căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Chương trình đào tạo đặc biệt của Khoa KTKT

MÔ PHỎNG HOẠT ĐỘNG KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẶC BIỆT CỦA KHOA KTKT

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Vân

Trưởng bộ môn KTTC, khoa KTKT, ĐH Văn Lang

 

Xuất phát từ thực tế tại Việt Nam về nhiệm vụ đào tạo sinh viên giữa các trường đại học và các doanh nghiệp là hầu như không có mối quan hệ ràng buộc để đảm bảo khi một sinh viên ra trường vừa được trang bị kiến thức lý thuyết cơ bản từ các trường đại học, vừa có kỹ năng làm việc thực tế khi được thực tập tại các doanh nghiệp. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại các buổi hội thảo, tọa đàm được tổ chức bởi các Hiệp hội nghề nghiệp lớn như ACCA, VACPA, VAA nhưng hầu như chưa có giải pháp triệt để. Sinh viên ra trường vẫn rất bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc thực tế.Đặc biệt là đối với sinh viên ngành kế toán, đây là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm vì nó liên quan trực tiếp đến sổ sách, chứng từ, số liệu, các hợp đồng kinh tế … của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp rất ngại nhận sinh viên thực tập tại bộ phận kế toán của họ.

Thấu hiểu những khó khăn đó, và để đảm bảo chất lượng đào tạo với đặc thù của nghề kế toán, từ năm 2004, khoa Kế toán - Kiểm toán, trường ĐH Văn Lang là một trong những Khoa đầu tiên trong các trường đại học trên toàn quốc đã nghiên cứu và áp dụng thành công chương trình “Mô phỏng hoạt động kế toán doanh nghiệp” (gọi tắt là chương trình Mô phỏng kế toán). Đây là chương trình đào tạo mà mỗi sinh viên được làm kế toán như là một nhân viên kế toán thực thụ tại các doanh nghiệp. Mục tiêu của chương trình là nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn giúp sinh viên tiếp cận với thực tế ngay khi còn ngồi trên nghề nhà trường. Qua chương trình mô phỏng, sinh viên sẽ hệ thống hoá toàn bộ kiến thức lý thuyết đã học và tích lũy các kỹ năng chuyên môn cần thiết để tự tin vào làm việc chính thức tại các doanh nghiệp sau khi ra trường.

 

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CHƯƠNG TRÌNH MÔ PHỎNG KẾ TOÁN

Những nét đặc trưng của chương trình Mô phỏng kế toán là:

  • Chương trình này do các chuyên gia thực tế giảng dạy và huấn luyện trực tiếp cho sinh viên. Họ là những kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, và các chuyên viên kế toán dày dạn kinh nghiệm thực tế đang làm việc tại các công ty lớn.
  • Sinh viên được học trên bộ chứng từ thực tế của các loại hình doanh nghiệp. Cùng với các chuyên gia thực tế, khoa Kế toán – Kiểm toán đã xây dựng các bộ chứng từ liên quan đến nhiều mô hình doanh nghiệp như:

- Bộ chứng từ trong lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất

- Bộ chứng từ trong lĩnh vực doanh nghiệp thương mại, dịch vụ.

  • Để đảm bảo hiệu quả học tập, sĩ số mỗi lớp học chỉ từ 45-55 sinh viên và do 2 giảng viên phụ trách. Sinh viên được chia nhóm học tập và mỗi sinh viên phải làm qua tất cả các vị trí nhân viên kế toán như trong doanh nghiệp thực tế.

 

II. KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG CHƯƠNG TRÌNH MANG LẠI

Thông qua các bộ chứng từ thực tế, cùng với sự huấn luyện, giảng dạy tận tình của các chuyên gia, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Mô phỏng kế toán, sinh viên đạt được những kiến thức và kỹ năng:

1. Về mặt kiến thức:

     
 

Hình ảnh của khoá học đầu tiên của chương trình Mô phỏng kế toán

(Khoá 6, tốt nghiệp năm 2004)

- Nắm được quy trình làm kế toán trong thực tế tại các doanh nghiệp;

- Hiểu được cách vận dụng hệ thống các văn bản pháp luật trong công việc kế toán thực tế, như: chính sách thuế; chính sách lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệm…; các thông tư, nghị định, các văn bản pháp quy khác liên quan đến tài chính, kế toán, thuế của các cơ quan nhà nước;

- Hiểu được cách vận dụng hệ thống các Chuẩn mực kế toán vào công việc thực tế.

