căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Châu Âu mộng du

Nếu “những kẻ mộng du” quan tâm đến đồng tiền chung và người dân, họ nên tỉnh giấc.

      
   
Bạn có thể bỏ lỡ sự kiện này, nhưng Liên minh châu Âu vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước. Các lãnh đạo cấp cao của châu Âu như Thủ tướng, Tổng thống và bộ trưởng tài chính các nước đã giành ra nửa ngày trời thảo luận về các vấn đề năng lượng và thuế. Những phiên họp căng thẳng bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi chỉ còn là chuyện trong quá khứ. 
 
Ngày nay, theo nhận định của các lãnh đạo châu Âu, cải cách đang được thực hiện sâu rộng trên khắp eurozone. Một số nước Nam Âu đang lấy lại được lợi thế cạnh tranh. Thị trường nợ chính phủ thôi dậy sóng. Và, giá cổ phiếu đã tăng khoảng 25% trong năm 2012. Không ai có thể giả đò rằng cuộc sống vẫn dễ chịu, người châu Âu hiểu rằng chờ đợi họ ở phía trước là những giờ lao động cực nhọc và nhiều hi sinh. Tuy nhiên, phần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã đi qua.
 
Đây là một câu chuyện khiến người ta yên lòng và rất nhiều người muốn tin vào câu chuyện ấy. Tuy nhiên, thật không may là ý tưởng cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất của châu Âu đã đi qua là một ảo tưởng nguy hiểm. Trên thực tế, dường như các lãnh đạo châu Âu đang bị “mộng du”. 
 
Nền kinh tế eurozone đã trải qua 6 quý suy giảm liên tiếp. Tình trạng bất ổn lan sang cả các nước vùng lõi như Phần Lan và Hà Lan (cả hai nước này đều suy giảm trong quý I). Doanh số bán lẻ sụt giảm. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục trên 12%. 1/4 dân số Tây Ban Nha thất nghiệp. Bất chấp những biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ. thâm hụt ngân sách cao và kéo dài dai dẳng. 
 
Tổng nợ của các chính phủ, hộ gia đình và công ty vẫn ở mức quá cao. Các ngân hàng thiếu vốn và các chủ nợ quốc tế cảm thấy bất an trước những khoản lỗ mà họ phải chịu đựng. Mặc dù lãi suất chính thức thấp, các công ty ở Nam Âu đang đối mặt với tình trạng khan hiếm tín dụng. Nền kinh tế hiện đang lâm vào cảnh hiểm nghèo trong khi triển vọng tăng trưởng gần như không có. Có thể eurozone sẽ không sụp đổ, nhưng sự bình tĩnh ở Brussels không phải là dấu hiệu của sự bình phục.
 
Các nhà lãnh đạo châu Âu nên tự bừng tỉnh và thoát khỏi cơn mộng mị. Họ phải hiểu rằng nếu như không hành động, eurozone sẽ đối mặt với trì trệ kéo dài và thậm chí là cảnh tan vỡ.
 
Sau nhiều năm khủng hoảng, danh sách các việc cần làm ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nhiệm vụ cấp thiết là phải tách rời mối quan hệ giữa ngân hàng và chính phủ. Đây cũng là mục tiêu của liên minh ngân hàng. Tuy nhiên, khi áp lực giảm xuống, liên minh này bị mắc kẹt vì mâu thuẫn lợi ích giữa các nước. Nước Mỹ đã hồi phục trước châu Âu, không chỉ bởi vì châu Âu đã quá hà khắc trong chính sách thắt lưng buộc bụng mà bởi người Mỹ rất nhanh gọn khi dọn sạch hệ thống ngân hàng. 
 
Thêm vào đó, eurozone cần những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn nữa. EU nên mở rộng ngành dịch vụ, theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Mỹ và nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng bằng cách giảm tốc độ cắt giảm ngân sách và sử dụng tiền mặt từ các nước vùng lõi eurozone để chi trả cho các chương trình có mục tiêu cải thiện thị trường việc làm và đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước ngoại vi. 
 
Rõ ràng là, lý do dẫn đến tình trạng hiện nay nằm ở chỗ thiếu hụt quyết tâm. Thiếu sót này có nguyên nhân chủ yếu từ tình trạng bất ổn chính trị với các cuộc bầu cử diễn ra liên tiếp. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là lý do khác. Trên khắp châu Âu, cử tri ngày càng chán ngán với không chỉ lãnh đạo trong nước mà với cả lãnh đạo của Liên minh châu Âu. 
 
Ở Pháp, Tổng thống François Hollande có tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp kỷ lục 24%.  Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Pew cho thấy tỷ lệ người Pháp ủng hộ EU đã giảm từ mức 60% của năm ngoái xuống chỉ còn 41%, thấp hơn cả ở Anh – quốc gia luôn tỏ thái độ chống eurozone gay gắt. Italia chìm sâu trong khủng hoảng và còn đang ở trong cơn bão bất ổn chính trị. Tuy nhiên, 70% công dân Hy Lạp – đất nước bị thiệt hại nặng nề nhất trong khủng hoảng -  lại ủng hộ đồng euro. Trong vài năm qua, các cử tri Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan đều ủng hộ lựa chọn ủng hộ ở lại eurozone. 
 
Đây chính là công thức hoàn hảo cho tình trạng chây ì. Một mặt, các cử tri muốn ở lại eurozone. Mặt khác, họ không ủng hộ những cải cách cần thiết để có thể kéo eurozone ra khỏi khủng hoảng. 
Thị trường trái phiếu sẽ buộc các chính trị gia phải đối mặt với mâu thuẫn này. Tuy nhiên, dường như thị trường tài chính đã bị “gây mê” kể từ khi Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi hứa hẹn sẽ “làm bất cứ điều gì có thể” để bảo vệ eurozone. 
 
Ông Draghi đã đúng khi mua thêm thời gian cho eurozone. Vấn đề ở đây là các chính trị gia đang phung phí cơ hội để cải cách. Những kẻ lạc quan cho rằng mọi thứ sẽ tốt sau cuộc bầu cử ở Đức (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới), khi các lãnh đạo rõ ràng hơn về đường lối cải cách eurozone. Tuy nhiên, người Đức vẫn lương lự không muốn đóng vai người lãnh đạo hoặc không muốn trả tiền để phần còn lại của châu Âu lún sâu hơn vào rắc rối. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Pháp và Đức (vốn là trung tâm của cuộc cách mạng ở châu Âu) đang dần lụi tắt. 
 
Và, chuyện gì sẽ xảy ra nếu các lãnh đạo eurozone sẩy chân? Giống như Nhật Bản, châu Âu sẽ chìm trong bóng tối trong những năm tới. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là eurozone không phải là một khối gắn kết và đang ngày càng rệu rã. Nếu “những kẻ mộng du” quan tâm đến đồng tiền chung và người dân, họ nên tỉnh giấc. 
 
Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist