căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Phương pháp học đại học của sinh viên ở nước ngoài

 

ĐÔI ĐIỀU VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC ĐẠI HỌC CỦA SINH VIÊN Ở NƯỚC NGOÀI

 

Nguyễn Cửu Hương Giang, csv khóa 19

     Năm 2013, cũng như bao học sinh THPT khác ở Việt Nam, tôi cũng đăng ký và dự thi đại học. Khi làm hồ sơ dự thi, rất nhiều người trong gia đình và người quen đều phản đối khi tôi chỉ dành nguyện vọng 1 của cả hai khối thi cho trường ĐHDL Văn Lang mà không chọn một trường công lập nào đó. Và họ đã rất tiếc cho tôi khi điểm thi của tôi hoàn toàn đủ để vào trường đại học Kinh tế - Luật hay trường đại học Tài chính – Marketing, nơi tôi đăng ký thi nhờ. Nhưng với tôi, đó là một lựa chọn đúng đắn. Tôi tin vào chất lượng đào tạo của Văn Lang đã được phản ánh qua các khóa anh chị đi trước mà tôi từng quen biết, tôi yêu Văn Lang cũng như khoa Kế toán – Kiểm toán từ khi còn bé xíu vì mẹ tôi làm việc tại đây.

  
   
 Nguyễn Cửu Hương Giang csv khóa 19
Hình ảnh: chụp tại trường đại học ứng dụng Mikkeli (MAMK) Phần Lan 
 

     Năm 2014, cơ hội mới đến với tôi khi tôi dự thi và trúng tuyển vào trường đại học khoa học ứng dụng Mikkeli (MAMK) tại Phần Lan. Tôi được học 4 năm đại học mà không phải tốn tiền học phí nên tôi đã tận dụng cơ hội này. Sau gần hai học kỳ ở môi trường mới này, tôi được trải nghiệm những phương pháp học tập mới so với khi còn ở Việt Nam. Và tôi mong muốn được chia sẻ những điều này với các thầy cô và bạn bè Văn Lang của tôi.

     Điều đầu tiên, đó là Moodle được ứng dụng tối đa vào các môn học. Không chỉ ở trường tôi mà ở các trường đại học khác, tất cả các môn đều học qua Moodle. Tất cả mọi thông báo, bài giảng, bài tập về nhà đều được giảng viên đưa lên trang Moodle của môn học và việc nộp báo cáo môn học (report, assignment) cũng qua Moodle chứ không cần phải in và nộp bản giấy. Ở khoa KTKT trường ĐH Văn Lang, mặc dù Moodle đã được đưa vào sử dụng nhưng chỉ ở 3 môn học là vẫn còn quá ít. Tôi có lợi thế hơn các bạn Việt Nam khác là đã từng được học qua Moodle ở trường Văn Lang, nên tôi không phải vất vả lắm trong việc sử dụng Moodle, biết cách nhận yêu cầu của giảng viên và thực hiện các bài tập đúng tiến độ. Và với việc học qua Moodle, tôi nhận thấy, sinh viên chủ động hơn rất nhiều trong học tập.

     Điểm khác biệt thứ hai là về cách học và thi của những môn tự nhiên. Ở học kỳ một, tôi được học các môn tự nhiên như Toán, Lý , Hóa kỹ thuật cơ bản và Xác suất thống kê. Điều làm tôi ngạc nhiên là tôi được học Toán và Xác suất thống kê hoàn toàn ở phòng máy tính. Tại đây, ngoài cách tính toán thông thường bằng tay như ở Việt Nam, chúng tôi còn được học thêm cách sử dụng hàm trên Excel để xử lý vấn đề khi ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, chúng tôi còn phải làm báo cáo về cách xử lý vấn đề, kết quả xử lý và đưa ra nhận xét vấn đề trong môn này. Đây là phương pháp học mà chưa sinh viên nào ở Việt Nam được trải nghiệm. Với phương pháp này, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ mục tiêu cũng như ứng dụng của môn học trong chương trình học và trong thực tiễn như thế nào, do vậy, chúng tôi học tập với một tâm thế sẵn sàng đón nhận. Mặc dù, tôi cũng đã học hai môn học này ở đại học Việt Nam, nhưng theo tôi thấy, hầu hết sinh viên Việt Nam, đặc biệt là ngành kinh tế, đều rất mơ hồ về tính cần thiết của các hai môn học này. Vì vậy, họ không có động lực để học tập nên thường học rất uể oải học với tâm lý học cho qua. Còn đối với môn Tin học đại cương (Computational skills), nội dung học trên lớp càng cực kỳ đơn giản; đối với MS-Word, giảng viên chỉ hướng dẫn cách thức trình bày văn bản, đối với MS-Excel, chúng tôi chỉ học hàm Sum và Average. Có lẽ bạn sẽ nghĩ, sao chúng tôi học nhẹ nhàng thế! Bạn lầm rồi nhé, việc học sử dụng phần mềm là chúng tôi phải tự học, giảng viên chỉ hướng dẫn cách học, nên những nội dung giảng viên hướng dẫn trên lớp chỉ là minh họa thôi. Ví dụ, chúng tôi phải tự học cách sử dụng MS-Word sao cho có thể trình bày được các báo cáo môn học theo chuẩn văn bản; hoặc phải tự học sử dụng các hàm trong MS-Excel thông qua cú pháp của hai hàm mà giảng viên đã hướng dẫn. Một điều khác biệt trong quan điểm dạy học ở đây là giảng viên không bao giờ yêu cầu chúng tôi phải học thuộc lòng, kể cả công thức. Khi thi, chúng tôi được tham khảo tài liệu, thậm chí được phát hẳn một tờ giấy ghi đầy đủ các công thức đã học để làm bài viết. Ngoài ra, chúng tôi có quyền chọn trình bày bài thi của mình qua Excel hoặc trên giấy.

