, khi sức mua của đồng tiền đã giảm phải điều chỉnh, tức quan hệ cung cầu về ngoại tệ của tỷ giá thay đổi thì phải điều chỉnh. Đây là một sự linh hoạt trong chính sách về tỷ giá.   
   

Với tỷ giá hiện nay, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản rõ ràng có thiệt hơn so với một số hàng công nghiệp. Tuy nhiên, ngay nền nông nghiệp cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu kể cả các loại thuốc rất lớn, lĩnh vực chăn nuôi nhập hàng tỷ USD thức ăn gia súc, thuốc chữa bệnh… nếu điều chỉnh tỷ giá, phần này sẽ gia tăng.

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ ổn định tỷ giá cũng cần phải điều chỉnh ở mức độ phù hợp để nông nghiệp không bị thiệt hại do tỷ giá. Năng lực cạnh tranh của từng ngành tùy thuộc tỷ giá từng phần, còn phần lớn hơn là phụ thuộc năng suất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Chúng ta nên có một số biện pháp hỗ trợ nông nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng cạnh tranh và chất lượng chứ không nên chỉ nhìn vào vấn đề tỷ giá để giải quyết căn cơ.

Theo ông, hàng hóa Việt Nam mất dần thế cạnh tranh so với hàng ngoại, ngoài phần tỷ giá về cơ bản nguyên nhân ở đâu?

Đây là vấn đề khá lớn. Hiện nay sau 6 năm tham gia WTO, xuất khẩu gia tăng mạnh nhưng cũng bộc lộ năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam yếu kém, đặc biệt là chi phí cao. Gốc vấn đề là ở chỗ Việt Nam có năng suất lao động quá thấp, những năm qua, nhìn trên tổng thể nền kinh tế, tăng tiền lương, tăng các loại chi phí nhanh hơn tăng năng suất. Mặt khác, rất nhiều loại chi phí doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu nhưng ở các nước không có như chi phí cảng, chi phí vận tải, các loại phí khác mà doanh nghiệp phải chịu, làm nâng giá thành sản phẩm.

Yếu tố tiếp theo là do công nghệ lạc hậu, chủ yếu gia công nên tính cạnh tranh cũng giảm xuống. Tổng thể để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, yếu tố tỷ giá chỉ là một phần nhỏ, yếu tố lớn nhất là Chính phủ và Nhà nước phải cung cấp tốt hơn các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội để doanh nghiệp được hưởng phí tổn thất.

Về phía doanh nghiệp phải đổi mới quản lý, cơ cấu lại giá thành, tính toán lại chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính. Trong năm gần đây, do lạm phát nên lãi suất quá cao, chi phí tài chính của doanh nghiệp lớn so với các nước trong khu vực, hay so với các doanh nghiệp khu vực FDI do họ được vay khoản vay có lãi suất thấp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam do vốn chủ sở hữu quá mỏng, phải dùng vốn vay nên chi phí lãi suất cũng tăng. Những yếu tố như vậy làm giá thành sản phẩm Việt Nam cạnh tranh thấp chứ không phải chỉ có tỷ giá. Do đó, bài toán lớn nhất là phải xử lý tổng thể để nâng sức cạnh tranh chứ không chỉ dựa vào tỷ giá để xử lý vấn đề.

 Xin cảm ơn ông.

 

Theo saigondautu.com.vn