căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Lợi thế tương đối và vốn con người trong bối cảnh toàn cầu hóa

 

 

LỢI THẾ TƯƠNG ĐỐI VÀ VỐN CON NGƯỜI TRONG BỐI CẢNH TOÁN CẦU HÓA

 

Lê Thị Phương Loan[1] và Ths. Bùi Chí Bình[2]

 

Tóm tắt: Bài viết mô tả lợi thế tương đối được sử dụng để phân công lao động quốc tế trong toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay. Mục đích của sự mô tả là đánh giá tầm quan trọng của việc tích lũy vốn con người ở các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu như thế. Trên cơ sở đó, bài viết cho rằng ở các nước đang phát triển, tích lũy nhiều vốn con người ngày càng kém quan trọng về mặt kinh tế (nếu không tác động đến một số biến số khác trong nền kinh tế). Từ đó, bài viết phân tích ý nghĩa của nó đối với giáo dục đại học ở một nước đang phát triển như Việt Nam. Bài viết làm nỗi bật các mối quan hệ giữa kinh tế và giáo dục, và thông qua đó, nêu lên một số ý tưởng thách thức đối với giáo dục đại học Việt Nam trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Từ khóa: Lợi thế tương đối, toàn cầu hóa, vốn con người, giáo dục, thâm dụng vốn, thâm dụng lao động

 

The relative advantage and human capital in the globalization context

Abstract: This article describes the relative advantage used for the international distribution of labor in the current economic globalization. The purpose of the description is to evaluate the importance of human capital accumulation in developing countries in this global context. Predicated on this, the article posits that the accumulation of human capital is of decreasing importance to developing countries (without exerting influence on other relevant variables in the economy). Then, this treatise analyzes the implications which the decreasing importance of human capital accumulation has for higher education in such a developing country as Vietnam. The treatise highlights the interrelation between economy and education, through which it presents some ideas to challenge Vietnamese higher education in supplying human resources for the labor market.

Key words: relative advantage, globalization, human capital, education, capital-intensive, labor-intensive

 

1. Giới thiệu

Trên một diễn đàn cách đây không lâu, chuyên gia kinh tế Bùi Văn ví von (được Lê Huyền, 2012, trích dẫn) rằng tài sản mà thế hệ tác giả để lại cho thế hệ trẻ sau này là sự học, khi mà tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đã cạn kiệt. Điều này đặc biệt được phản ánh trong các chính sách của các quốc gia đang phát triển. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa (globalization), các quốc gia có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, thì sự học để tích lũy vốn con người (human capital) quan trọng đến đâu và tầm quan trọng đó tác động như thế nào đối với nguồn nhân lực của một nước đang phát triển. Bài viết tập trung trả lời hai ý này.

So sánh của của Thomas Friedman được Bùi Văn (2006) trích dẫn dưới đây cho thấy vốn con người thể hiện qua trọng lượng và giá trị như thế nào.

Nhà sản xuất

Tên hàng hóa

Trọng lượng (kg)

Thành tiền (USD)

Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam

Than đá

5.000,00

500,00

Nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long

Gạo

2.000,00

500,00

Trung Quốc

Xe gắn máy

   100,00

500,00

Hãng Sony

Tivi

     10,00

500,00

Hãng Nokia

ĐTDĐ

          0,10

500,00

Hãng Intel

Vi mạch

            0,01

500,00

Hãng Microsoft

Phần mềm

       0,00

500,00

Bảng 1. Mối quan hệ giữa vốn con người, giá trị, và trọng lượng hàng hóa

Từ bảng so sánh trên, chúng ta thấy rằng trọng lượng của hàng hóa không đi liền với giá trị của hàng hóa, mà vốn con người được kết tinh trong hàng hóa đó mới đi liền với giá trị của nó. Ngoài ra, bảng so sánh trên cũng cho thấy hàng hóa sử dụng nhiều lao động xuất phát từ các quốc gia đang phát triển trong khi hàng hóa sử dụng nhiều vốn con người xuất phát từ các quốc gia đã phát triển. Điều này liên quan đến một khái niệm trong kinh tế học đó là lợi thế tương đối hay lợi thế so sánh (comparative advantage) được sử dụng trong phân công lao động quốc tế. Trong bài viết này, các tác giả phân tích lợi thế tương đối của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong bối cảnh như vậy. Qua đó, các tác giả nhấn mạnh rằng nếu dựa vào lợi thế tương đối của một nền kinh tế đang phát triển thì, giáo dục bậc cao như đại học ngày càng kém quan trọng khi nâng cao lợi thế cạnh tranh là một tất yếu. Từ phân tích đó, các tác giả giải thích ý nghĩa của nó đối với giáo dục bậc cao trong mối quan hệ với thị trường lao động ở Việt Nam nói riêng và ở các quốc gia đang phát triển nói chung. Đây là cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực trong ngắn cũng như dài hạn. Nhằm đánh giá tầm quan trọng của vốn con người và tác động của nó đến việc phát triển nguồn nhân lực một cách rõ ràng và đơn giản (vì thực tế vô cùng phức tạp), bài viết sử dụng phương pháp mô phỏng nhỏ (micro-simulation).

 

2. Lợi thế tương đối và vốn con người trong toàn cầu hóa

Một người làm nhiều việc có thể được cho là người tháo vát và giỏi giang. Nhưng theo nguyên lý của kinh tế học, nhiều việc được làm bởi một người chưa chắc là tối ưu dù họ làm những việc này nhanh hơn người khác. Chi phí cơ hội (opportunity cost) ở mỗi việc cho ta biết lợi thế tương đối là yếu tố quyết định xem ai nên làm việc nào. Điều này cũng hoàn toàn được áp dụng cho các nền kinh tế.

Lợi thế tuyệt đối là lợi thế mà nền kinh tế A có được so với nền kinh tế B khi nền kinh tế A bỏ ra ít thời gian hơn nền kinh tế B để sản xuất một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó. Nhưng để đạt hiệu quả tối ưu về kinh tế, nền kinh tế A chỉ sản xuất hàng hóa hay dịch vụ nếu nền kinh tế A có lợi thế tương đối hơn nền kinh tế B, tức chi phí cơ hội của nền kinh tế A nhỏ hơn chi phí cơ hội của  nền kinh tế B cho việc sản xuất hàng hóa hay dịch vụ đó. Để đơn giản hóa, chúng ta xem bảng mô phỏng dưới đây[3].

 

Lựa chọn sản xuất

Nền kinh tế

1 áo sơ mi

1 laptop

Đài Loan

20 phút

10 phút

Việt Nam

30 phút

30 phút

Bảng 2. Chi phí cơ hội để tính lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối

Từ các thông tin trên Bảng 2, ta thấy rằng Đài Loan có lợi thế tuyệt đối hơn Việt Nam ở cả hai lựa chọn sản xuất. Tuy nhiên nếu tính đến chi phí cơ hội để sản xuất mỗi hàng hóa thì Đài Loan không nên sản xuất áo sơ mi vì chi phí cơ hội mà Đài Loan phải chịu khi sản xuất hàng hóa này là 2 (20/10), trong khi nếu Việt Nam sản xuất áo sơ mi thì chi phí cơ hội của Việt Nam khi sản xuất hàng hóa này chỉ là 1 (3/3). Đài Loan nên sản xuất laptop (chi phí cơ hội là 0,5) và Việt Nam nên sản xuất gạo (chi phí cơ hội là 1) để tạo ra nhiều sản phẩm nhất. Giả sử Đài Loan và Việt Nam tập trung sản xuất loại hàng hóa thuộc lợi thế tương đối của mình trong 60 phút, tổng sản phẩm mà hai nền kinh tế tạo ra sẽ là 8 (6 laptop + 2 áo sơ mi). Nếu mỗi nền kinh tế sản xuất cả hai hàng hóa, tổng sản phẩm tối đa chỉ được 7 (2 áo sơ mi: 1 do Đài Loan sản xuất và 1 do Việt Nam sản xuất + 5 laptop: 4 do Đài Loan sản xuất và 1 do Việt Nam sản xuất).

