căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Cử nhân thất nghiệp: đừng đổ lỗi cho ai

Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp ra trường và thất nghiệp chưa bao giờ hết nóng. Nguyên nhân từ đâu đã có rất nhiều câu trả lời. Câu nào cũng đúng nhưng câu nào cũng thiếu.

 

Các bạn trẻ tìm việc làm tại YES Center (Thành đoàn TP.HCM) - Ảnh: Quang Phương

 

Theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng mang tính quyết định là do một số bạn quá dở nên không tìm được việc làm.

Xưa nay khi bàn về chuyện cử nhân thất nghiệp thì ở tầm vĩ mô, các ý kiến hay đổ lỗi cho đào tạo, cho dự báo nguồn nhân lực, cho... đủ thứ. Nói chung, cứ đổ được cho chỗ nào thì đổ mà quên mất cùng học giống nhau, thụ hưởng cùng chương trình đào tạo như nhau nhưng người có việc người lại thất nghiệp, người rất giỏi và người rất dở.

Đừng cứ chăm chăm đổ lỗi cho đào tạo mà nên xem lại chính bản thân mình để thấy nguyên nhân lớn nhất không thể tìm được công việc là từ đâu.

Không có ngôi trường nào, thầy cô nào dạy hết tất cả những gì cần làm, nên làm sau khi ra trường để có thể tìm được công việc tốt. Ở lớp các bạn chỉ được học kiến thức cơ bản nhất về chuyên ngành nhưng bao nhiêu đó chưa đủ.

Ngoài việc giỏi chuyên môn thì kiến thức về tin học, ngoại ngữ hiện nay là những đòi hỏi hàng đầu và hết sức quan trọng của các nhà tuyển dụng.

Tiếp sau đó là những kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý công việc và thời gian... tất cả đều rất cần thiết đối với một ứng viên. Nhưng hầu hết tân cử nhân của chúng ta đều không đáp ứng tốt những nhu cầu này và thất nghiệp là một sự thật hiển nhiên.

Phần lớn sinh viên dù đã cầm trên tay tấm bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ loại ưu nhưng không thể soạn một văn bản Word hoàn chỉnh, không thể giao tiếp một vài câu tiếng Anh cơ bản. Khi nộp hồ sơ xin việc các bạn còn không biết cách viết CV, đơn xin việc... Vậy lỗi này do ai?

Sinh viên đã học một cách máy móc để có được tấm bằng hay những chứng chỉ đó, học để “trả bài”, qua loa đối phó, cốt được điểm cao và tốt nghiệp. Vậy lỗi do ai? Do chính bản thân sinh viên chứ không phải do nhà trường hay thầy cô nào cả.

Một điểm yếu khác mà đa số tân cử nhân đều thiếu là kỹ năng mềm. Những kỹ năng này rất khó để dạy và học mà phải do chính bản thân mỗi sinh viên tự rèn luyện mà có được.

Trường đại học là môi trường tốt nhất để sinh viên rèn luyện và trau dồi kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng quản lý công việc... thông qua các hoạt động Đoàn, Hội, công tác tình nguyện... Nhưng thay vì tham gia các hoạt động bổ ích này, sinh viên lại dành thời gian rảnh rỗi cho những cuộc vui chơi vô bổ mà tốn kém.

Bốn năm trên giảng đường, ngoài những kiến thức chuyên ngành mà thầy cô cung cấp, các bạn sinh viên còn có rất nhiều cơ hội tự trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết để làm hành trang cho chặng đường dài sau khi tốt nghiệp.

Nhưng hầu hết các bạn đều không tận dụng hết những cơ hội đó, để khi tất cả đã đi qua rồi có hối tiếc thì đã muộn. Ngoài ra, một công việc làm thêm sau giờ học không chỉ giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập mà còn là cách để các bạn va chạm, học hỏi thêm những kinh nghiệm từ cuộc sống, để khi tốt nghiệp các bạn sẽ thấy mình tự tin hơn, vững vàng hơn trước những thử thách của công việc.

 

Nguồn Link bài viết từ Báo Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/609477/cu-nhan-that-nghiep-dung-do-loi-cho-ai.html

 

K.T

Nguồn Báo Tuổi Trẻ