     Phương pháp làm việc nhóm, viết báo cáo và thuyết trình là những phương pháp rèn luyện kỹ năng không thể thiếu khi học tập tại môi trường nước ngoài. Tất cả các môn chúng tôi đều phải làm theo nhóm (từ 2-3 người), phải viết báo cáo (report, assignment) và thuyết trình theo nhóm. Mặc dù ở Việt Nam, các kỹ năng này hiện nay đã được giảng viên chú trọng nhiều hơn nhưng thực sự vẫn chưa hiệu quả. Bởi vì, cách đánh giá của giảng viên vẫn chưa thực sự công bằng khi điểm là điểm chung cho nhóm, trong khi thực tế thì trong một nhóm sẽ có người làm nhiều, người làm ít việc hơn, hoặc thậm chí là đùn đẩy cho một người làm hết tất cả, nhưng khi ghi tên người thực hiện thì phải ghi cả nhóm để khỏi mất lòng bạn bè. Tương tự như vậy, thuyết trình thực sự là một nỗi sợ cho sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam rất e ngại khi phải đứng trước lớp thuyết trình, thậm chí là đứng lên phát biểu, vì thế thông thường người học khá nhất nhóm sẽ được phân công lên thuyết trình. Còn kỹ năng viết thì sinh viên Việt Nam hoàn toàn thiếu cơ hội để rèn luyện. Ở MAMK, tất cả các môn học, chúng tôi đều làm việc nhóm, được yêu cầu phải viết báo cáo cho các phần việc chính, ngoài các bài kiểm tra và thi cuối kỳ. Tuy nhiên, do ý thức sinh viên cao nên chỉ những người thực sự có làm việc mới được ghi tên vào báo cáo. Tương tự như vậy, trong một môn học có nhiều lần thuyết trình và chỉ có người thuyết trình mới được tính điểm, do đó, các thành viên trong nhóm bắt buộc phải tham gia thảo luận và lên thuyết trình nếu muốn được ghi điểm. Vì thế, chắc chắn một điều rằng, nếu bạn không chăm chỉ học tập thì chỉ sau 2,3 môn học, sẽ không ai muốn chung nhóm học tập với bạn! Và đây cũng là quyền tự do của sinh viên mà không giảng viên nào muốn can thiệp! Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến sự khác nhau rất lớn là ở đây, lớp chúng tôi chỉ có 30-35 sinh viên, so với lớp có 100-150 sinh viên ở Việt Nam. Hơn nữa, ở đây, chúng tôi được học môn Kỹ năng giao tiếp (Oral and written communication) để hỗ trợ cho việc rèn luyện kỹ năng viết và thuyết trình.