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của kinh tế học là khi hai cá nhân, tổ chức, hay quốc gia có chi phí cơ hội khác nhau ở từng lĩnh vực sản xuất khác nhau, thì họ có thể làm tăng tổng giá trị của hàng hóa và dịch vụ bằng cách chuyên môn hóa sản xuất và trao đổi các hàng hóa và dịch vụ đó với nhau. Điều này có lợi cho hai bên hơn là mỗi bên tự sản xuất và tự tiêu thụ. Thực ra, lợi thế tương đối đã từng được nhà kinh tế học cổ điển là Adam Smith gợi ý cho các hộ gia đình và sau đó khái niệm này được David Ricardo (xem Scheider, 2007) mở rộng cho các nền kinh tế liên quan đến chuyên môn hóa và thương mại. Hiện nay, thương mại quốc tế đang diễn ra theo hướng này, vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nó liên quan đến hiệu quả sử dụng nguồn lực trong sản xuất của một quốc gia. Thứ hai, thương mại quốc tế, như mô phỏng trên chỉ ra, là góp phần cho tăng trưởng trên toàn toàn cầu (hơn là tự sản xuất và tự tiêu thụ trong nước). Sự ra đời của WTO và GATT (sau này là GATS) vào 1995 chính là những lực lượng thúc đẩy tự do hóa thương mại. Dù mang lại cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, thương mại quốc tế dưới sự thúc đẩy của các lực lượng này làm quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

Trong thời đại thông tin, chúng ta có thể tìm thấy hàng nghìn, hàng chục nghìn, và thậm chí hàng trăm nghìn ấn phẩm có định nghĩa về toàn cầu hóa. Khi nói đến khái niệm này, thường các học giả chỉ ra một quá trình mà ở đó các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, v.v. Theo Little và Green (2009, tr. 167), đây là sự dịch chuyển qua biên giới của ‘hàng hóa, dịch vụ, vốn, con người, và ý tưởng’. Goldberg và Pavcnik (2007) cho rằng toàn cầu hóa là một khái niệm chứa nhiều nội hàm. Về mặt kinh tế, toàn cầu hóa thường được hiểu theo kiểu tân tự do (neoliberal) đó là tự do hóa thương mại, tức xóa bỏ hàng rào thuế quan. Lý thuyết về toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tân tự do dựa trên mô hình của Heckscher-Ohlin (xem Leamer, 1995; Goldberg và Pavcnik, ibid.). Mô hình này về cơ bản liên quan đến việc phát huy lợi thế tương đối để phân công lao động giữa các quốc gia. Theo đó, các quốc gia đã phát triển dồi dào về tư bản hay vốn (capital) nên tập trung sản xuất hàng hóa thâm dụng vốn (capital-intensive) trong khi các quốc gia đang phát triển dồi dào về lao động tập trung sản xuất hàng hóa thâm dụng lao động (labor-intensive). Kinh tế trên toàn cầu nhờ vậy mà tăng trưởng.

Lý luận dựa trên mô hình Heckscher-Ohlin chỉ ra rằng các nước phát triển có sự dồi dào về lao động tay nghề cao nên sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như thiết bị điện tử, phần mềm, v.v. Ngược lại, các nước đang phát triển có sự dồi dào về lao động có tay nghề thấp nên sản xuất các mặt hàng đơn giản như giày da, quần áo, hàng nông sản, v.v. Tuy nhiên, quyết định mỗi quốc gia cần sản xuất những hàng hóa dịch vụ nào thường kèm theo sự đánh đổi nhất định . Sự đánh đổi này đôi khi tạo ra một nghịch lý mà các chính sách ở các quốc gia đang phát triển khó giải quyết rốt ráo. Dưới đây, chúng ta sẽ phân tích các đặc điểm của một quốc gia đang phát triển để biết được lợi thế tương đối và nghịch lý ở đó là gì khi nhìn từ góc độ giáo dục.