2. Về mặt kỹ năng:

a) Kỹ năng nhận biết, xử lý, và sắp xếp chứng từ:

- Thông qua bộ chứng từ thực tế, sinh viên biết nhận diện chứng từ nhằm đảm bảo chứng từ đầu vào của doanh nghiệp hợp pháp theo quy định hiện hành về hóa đơn chứng từ;

- Sinh viên biết lập các chứng từ kế toán cho các nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm căn cứ ghi sổ kế toán;

- Sinh viên tổ chức, phân loại, sắp xếp và lưu trữ chứng từ một cách bài bản, khoa học.

b) Kỹ năng làm kế toán bằng tay:

- Sau khi nhận diện chứng từ, lập chứng từ kế toán sinh viên có thể ghi sổ kế toán theo quy định của từng hình thức kế toán;

- Sinh viên có kỹ năng lập báo cáo tài chính theo luật định;

- Sinh viên có kỹ năng tổ chức sắp xếp, lưu trữ các sổ sách, báo cáo.

c) Kỹ năng làm kế toán trên phần mềm chuyên dụng:

- Trong chương trình đào tạo sinh viên còn được thực hiện công việc kế toán thông qua phần mềm kế toán được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến hiện nay. Điều này giúp sinh viên có thể thực hiện công việc kế toán nhanh chóng hơn với sự trợ giúp của phần mềm, đồng thời sinh viên có thể tự tin hơn khi tiếp cận với bất kỳ phần mềm kế toán khác.

d) Kỹ năng vận dụng các chính sách về thuế, lao động tiền lương trong doanh nghiệp:

     
 

Hình ảnh của ngày hôm nay (Khóa 15, tốt nghiệp năm 2013)

sau gần 10 năm thực hiện chương trình Mô phỏng kế toán đã góp phần rất lớn 

trong việc tạo cơ hội việc làm rất tốt cho sinh viên mới ra trường 

- Với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia đang nắm giữ các vị trí kế toán trưởng, kế toán tổng hợp tại doanh nghiệp đã đưa nhiều tình huống thực tế nhằm giúp sinh viên hiểu được cách vận dụng hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, thuế vào công việc thực tế.

- Sinh viên tự xác định các chi phí được trừ hay không được trừtrong việc xác định thu nhập chịu thuế.

- Sinh viên có thể tự tổ chức hệ thống sổ sách kế toán để dễ dàng giải trình sự khác biệt giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán với ban giám đốc và cơ quan thuế.

- Một khó khăn sinh viên thường gặp khi ra trường đó là khả năng vận dụng chính sách lao động và tiền lương trong doanh nghiệp. Làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo mức hợp lý cho chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân. Trước những thách thức trên, chương trình Mô phỏng kế toán đã lồng vào các tình huống thực tế về lao động tiền lương để sinh viên tự soạn thảo các loại hợp đồng lao động cũng như trình tự thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…   

e) Kỹ năng làm việc nhóm

- Sinh viên được chia nhóm học tập và mỗi sinh viên phải đóng vai qua tất cả các vị trí nhân viên kế toán như trong doanh nghiệp thực tế. Điều này giúp sinh viên trang bị kỹ năng làm việc theo nhóm hiệu quả như kỹ năng: lắng nghe, chất vấn, thuyết phục, tôn trọng, trợ giúp và chia sẻ giữa các thành viên.

