căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Chủ tịch Ủy ban Giám sát nói gì về những bất cập hiện nay của thị trường tài chính?

Những điểm gấp khúc trong dòng chảy của vốn giữa TTCK – NH – bảo hiểm rất dễ tạo ra những khe hở và bị một số đối tượng lợi dụng, gây những bất ổn hiện nay.

Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cho rằng, cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 – 2008, hệ thống tài chính Việt nam phát triển nhanh chóng, đóng góp hiệu qua vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, song hành với đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống tài chính.

Khi kinh tế vĩ mô bất ổn, hệ thống tài chính đã bộc lộ rủi ro, yếu kém như chất lượng tài sản giảm sút nghiêm trọng, nợ xấu và tài sản xấu tăng mạnh, mất niềm tin giữa các định chế tài chính và với doanh nghiệp, tình trạng căng thẳng thanh khoản của không ít TCTD,…dẫn đến những bất ổn hệ thống, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

 

Theo ông Ngoạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên việc mở rộng đầu tư dẫn tới nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế rất lớn. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ mở rộng trong một thời gian dài, cung tiền và tăng trưởng tín dụng hàng nẳm ở mức rất cao, với tốc độ trên dưới 30%/năm trong giai đoạn 2005 – 2010, thậm chí có năm tăng trưởng tín dụng và cung tiền trên 40%.

Chính sách tài khóa cũng đồng thời được nới lỏng với tăng cường chi tiêu công và đầu tư công, thâm hụt ngân sách ở mức khá cao trong thời gian dài. Bình quân thâm hụt ngân sách giai đoạn 2001 – 2010 ở mức 5,2% và giai đoạn 2005 – 2010 ở mức 5,5%.

Hệ quả là hình thành bong bóng tài sản, đặc biệt là giá cả bất động sản và chứng khoán tăng trưởng nóng; hiệu ứng thuận chu kỳ phát huy tác dụng làm trầm trọng hơn sự bất ổn và mất cân đối trong nền kinh tế.

Quy chế an toàn còn nhiều lỏng lẻo

Ông Ngoạn cho rằng, quy chuẩn an toàn đã bỏ ngỏ hiện tượng TCTD sử dụng vốn vay vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để đầu tư, cho vay các doanh nghiệp trong nền kinh tế; tỉ lệ tiền gửi và vay trên thị trường liên ngân hàng chiếm tới tới 22,20% tổng tài sản (2011); tại một số TCTD tỉ lệ này trên 40%.

Điều kiện cho vay dễ dãi cũng tạo tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng khẩu vị rủi ro, đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; đồng thời nới lỏng các hoạt động mang bản chất tín dụng như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tài sản có khác, mở rộng đối tượng cho vay có liên quan.

Điều kiện tăng vốn thiếu chặt chẽ tạo điều kiện cho hiện tượng sở hữu chéo, góp vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng; giữa ngân hàng với các định chế tài chính phi ngân hàng; giữa ngân hàng với các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến.

Đầu tư chéo và rủi ro chéo trong hệ thống tài chính cũng vì thế dần phát triển ngoài mức kiểm soát. Nở rộ nhiều loại hình giao dịch tài chính mang bản chất tín dụng không nằm trong phạm vi giám sát như giao dịch repos, cho vay ký quỹ chứng khoán (margin), hợp đồng hợp ác đầu tư, ủy thác đầu tư…

Tư duy chiến lược phát triển hệ thống chưa hợp lý

Điều kiện cấp phép dễ dàng và định hướng phát triển hệ thống tài chính chưa phù hợp đã mở đường cho các TCTD phát triển mạng lưới nhanh chóng, đồng loạt chuyển đổi hoạt động, thành lập mới ồ ạt công ty chứng khoán, quản lý quỹ.

Trong một thời gian ngắn, 12 ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị, một loạt các chi nhánh cấp 2 nâng cấp lên chi nhánh trực thuộc hội sở chính các NHTM.

Từ 2005 đến 2008, số lượng công ty chứng khoán tăng từ 14 lên 102 và công ty quản lý quỹ đầu từ từ 6 công ty lên 43 công ty.

Quy mô và năng lực hoạt động các đơn vị không đồng đều nhau; đơn cử chỉ 10 CTCK lớn nhất đã chiếm trên 50 % thị phần môi giới chứng khoán tại cả 2 sở giao dịch chứng khoán; 40 trên 47 công ty quản lý quỹ có mức vốn chủ sở hữu dưới 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, mô hình giám sát tài chính Việt Nam hiện nay phân tán theo chuyên ngành nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ và không có đầu mối mang tính tích hợp để giám sát toàn diện của thị trường tài chính, theo dõi được sự luân chuyển của dòng tiền, của các hoạt động đầu tư chéo, sở hữu chéo và các giao dịch ngân hàng ngầm.

Những điểm gấp khúc trong dòng chảy của vốn giữa các thị trường chứng khoán – ngân hàng – bảo hiểm rất dễ tạo ra những khe hở và bị một số đối tượng lợi dụng, góp phần gây những bất ổn hiện nay.

Khánh Linh

Theo TTVN