Theo Phạm Ngọc Linh và Nguyễn Thị Kim Dung (2008), một quốc gia đang phát triển có những đặc điểm sau. Thứ nhất, trình độ kỹ thuật sản xuất thấp. Thứ hai, năng suất lao động thấp. Thứ ba, thu nhập thấp. Và cuối cùng, tỷ lệ tiết kiệm thấp. Thực ra, khởi điểm cho vòng lẩn quẩn này là trình độ khoa học kỹ thuật của người lao động – vốn con người ở các quốc gia đang phát triển là thấp. Vì vốn con người thấp nên năng suất lao động thấp. Mà năng suất lao động thấp thì dẫn đến thu nhập thấp. Thu nhập thấp thì chỉ đủ để chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu nên tỷ lệ tiết kiệm thấp. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia này không có đủ cơ sở để sản xuất hàng hóa đòi hỏi kỹ thuật cao, tức thâm dụng vốn con người. Như ở Việt Nam, điều này cũng dể thấy. Một đất nước với nền kinh tế nông nghiệp vẫn ngự trị, thì việc sản xuất hàng hóa kỹ thuật cao là hết sức khiêm tốn. Các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào những ngành hàng thâm dụng vốn con người hết sức e ngại khi nhắc đến Việt Nam. Hầu hết là đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng nhiều sức lao động, tức thâm dụng lao động. Lao động ở Việt Nam được biết đến là rẻ và đây cũng chính là lợi thế tương đối của Việt Nam.

Khi áp dụng mô hình của Heckscher-Ohlin, thị trường lao động trong nước sẽ cần một lượng lớn người lao động có trình độ (từ đây được gọi là tay nghề) kỹ thuật thấp phục vụ trong các ngành nghề đòi hỏi nhiều sức lao động. Theo định lý của Stolper-Samuelson (xem Leamer, 1996; Goldberg và Pavcnik, 2007), do nhu cầu sản xuất các mặt hàng thâm dụng lao động, lương đền bù của những người có tay nghề thấp được tăng lên. Trong khi đó, một lượng lớn những người có tay nghề cao sẽ không được thuê dụng theo nguyên lý cung – cầu trên thị trường lao động. Điều này làm cho lương đền bù của họ giảm sút. Nếu sự so sánh (Bảng 1) đáng tin cậy, thì một quốc gia chuyên sản xuất hàng thâm dụng lao động như Việt Nam sẽ dính vào ‘bẫy lợi thế’ khi lợi thế so sánh được vận dụng (và thực sự là đã được vận dụng) trong quá trình toàn cầu hóa theo kiểu tân tự do.

Bảng dưới đây mô phỏng tác động của việc đền bù tiền lương cho người lao động ở các nước đang phát triển.

 

 


Các tác động/hiệu ứng

Các nước

Tái phân phối

Tăng trưởng

Tổng quát

Phát triển

WH ↑

WL ↓

WH ↑

WL ↑

WH ↑

WL ?

Đang phát triển

WH

WL

WH

WL

WH ?

WL

Bảng 3. Tác động từ tiền lương (Nicase, 2005)

  Ghi chú: WH: lao động có tay nghề cao; WL: lao động có tay nghề thấp

Mô phỏng (Bảng 3) trên cho thấy, khi phát huy lợi thế tương đối ở một nước đang phát triển, lương đền bù sẽ bị ảnh hưởng và gây ra ba tác động. Tác động thứ nhất là tái phân phối (redistribution effect). Tác động này xảy ra khi tiền lương của người có tay nghề cao sẽ giảm sút do cầu trên thị trường lao động yếu. Trong khi đó, tiền lương đền bù cho người có tay nghề thấp ở thị trường này lại tăng lên do cầu trên thị trường lao động mạnh. Tác động thứ hai là tác động tăng trưởng (growth effect). Lương đền bù cho lao động có tay nghề cao lẫn tay nghề thấp đều góp phần cho tăng trưởng toàn cầu nhờ vào phát huy lợi thế so sánh và tự do thương mại. Tuy nhiên, tác động thứ ba, tức tác động tổng quát (overall effect) khó dự đoán khi lao động có tay nghề cao không được ưa chuộng ở một nước đang phát triển. Nó phụ thuộc vào người lao động có tay nghề cao sẽ ra quyết đinh như thế nào trong quá trình tham gia thị trường lao động.

