căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Cùng Văn Lang, tôi trưởng thành!

 

 

Cuộc thi “ĐỒNG NGHIỆP QUANH TÔI”:  

 

Cùng Văn Lang, tôi trưởng thành!

 

(TT. Thông tinVăn Lang, 25/4/2015) – Cuộc thi “Đồng nghiệp quanh tôi” do Công đoàn trường tổ chức là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới chào mừng 20 năm thành lập và phát triển trường ĐH Văn Lang. Phát động từ tháng 12/2014, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của anh chị em công đoàn viên các tổ Công đoàn, nhiều bài viết đã gửi về cho Ban tổ chức. Dưới đây là một bài viết của một công đoàn viên trẻ Khoa Kế toán Kiểm toán, Ban tổ chức mong muốn được chia sẻ cùng anh chị em công đoàn viên.


Thấm thoát đã hơn hai năm trôi qua, ở nơi đây và ngay tại thời điểm này biết bao cảm xúc đang dâng trào trong tôi. Khi công đoàn trường tổ chức cuộc thi viết về đồng nghiệp quanh tôi, tôi trăn trở rất nhiều. Tôi nên viết về ai? hoặc viết về điều gì? Suy nghĩ và suy nghĩ… Cuối cùng, tôi nhận ra rằng tôi không thể viết về một người hay một việc cụ thể nào, vì mỗi người ở đây đều mang đến cho tôi một niềm vui riêng, tất cả hài hòa làm cho tôi cảm thấy yêu và muốn gắn bó với nơi đây rất nhiều. Đối với tôi, khoa Kế toán Kiểm toán và trường Văn Lang thật sự là một mái nhà thứ hai, ấm áp và đầy ắp những tiếng cười. Tôi yêu quý tất cả họ, từ các cô chú anh chị ở phòng phục vụ học đường, thư quán, canteen, đến những anh chị, thầy cô ở các phòng ban và các khoa khác, mỗi người đều góp phần làm cho trường Văn Lang trở thành một ngôi trường “mến yêu” thật sự.

Còn nhớ năm 2012, tôi bước vào khoa Kế toán Kiểm toán với biết bao lạ lẫm và ngỡ ngàng. Tôi cũng đã có nhiều năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, cũng đã từng có hơn một năm đi làm ở bên ngoài với những kinh nghiệm làm việc, giao tiếp khách hàng, cũng có một số kinh nghiệm gọi là “va chạm”. Khi rời khỏi công ty cũ, tôi vững tin rằng sẽ đón nhận một môi trường mới, tươi sáng và tốt đẹp hơn. Nhưng khi bước chân vào khoa Kế toán Kiểm toán, tôi đã vấp phải nhiều khó khăn mà bản thân không hề lường trước. Vốn là người khá trầm tính, tôi cảm thấy áp lực và căng thẳng trong mối quan hệ với đồng nghiệp và với quá nhiều sinh viên. Tôi những tưởng cách giao tiếp và ứng xử của mình khi làm bên ngoài cũng được, nhưng bước vào đây rồi tôi mới biết nó thật sự… rất tệ. Và những khó khăn của tôi đã đến từ đó, đồng nghiệp không hiểu tôi, cảm thấy tôi “chảnh, khó ưa” nên cũng không muốn tiếp xúc và hỗ trợ tôi trong công việc, thậm chí không muốn nghe tôi trao đổi, sinh viên cũng phản ứng đối với cách làm việc “cứng nhắc” của tôi. Công việc của tôi luôn không suôn sẻ, mọi thứ đối với tôi thật tồi tệ, tôi cảm thấy rất áp lực, rất nặng nề khi đi làm mỗi ngày.

Tổ Công đoàn Khoa Kế toán Kiểm toán trong đợt nghỉ mát do Công đoàn trường tổ chức tại Vũng Tàu, năm 2014.

May mắn thay, bên cạnh tôi còn có Thầy Cô Ban chủ nhiệm khoa rất tâm lý và quan tâm nhiều đến nhân viên của mình. Chính sự tư vấn và khích lệ từ phía Thầy Cô đã giúp tôi hiểu được rất nhiều vấn đề. Tôi nhận ra rằng, tất cả những khó khăn đó đều xuất phát từ cách nghĩ, cách làm việc và cách giao tiếp của tôi. Thì ra, không phải là các anh chị đồng nghiệp không tốt, không thích giúp đỡ tôi, muốn cô lập tôi, cũng không phải các em sinh viên quá ư là khó chịu, mà tất cả chỉ vì họ không hiểu được tôi. Tôi không biết cách hòa nhập cùng họ, không chịu mở lòng để họ hiểu nhiều về mình hơn. Vì thế, tôi đã nỗ lực từng bước khắc phục những nhược điểm của mình, hòa đồng hơn, cởi mở hơn, trao đổi nhiều hơn. Và hơn nửa năm sau, trong một buổi họp khoa, tôi đã vui mừng khôn tả khi nhận được lời nhận xét từ anh “không đẹp dzai”: “trước đây tôi không ưa em lắm, nhưng bây giờ thấy em cũng được!”. Tôi được đồng nghiệp yêu mến, giúp đỡ nhiều hơn, các em sinh viên cũng đã “tiếp nhận” tôi một cách tích cực, công việc nhờ thế mà tốt hơn rất nhiều. Đây chính là bài học để tôi thấy được giá trị của “kỹ năng giao tiếp và ứng xử”, cái mà tôi hiện nay luôn muốn các bạn sinh viên của mình hướng đến, mặc dù tôi còn phải học hỏi thêm rất nhiều. Chính nhờ cách làm việc của Ban chủ nhiệm và các anh chị trong khoa, tôi đã trưởng thành hơn, sâu lắng hơn và hạnh phúc hơn khi cảm nhận được niềm vui trong công việc hàng ngày.