 

III. ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH MÔ PHỎNG KẾ TOÁN TỪ NGƯỜI HỌC

Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức tại trường ĐH Văn Lang cũng như các ý kiến đóng góp của người học, người sử dụng lao động trong việc xây dựng chương trình đào tạo của Khoa KTKT đã thu nhận được nhiều ý kiến tích cực về chương trình Mô phỏng hoạt động kế toán doanh nghiệp. Để đánh giá tính thiết thực và tính hiệu quả của chương trình mô phỏng này, khoa KTKT đã đưa ra 3 vấn đề cốt lõi mà mục tiêu của chương trình mong muốn đạt được để ngườihọc đánh giá, đó là:

(1)   Chương trình Mô phỏng kế toán có đáp ứng được mục tiêu đào tạo là “Học phải đi đôi với hành” hay không?

(2)   Qua chương trình Mô phỏng kế toán, người học đã thu nhận được những kiến thức và kỹ năng gì? Nó có hữu ích nhiều cho sinh viên khi chuẩn bị ra trường để đi làm hay không?

(3)   Chương trình Mô phỏng kế toán đã giúp sinh viên khắc phục được những hạn chế trong việc đi thực tập tại các doanh nghiệp thực tế như thế nào?

Chúng tôi đã thực hiện các buổi phỏng vấn trực tiếp với 6 anh chị cựu sinh viên đã từng học qua chương trình mô phỏng này từ khoá đầu tiên được áp dụng chương trình (2004) cho đến hiện nay, đó là các anh chị:

(1)   Chị Bùi Thị Ngọc Thảo (Email: thao.btn@hsc.com.vn), cựu sinh viên khóa 6, tốt nghiệp năm 2004, là khoá đầu tiên được học chương trình Mô phỏng kế toán, hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm toán Nội bộ (Internal Audit Manager) Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HSC).

(2)   Chị Vũ Thanh Huyền (Email: thanhhuyen2803@gmail.com), cựu sinh viên khóa 7, tốt nghiệp năm 2005, hiện đang phụ trách kế toán thuế tại Tập đoàn Metro Cash & Carry Việt Nam.

(3)   Chị Kim Thu Hương (Email: kimthuhuong@gmail.com), cựu sinh viên khóa 9, tốt nghiệp năm 2007, hiện đang là kế toán trưởng Công ty Giải Pháp Tích Hợp.

(4)   Chị Trần Khánh Hà (Email: Ha.Khanh.Tran@vn.ey.com), cựu sinh viên khóa 10, tốt nghiệp năm 2008, hiện đang là kiểm toán viên, chuyên viên tư vấn công ty kiểm toán Ernst & Young (Vietnam) Limited, là một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (big 4).

(5)   Anh Nguyễn sỹ Hà (Email: nguyen.sy.ha@vn.pwc.com), cựu sinh viên khóa 13, tốt nghiệp năm 2011, hiện đang là trợ lý kiểm toán tại công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (Vietnam) Limited, là một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (big 4).

(6)   Chị Bùi Thị Như Quỳnh (email: quynhbuik14kt1@gmail.com)cựu sinh viên khóa 14, tốt nghiệp năm 2012, hiện đang là nhân viên kế toán quản trị tại Tập đoàn Kim Tín.

Liên quan đến vấn đề thứ nhất (1), mục tiêu của khoa KTKT là đào tạo sinh viên ra trường phải biết làm việc ngay, tức là sinh viên phải biết làm ngay các công việc của kế toán như: nhận biết chứng từ, thu thập chứng từ, lập chứng từ, ghi sổ kế toán, xử lý dữ liệu và lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính. Phải làm được ngay những việc như vậy mới thoả mãn mục tiêu đào tạo: “Học phải đi đôi với hành”. Tất cả các anh chị cựu sinh viên được phỏng vấn đều hoàn toàn đồng ý là chương trình Mô phỏng kế toán đã đáp ứng được mục tiêu đào tạo này. Các anh chị đã có ý kiến:

                              

 

“Hầu như các trường về kinh tế đều có đào tạo kế toán, nhưng ở các trường hiện nay đều cũng chỉ tập trung vào đào tạo lý thuyết, rất ít trường đầu tư vào đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Mô phỏng kế toán là một chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, giúp các bạn sinh viên hình dung được công việc kế toán thực tế khi đi làm sẽ làm như thế nào,và đây cũng là một điểm mạnh của sinh viên ngành kế toán của ĐH Văn Lang so với sinh viên các trường khác. Khi bắt đầu ra trường đi làm các bạn bớt bở ngỡ trước công việc thực tế. Các bạn cũng biết cái hóa đơn tài chính nó như thế nào? sổ chi tiết ra làm sao? báo cáo tài chính là cái gì?...”