Qua bảng mô phỏng trên (Bảng 3), chúng ta thấy một nghịch lý rằng trong khi vốn con người là rất cần thiết trong phát triển của bất kỳ quốc gia nào trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, sự vận dụng lợi thế so sánh tạo ra nguy cơ vốn con người sẽ dư thừa ở các nước đang phát triển. Điều này làm cho quyết định đầu tư vốn con người gặp rủi ro cao (xem Checchi, 2005). Dù kết cuả trên thị trường lao động như thế nào, quyết định này không thể đảo ngược[4]. Như vậy, trong toàn cầu hóa về kinh tế, không chỉ các quốc gia sẽ trở thành kẻ thắng, người thua, mà từng cá nhân ở mỗi quốc gia cũng có thể là những người thắng và những người thua. Đáng nói ở đây là người càng đầu tư nhiều vào vốn con người càng dễ trở thành người thua bởi vì khoảng cách tiền lương không phản ánh lượng vốn con người được tích lũy.

Trên thị trường lao động, nếu cầu đối với lao động có trình độ đại học là không cao, dĩ nhiên là lương đền bù cho đối tượng này sẽ giảm sút (theo nguyên lý cung – cầu). Câu hỏi đặt ra là những người sau khi tích lũy vốn con người bốn năm[5] sẽ đi về đâu. Điều này lại tăng thêm áp lực cho giáo dục đại học Việt Nam vốn bị xem là chưa đáp ứng được yêu cầu từ thị trường lao động. Các khả năng có thể xảy ra là: 1). họ chấp nhận thất nghiệp, 2). tự thuê, 3). làm bất cứ việc gì với mức lương thấp, hoặc 4.) tìm đến các thị trường lao động khác (di cư sang các nước phát triển)[6].

 

3. Ý nghĩa đối với hệ thống giáo dục          

Phân tích trên cho thấy vốn con người càng được tích lũy thì tầm quan trọng của nó về mặt kinh tế càng giảm sút ở các quốc gia đang phát triển trong quá trình hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy những diễn biến trong nền kinh tế toàn cầu đều có ý nghĩa đến hệ thống giáo dục của một nước. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được phân tích các ý nghĩa này đối với giáo dục đại học Việt Nam ở các cấp độ sau:

Vi mô (micro-level): Sự giảm sút về lương đền bù cho người lao động có trình độ cao đặt ra yêu cầu người học nên xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, lựa chọn bậc học phù hợp với năng lực và/hoặc sở thích, khả năng tìm được việc làm sao khi ra trường, cũng như tính toán mức thu nhập kỳ vọng từ lương, v.v. khi quyết định đầu tư cho giáo dục. Thông thường, đại đa số khi đưa ra các lựa chọn thường không cân nhắc hết các tiêu chí này một cách thỏa đáng. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể (theo hiểu biết của chúng tôi) chúng ta đều biết rằng nhiều người học thậm chí không cân nhắc gì cả mà chỉ tìm cách học đại học bằng mọi cách dù học lực của họ rất tồi và không hề nỗ lực trong học tập[7]. Chính vì thế, công tác tư vấn hướng nghiệp đối với người học nói chung, và học sinh nói riêng là hết sức cần thiết. Dựa vào công tác này, người học có thể có được những thông tin tốt để đưa ra các lựa chọn hợp lý, tránh mất nhiều chi phí mà hiệu quả kinh tế trên thị trường lao động không cao. Ở Việt Nam hiện nay, việc sinh viên ra trường làm không đúng ngành nghề đã học đang trở thành một xu hướng chính. Một số chuyên cho rằng đó là dấu hiệu của một thị trường năng động. Lập luận này có thể đúng; tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành nghề (xem Tùng Nguyên, 2012) cho thấy cầu trên thị trường lao động không đủ lớn so với các ngành nghề mà người lao động đã học.