     Điểm khác biệt cuối cùng chính là tinh thần tự giác và chủ động của sinh viên. Ở đây không có lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm theo dõi và nhắc nhở sinh viên từng việc cần phải làm mà mỗi sinh viên đều phải chủ động trong việc học tập cũng như sinh hoạt của mình. Bạn phải tự thường xuyên check mail và đăng nhập Moodle hằng ngày để theo dõi thông báo của giảng viên. Một số sinh viên Việt Nam khi mới sang Phần Lan, do đã quen với việc được nhắc nhở từng ly từng tí như khi ở nhà nên rất chủ quan không theo dõi email, dẫn tới việc bỏ lỡ nhiều thông báo như thay đổi phòng học, giờ học, thời khóa biểu, lịch thi, thời hạn nộp bài,… Trong 1,2 tuần đầu, chúng tôi còn được nhắc nhở nếu lỡ quên check mail, nhưng từ tuần thứ 3 thì sẽ không còn ai nhắc nhở nữa nếu bạn không thay đổi! Ngoài ra, chủ động trong học tập cũng là một đặc điểm của sinh viên nước ngoài. Họ có thể thoải mái trao đổi với giảng viên và sẽ hỏi nếu như không hiểu bài mà không cảm thấy ngại ngùng hay xấu hổ. Đây cũng là hạn chế lớn của sinh viên Việt Nam, thường hay ngại ngùng khi hỏi giảng viên mà chỉ muốn hỏi bạn bè. Trên lớp, cũng thường xảy ra những điều gây khó khăn cho sinh viên trong việc tiếp thu bài như phát âm của giảng viên bản xứ khi nói tiếng Anh, phương pháp giảng cũng không thu hút,… Do vậy, nếu e ngại trong việc trao đổi với giảng viên, sinh viên sẽ không thể hiểu được bài học mà bạn bè không thể luôn giúp bạn. Kể cả việc chia nhóm học tập, khi sĩ số lớp là số lẻ, nếu bạn thụ động ngồi một chỗ, bạn có thể phải làm một mình hoặc làm chủ đề mình không mong muốn. Giảng viên cũng rất khuyến khích sinh viên nói lên ý kiến của mình trong mọi vấn đề học tập, kể cả về lịch thi. Thay vì do văn phòng khoa sắp xếp, giảng viên sẽ đề nghị tuần thi và chúng tôi sẽ là người chọn ngày thi, hay cả việc có một hay hai bài kiểm tra, chúng tôi cũng có quyền lựa chọn. Nhưng bạn đừng vội vàng chọn ít bài kiểm tra cho “sướng” nhé, vì nó đồng nghĩa với việc bạn có ít cơ hội để ghi điểm!

     Chẳng những phải chủ động trong học tập, mà chúng tôi còn phải sắp xếp và quản lý thời gian cho sinh hoạt cá nhân, kể cả giặt quần áo. Nghe có vẻ buồn cười phải không, nhưng đó là điều mà tôi buộc phải hòa nhập và tập làm quen đầu tiên khi bước vào ký túc xá, trước khi nhập học. Do ở đây, khí hậu quanh năm mát, lạnh nên quần áo phải giặt và sấy bằng máy chứ không phơi như khi ở nhà nên chúng tôi phải tự đăng ký lịch giặt trong tuần trên bảng. Nếu bạn đăng ký mà không giặt thì có nghĩa cả tuần đó bạn sẽ không được giặt đồ, vì cả ký túc xá chỉ có một phòng với 2 máy giặt duy nhất mà thôi! Trong giờ giặt của bạn, bạn cũng phải theo dõi thời gian kết thúc để kịp lấy đồ của mình ra, nếu không thì người đến lượt giặt sau có quyền “quăng” đồ của bạn ra ngoài vì đã đến giờ giặt họ! Chính vì vậy mà sinh viên chúng tôi, trong từng việc nhỏ, đều phải rèn luyện tính kỷ luật và tổ chức, quản lý bản thân.

     Cho đến bây giờ, có lẽ tôi may mắn hơn các bạn sinh viên ở Việt Nam là tôi được học ở đất nước được đánh giá có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, là nơi đáng sống thứ hai thế giới. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi cho rằng, cho dù ở đâu, nếu bạn có thái độ và phương pháp học tập tích cực, và dĩ nhiên, nếu thầy cô giáo cũng có phương pháp giảng dạy tích cực, thì kết quả cũng vẫn sẽ tạo ra những sinh viên có đầy đủ kiến thức và kỹ năng mà xã hội yêu cầu. Trước đây, tôi đã từng rất ngưỡng mộ anh Sỹ Hà, cựu sinh viên khóa 13, vì anh học rất giỏi mà vẫn dành được thời gian hoạt động phong trào rất tốt (tôi đã từng được tham gia và rất thích những hoạt động mà anh tổ chức). Tôi cũng từng được nghe về nhiều anh chị khoa KTKT thành đạt. Tôi đã từng mơ ngày nào đó được như các anh chị! Và tôi đã cố gắng, cố gắng, cho đến khi cố gắng của tôi được đền đáp. Vì vậy, bạn đừng vội hờ hững cho rằng mình ở Việt Nam thì sẽ không có cơ hội thành công và cứ thế buông trôi! Bạn hãy luôn cố gắng và có mục tiêu phấn đấu thì nỗ lực của bạn sẽ không uổng phí!