căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

8 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế châu Á quý III/2013 - "Liều thuốc đắng dành cho nền kinh tế châu Á".

      
   

World Bank: Lạm phát Việt Nam cuối năm có thể tới 8,2%

Ngân hàng thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm.

Đại diện WB, ông Deepak Mishra cho rằng, việc tăng lương tối thiểu, cùng với việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện,... sẽ là những yếu tố chính đẩy lạm phát năm 2013 tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của chính phủ.

Tuy nhiên, ông Deepak nhận định, duy trì mức lạm phát một con số vẫn có thể coi là thành công của chính phủ.

Cùng với lạm phát, bản báo cáo không cho thấy kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn. WB nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng hơn 5% trong ít nhất là 2 năm tới. Đây là giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi đất nước ta bắt đầu đổi mới. Một điểm đáng chú ý là quá trình này diễn ra ngay cả sau khi nền kinh tế thế giới đã bước ra khỏi khủng hoảng và đang ấm dần lên.

Ngân hàng thế giới cảnh báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không đổi so với năm 2012, khoảng 5,3%. Trong khi đó, lạm phát có thể tăng tới 8,2% vào thời điểm cuối năm.

HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,1% trong quý III/2013

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế châu Á quý III/2013 - "Liều thuốc đắng dành cho nền kinh tế châu Á".

Theo báo cáo này, HSBC cho rằng, nhu cầu trong nước yếu mà nguyên nhân chính được cho là do hệ thống ngân hàng bị đóng băng tiếp tục giáng những đòn nặng nề vào hoạt động kinh tế.

Các chỉ số tăng trưởng chính, bao gồm chỉ số PMI ngành sản xuất của ngân hàng HSBC, chỉ số giá tiêu dùng CPI, những số liệu thương mại đều phản ảnh tình hình trong nước phát triển chậm chạp. Tăng trưởng GDP quý II/2013 đạt 5% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 4,8% trong quý I/2013.

"Trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng nhẹ đạt mức 5,1% từ mức 5% trong năm 2012.

HSC dự báo giá xăng có khả năng tăng 1,45%

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giảm xuống chỉ còn 55 tỷ đồng từ 756 tỷ đồng tại ngày 30/6/2013, và đây là mức rất thấp. Trong khi đó, tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường của Việt Nam là khoảng 1 tỷ lít/tháng.

Trong bản tin chứng khoán ngày 10/7 của công ty chứng khoán TPHCM (HSC), các chuyên gia của công ty này cho rằng, quỹ bình ổn chỉ có thể đủ trợ giá tối đa 55đ/lít để giảm lỗ cho các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu trong tháng tới. Thêm vào đó, tiền từ quỹ bình ổn rõ ràng là không đủ bù lỗ cho các đơn vị đầu mối.

Theo HSC, giá bán buôn Platt bình quân động 30 ngày tại Singapore gần đây cao hơn 1,14-1,95% so với giá trong nước. Theo giá này, các doanh nghiệp đầu mối lỗ từ 439-480 đồng/lít đối với xăng A92 và 366-395 đồng/lít đối với dầu DO.

Thu nhập vãng lai từ 2 triệu phải khấu trừ 10% thuế TNCN

Theo Văn bản số 8817/BTC-TCT của Bộ Tài chính vừa gửi Cục Thuế các địa phương về việc triển khai luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN).

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, thực hiện khấu trừ theo tỷ lệ thống nhất là 10% đối với thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên/lần trả thu nhập.

TP. HCM đăng ký thất nghiệp giảm 8%

Theo số liệu do Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết vào ngày 11-7.

Sáu tháng đầu năm 2013, trên địa bàn TP có trên 63.750 người đăng ký thất nghiệp, trong đó có khoảng 56.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TP.HCM, số còn lại chuyển hưởng chế độ về các tỉnh.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm, phân tích số hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng “hạ nhiệt” một phần là do các doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng, duy trì sản xuất, kinh doanh nên vẫn sử dụng lao động có tay nghề, cơ cấu lại tổ chức.

TPHCM phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2013 từ 9,5%

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng mặc dù tình hình chung của năm 2013 còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự lãnh đạo tập trung, sâu sát và linh hoạt của lãnh đạo và các cấp chính quyền Thành phố, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn đã đạt những kết quả tích cực, khá toàn diện, tạo được niềm tin cho nhân dân Thành phố.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố ổn định và tăng đều qua các quý (quý I tăng 7,6% và quý II tăng 8,1%), GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,9%, cả nước là 4,9%. Các biện pháp bình ổn giá cả các mặt hàng chủ yếu, kiểm soát đầu cơ đã góp phần tích cực kiểm soát giá cả, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,78% so với cuối năm 2012.

Kiểm toán Nhà nước xử lý tài chính 83 tỷ đồng

Sáng ngày (11/7), Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm. Trong đó, toàn ngành đã triển khai được quá nửa kế hoạch kiểm toán, xử lý tài chính được hơn 80 tỷ đồng.

Cụ thể, ngành đã triển khai 75 cuộc kiểm toán, phát hành 5 báo cáo kiểm toán với xử lý tài chính hơn 83 tỷ đồng.

Tại hội nghị, song song với việc thực hiện các kế hoạch kiểm toán, các đơn vị đang tích cực đào tạo nhân sự, kiện toàn quy trình đáp ứng yêu cầu của các loại hình kiểm toán mới cũng như các chuẩn mực cao của hội nhập.

Xuất khẩu dệt may có thể đạt 19,5 tỷ USD

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thị trường xuất khẩu hàng dệt may đang có tín hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động hơn. Đây là yếu tố tích cực khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt 19,5 tỷ USD trong năm nay. Hiện tại Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 3,94 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Vinatex, hai quý đầu năm nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công Vân

Theo Trí Thức Trẻ