Tầm trung (meso-level): Từ thời kỳ đổi mới 1986, giáo dục đại học Việt Nam đã được mở rộng một cách rõ rệt về số lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng cao của người học. Cùng với quá trình phi tập trung, các trường ngày càng tự chủ nhiều hơn về mặt tài chính. Bên cạnh doanh thu (dẫn đến lợi nhuận) là mục tiêu, các trường đại học ngày càng chịu nhiều áp lực về trách nhiệm đối với xã hội. Giáo dục và đào tạo là trách nhiệm, nhưng trách nhiệm quan trọng hơn là đảm bảo người đi học sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm với một mức thu nhập từ lương tương thích với vốn con người được tích lũy và hợp lý với các chi phí đã bỏ ra. Chính vì vậy, khi xây dựng chương trình, các trường cần dựa vào các dữ liệu dự báo về cầu trên trên thị trường lao động. Số lượng học viên/chương trình phải dựa vào các dự báo đó. Làm được việc này sẽ mang về cho các trường ba lợi ích. Thứ nhất, sản phẩm đào tạo sau ba hoặc bốn năm sẽ được thị trường lao động đón nhận do lượng cung tương thích với lượng cầu. Thứ hai, nhà trường sẽ tạo được niềm tin trong xã hội (về khả năng có việc làm, mức lương, v.v.). Thứ ba, uy tín đó có thể tác động đến bộ Giáo dục – Đào tạo trong việc trao quyền tự chủ cho nhà trường quyết định số lượng tuyển sinh, và đây là điều mà các cơ sở giáo dục luôn mong đợi.

Vĩ mô (macro-level): Theo phân tích của chúng tôi, Bộ Giáo dục – Đào tạo hoàn toàn đúng khi không trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường. Với tình hình tuyển sinh ‘ồ ạt’ như hiện nay (do động cơ doanh thu à lợi nhuận), việc cấp hạn mức về số lượng tuyển sinh mà bộ Giáo dục – Đào tạo đang làm là có thể  hiểu được. Sự kiểm soát này hiểu là một biện pháp nhằm hạn chế sự dư thừa số lượng lao động có trình độ đại học. Tuy nhiên, biện pháp này đang có vấn đề. Thứ nhất, hạn mức hiện nay cho các trường chủ yếu dựa vào đề xuất từ các trường, trong khi đáng lẽ hạn mức phải dựa vào dự báo về độ lớn và đa dạng của thị trường lao động (qua các số liệu cụ thể). Thứ hai, về lâu dài biện pháp này cũng không hiệu quả vì thực tế cho thấy sự dư thừa lao động trình độ cao vẫn diễn ra. Nguyên nhân là chúng ta đang thiếu các yếu tố kéo (kích thích cầu về lao động) từ các lĩnh vực khác. Về điều này, Việt Nam cần phải đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống sản xuất hàng hóa/dịch vụ thâm dụng vốn, ở đây là vốn con người. Các khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu (và tất nhiên là các đại học) là những nơi cần ưu tiên đầu tư và mở rộng[8]. Như vậy, chính sách về giáo dục đại học của Việt Nam có thành công hay không, một phần là dựa vào sự phối hợp đồng bộ với các chính sách khác trong nền kinh tế. Nếu thiếu điều này, chính sách giáo dục đại học Việt Nam sẽ hết sức ‘gian nan’ để giải bài toán về hiệu quả ngoài.

 

4. Kết luận

Khi có sự phân công lao động quốc tế dựa trên lợi thế so sánh, trình độ học vấn, hay trình độ tay nghề, hay vốn con người có tầm quan trọng khác nhau ở các nền kinh tế khác nhau với mức độ phát triển khác nhau. Điều này đòi hỏi chính sách giáo dục cũng cần có sự thay đổi để tương thích với từng thời điểm và bối cảnh khác nhau của nền kinh tế. Bài viết này đã phân tích một cách cụ thể một trong những thách thức mà hệ thống giáo dục của một nước đang phải đối mặt trong toàn cầu hóa về kinh tế,  đó là lợi thế so sánh đã và đang trở thành ‘bẫy lợi thế’ trong phân công lao động quốc tế. Để kết thúc bài viết, chúng tối tự hỏi là Việt Nam có cần hay không một nền giáo dục đại chúng dựa vào nhu cầu và khả năng chi trả của người học như hiện nay hay là phải chuyển sang nền giáo dục cạnh tranh dựa vào nhu cầu và khả năng chi trả của nhà tuyển dụng (xem Trần Kiểm, 2011). Đây là một chủ đề đáng được quan tâm và nghiên cứu tường tận.

