căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Bức tranh kinh tế 2013 không mấy sáng sủa

Bức tranh kinh tế quý I và dự báo cả năm 2013 được đánh giá vô cùng ảm đạm; trong khi số liệu thống kê khiến các chuyên gia kinh tế giật mình và đầy vẻ nghi ngờ…

Quang cảnh Hội thảo Kinh tế

Việt Nam 2013.

Đó là tâm trạng chung của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2013 và những

thách thức do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng nay (24/4), tại Hà Nội.

GDP sẽ thấp hơn 2012

Bức tranh kinh tế 2013 được vẽ ra không mấy sáng sủa, theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính: tăng trưởng GDP 2013 chỉ tương đương 2012 là 5% hoặc thấp hơn. Nút thắt của nền kinh tế không có gì mới chính là nợ xấu, hàng tồn kho, trì trệ sản xuất trong khi nguy cơ lạm phát thường trực dù sức cầu đang quá yếu và gần như cạn kiệt.

Trong khi đó, tình hình xuất nhập khẩu được dự báo sẽ không có nhiều biến động và tương đương mức 2012. Trong khi CPI được dự báo thấp hơn 2012 nhưng nguy cơ lạm phát và cả giảm phát là như nhau và rất khó dự báo khi những số liệu về chỉ số này được Tổng cục Thống kê thông báo hàng tháng đều khiến nhiều người hoài nghi về độ tin cậy.

 

Các chuyên gia kinh tế rất nghi ngại về số liệu thống kê dự báo...

Đặc biệt, theo TS Tuyến, thu NSNN 2013 được dự báo vô cùng khó khăn khi hết quý 1 mới đạt 20,6% dự toán, do đó hết năm tài khóa nếu thu NSNN đạt dự toán đã được coi là sự thành công vượt bậc của ngành Thuế. Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sự ổn định nền kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức: nếu tăng đầu tư công thì kéo theo nợ công; trong khi điều chỉnh chính sách tài khóa thì độ trễ chính sách và tác dụng của nó thì nhiều người không dám dự báo…

Hàng tồn, sức mua cạn kiệt

Đi sâu phân tích các trọng số thành phần của nền kinh tế, các chuyên gia cảnh báo bức tranh kinh tế Việt Nam rất ảm đạm nhưng vô cùng khó dự báo do số liệu thống kê của ta quá "tù mù" và thiếu độ tin cậy. Đơn cử chỉ số CPI 2 đầu cầu kinh tế Hà Nội và TP.HCM đã được công bố lần lượt là 0,15% và 0,33%. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội: trong cấu thành CPI tháng 4/2013 nói rằng chỉ số hàng thực phẩm và tiêu dùng giảm khiến nhiều người không mấy tin tưởng.

 

Ông Vũ Minh Phú: vỉ trứng 40.000 đồng phải gánh tới 4.000 đồng (10% thuế VAT) là bất hợp lý...

Dẫn chứng ngay thực tế, ngay bát phở ăn sáng đã lên tới 50.000 đồng (phở Thìn Hà Nội), giá rửa xe máy lên 20.000 đồng… mà nói chỉ số giá giảm thì ắt hẳn không mấy thuyết phục. Trong khi đó tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao, sức mua giảm dần rất đáng báo động. Cụ thể, trung bình giá giỏ hàng siêu thị tại Hà Nội đã giảm từ 300.000 đồng xuống còn 270.000 đồng, trong đó 60% chi cho lương thực thay vì 45% như trước kia. Có thể nói, khi kinh tế khó khăn, lạm phát cao thì người dân thắt hầu bao và chi nhiều hơn cho cái dạ dày, dù thực tế cuộc sống của họ lại đang… đi xuống.

Và để dễ hình dung con số hàng tồn kho lớn ra sao, TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính phân tích: lượng hàng tồn kho từ tháng 7/2012 đến tháng 2/2013 đã tăng vọt từ 69% lên 93%, trong khi tỷ lệ an toàn cho chỉ số này là khoảng 65%. Hiểu nôm na, sản xuất ra 100 chiếc áo, chỉ bán được 7 chiếc, còn lại 93 chiếc đang… ế. Chính vì hàng hóa không bán được khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thương mại bị ảnh hưởng, ngân sách bị thất thu… cái vòng luẩn quẩn của nền kinh tế đang khiến nhiều người lo ngại.

 Nam Phương

Theo eFinance