Vào tháng 05/2014, tôi chính thức tham gia vào Chi đoàn CB – GV - NV cơ sở 2 với vai trò là Bí thư chi đoàn. Chi đoàn các lớp thì tôi biết rồi vì khi còn đi học tôi cũng hoạt động khá nhiều, nhưng còn Chi đoàn CB – GV - NV, cái tên nghe rất lạ lẫm. Vì vậy, tôi đã bắt đầu tìm hiểu nó. Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng chút nào! Chi đoàn giảng viên 2 đã không hoạt động một thời gian khá dài, và đa số các thầy cô trong chi đoàn chỉ quan tâm đến công việc chuyên môn của mình chứ không hề có hứng thú tham gia sinh hoạt chi đoàn. Hơn nữa, tôi cũng cảm thấy “khớp” khi phải triển khai công việc trước những anh chị đã là giảng viên 5, 6 năm, có học vị cao hơn tôi. Vậy làm thế nào để “lôi kéo” được họ từ các đơn vị khác nhau đây? Làm thế nào để có được những hoạt động học thuật chung để họ cùng quan tâm đây? Đây quả là một bài toán khó với tôi cũng như các anh chị trong BCH chi đoàn. Và vì thế, tôi tham khảo ý kiến của nhiều anh chị, đặc biệt là bạn Hùng, bạn Cúc trong BCH Đoàn trường, và cả Thầy Cô, những người có kinh nghiệm trong sinh hoạt đoàn thể và kinh nghiệm làm việc với những giảng viên trẻ. Tôi học ở Cô từng chút, từ cách giao tiếp, xưng hô với giảng viên trong sinh hoạt, tới cách viết email để mời họp, thông báo, triển khai công việc,… Những buổi họp đầu tiên chỉ có năm, sáu anh chị tham gia trên tổng số 25 đoàn viên khiên tôi cảm thấy nản lòng. Nhưng vì không muốn phụ sự kỳ vọng của Thầy Cô, của những người đã tin tưởng tôi nên tôi đã cố gắng. Tôi sắp xếp lịch sinh hoạt định kỳ để các giảng viên theo đó sắp xếp lịch cá nhân cho phù hợp, soạn nội dung họp có trọng tâm và thiết thực, thảo luận kỹ kế hoạch hoạt động, còn lại chủ yếu là trao đổi, làm việc qua email, điện thoại.

Ngoài ra, tôi dành thời gian nói chuyện, tiếp xúc với các anh chị nhiều hơn, tạo ra các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao như giao hữu bóng đá giữa chi đoàn CB – GV - NV hai cơ sở, giao hữu cầu lông với trường bạn, đi thăm và tặng quà tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… Qua các hoạt động tập thể đó, các anh chị dần dần đã gắn kết với nhau, đã sẵn sàng tham gia sinh hoạt chi đoàn nhiều hơn. Các hoạt động học thuật cũng từng bước được tiến hành bên cạnh hoạt động vui chơi, giải trí như tổ chức lớp học SPSS căn bản, chuẩn bị thực hiện công trình thanh niên tặng sách dạy kỹ năng – nghệ thuật sống cho thư viện, hướng dẫn kỹ năng chụp ảnh,… Giờ đây, cuộc họp của chi đoàn đã đông hơn, sôi nổi hơn khiến tôi cũng cảm nhận được niềm vui nhiều hơn khi sinh hoạt cùng với các anh chị, những người trẻ và nhiệt tình.

"Tôi cũng cảm nhận được niềm vui nhiều hơn khi sinh hoạt cùng với các anh chị, những người trẻ và nhiệt tình"....

Tôi kể nhiều như vậy mục đích cũng chỉ mong muốn mọi người thấy được tôi hạnh phúc như thế nào khi nghĩ về đồng nghiệp của mình, những người góp phần tạo nên Văn Lang trong lòng tôi. Chính nhờ có họ, tôi đã nhận ra mình còn rất nhiều thiếu sót, còn rất nhiều điều cần phải học hỏi, rèn luyện. Và như thế, từng bước, tôi trưởng thành! Tôi sẽ còn phải cố gắng nhiều và thật nhiều hơn nữa để giữ được hạnh phúc này ở nơi đây.
Và qua đây, tôi muốn cảm ơn các anh chị đồng nghiệp thân thương ở khoa Kế toán Kiểm toán. Cám ơn cái anh mà lúc trước em luôn cảm thấy “không ổn” nhưng bây giờ nhìn khá là “ổn”; cám ơn cái anh tuy “không đẹp dzai” nhưng rất dễ thương của khoa; cám ơn Thầy Cô đã giúp em hiểu ra được nhiều điều và luôn chỉ bảo cho em. Cám ơn tất cả những người bạn, các anh chị ở Văn Lang đã góp phần làm cho cuộc sống của em thật ý nghĩa.

 

  • Phạm Thị Mộng Tuyền
  • Tổ Công đoàn Khoa Kế toán Kiểm toán