 

Tài liệu tham khảo

Bùi Văn. (2006, ngày 9 tháng 11). WTO – giáo dục và sự thắng thua. Vietnamnet. Khai thác ngày 5 tháng 10 năm 2012, từ http://vnn.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/11/631435/

Checchi, D. (2005). The economics of education: human capital, family background and inequality. Cambridge: Cambridge University Press.

Goldberg, P. K., & Pavcnik, N. (2007). Distributional effects of globalization in developing countries. Journal of Economic Literature, 45(1), 39-82.

Lê Huyền. (2012, ngày 6 tháng 12). ‘Thế hệ chúng tôi đã hút dầu, đào hết than…’. Vietnamnet. Khai thác ngày 8 tháng 12 năm 2012, từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/99763/-the-he-chung-toi-da-hut-dau---dao-het-than----.html

Leamer, E. E. (1995). The Heckscher-Ohlin model in theory and practice. Princeton, NJ: Princeton University Printing Services.

Leamer, E. E. (1996, January). In search of Stolper-Samuelson effects on US wages (Working paper 5427) [Electronic version]. Cambridge: MA: National Bureau of Economic Research.

Little, W. A., & Green, A. (2009). Successful globalisation, education and sustainable development. International Journal of Educational Development 29: 166-174.

Nicase, I. (2005). Globalization and international trade in services. Unpublished manuscript, Katholieke Universiteit Leuven, Belgium.

Phạm Ngọc Linh và Nguyễn Thị Kim Dung. (2008). Kinh tế phát triển. Hà Nội: NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

Schneider, G. (2007). War in the era of economic globalization. In G. Ritzer (Ed.), The Blackwell companion to globalization. Malden, M.A: Blackwell Publishing.

Trần Kiểm. (2011). Những vấn đề cơ bản của khoa học quản lí giáo dục. Hà Nội: NXB ĐH Sư Phạm.

Tùng Nguyên. (2012, ngày 4 tháng 9). Chỉ 50% sinh viên ra trường tìm được việc làm. Dân Trí. Khai thác ngày 19 tháng 12 năm 2012, từ http://dantri.com.vn/nghe-nghiep/chi-50-so-sinh-vien-moi-ra-truong-tim-duoc-viec-lam-637123.htm

 



[1] GVCH, Khoa TCNH, Đại học Văn Lang; Email: lethiphuongloan@vanlanguni.edu.vn

[2] Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM; Email: buibinh1980@hotmail.com

[3] Giả định trong sự mô phỏng này là hai sản phẩm đều có giá trị như nhau và giá trị này không đổi.

[4] Ví dụ như học xong ngành quản trị kinh doanh trong bốn năm, người tốt nghiệp đại học dù không được trả lương cao trên thị trường lao động vẫn không thể quyết định không học ngành này (vì đã học rồi).

[5] Giả định rằng thời gian đi học (thường được tính theo năm) là thước đo vốn con người. Các nhà kinh tế học cũng đồng ý với cách tính này vì đây là cách tính dễ thực hiện nhất.

[6] Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM (Falmi), trong năm 2012 có khoảng 50% sinh viên phải làm trái nghề hoặc tìm việc nhiều lần (được Tùng Nguyên, 2012, trích dẫn). Như vậy, khả năng thứ 1 và thứ 3 là cao nhất.

[7] Trong một bài viết khác, chúng tôi sẽ đề cập và phân tích trường hợp những người thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước như lãnh đạo các UBND cũng tìm cách học sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, v.v.). Chúng tôi sẽ tìm hiểu làm thế nào họ vừa lo công tác quản lý, lại vừa có thể học tập và nghiên cứu hiệu quả như vậy. Đó là chưa nói đến liệu kết quả học tập và nghiên cứu của họ có bị ‘bóp méo’ bởi địa vị xã hội của họ hay không.

[8] Ngoài ra, công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có thâm dụng vốn (ví dụ như trường hợp của tập đoàn Intel) cũng rất cần thiết.