(Bùi Thị Ngọc Thảo, CSV khoá 6)

 

Tính thực tế của môn kế toán mô phỏng là không thể phủ nhận. Là hành trang vững vàng cho sinh viên mới ra trường. Vì rằng, bạn có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường thực tế ở bất cứ vị trí nào của bộ phận kế toán (trừ kế toán trưởng). Nếu bạn học thật sự nghiêm túc môn học này, bạn tự tin rằng mình có kinh nghiệm tương đương với một bạn sinh viên sau 2 năm ra trường tự vật lộn tìm hiểu lấy trong thực tế.”

(Vũ Thanh Huyền, CSV khoá 7)

 

"Chương trình mô phỏng kế toán mà khoa tiến hành là rất tốt, chương trình rất thiết thực và gần gũi với công việc thực tế, cần tiếp tục phát huy chương trình này."

(Nguyễn Sỹ Hà, CSV khoá 13)

 

“Chương trình Kế toán mô phỏng của khoa KTKT đã đáp ứng được mục tiêu là "Học phải đi đôi với hành". Vì đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới 100 nhân viên, mô hình kế toán tại chính doanh nghiệp tương đối giống với môn Mô phỏng của Khoa, giúp các bạn sinh viên có thể hình dung tổng quan công việc của một nhân viên kế toán làm gì và làm như thế nào. Đặc biệt là những chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Thầy Cô giáo là những bài học quý báu cho sinh viên sắp tốt nghiệp chuẩn bi đi làm.”

(Bùi Thị Như Quỳnh, CSV khoá 14)

 

                            

 

Liên quan đến vấn đề thứ hai (2), ngoài kiến thức lý thuyết đạt được qua các môn học, chương trình Mô phỏng kế toán mong muốn sinh viên học hỏi những kiến thức và kỹ năng thực tế để khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc được ngay mà không cần doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc để đào tạo lại. Theo ý kiến của các anh chị cựu sinh viên thì người học sẽ thu nhận được rất nhiều kiến thức và kỹ năng qua chương trình mô phỏng này. Các anh chị đã nói:

 

                                  

 

“Chương trình mô phỏng kế toán cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng rất cơ bản, sinh viên sẽ nắm được hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, hệ thống tài khoản kế toán Việt  Nam, cách hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh...Về kỹ năng: khi có một chứng từ kế toán, sinh viên phải nhận biết được đây là chứng từ kế toán dùng để hạch toán hay chỉ là một chứng từ nghiệp vụ bổ trợ. Sinh viên có được kỹ năng sắp xếp, lưu trữ và quản lý chứng từ. Kỹ năng xử lý chứng từ khâu đầu vào để việc hạch toán phù hợp với luật thuế, kế toán. Kỹ năng tự nghiên cứu các luật, quy định. Tính cẩn thận và logic của một vấn đề. Kỹ năng làm việc nhóm...

Đây là những kiến thức và kỹ năng mà các DN đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải có vì họ biết sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm làm việc thực tế thì ít nhất những kỹ năng này sinh viên cần phải có để đáp ứng công việc.Sau khi tham gia chương trình kế toán mô phỏng, sinh viên cảm thấy rất tự tin khi bắt đầu đi làm thực tế, đây là điểm mạnh của sinh viên Khoa KTKT – Trường Đại học Văn Lang. Trong môi trường việc làm cạnh tranh như hiện nay thì các bạn sinh viên cần tìm cho mình các điểm mạnh hơn sinh viên các trường khác để cơ hội việc làm đến với mình cũng nhiều hơn. Mô phỏng kế toán là một trong những điểm mạnh đó.”

(Bùi Thị Ngọc Thảo, CSV khoá 6)

 

“Chương trình kế toán mô phỏng giúp sinh viên hệ thống lại những kiến thức về kế toán đã học và giúp sinh viên hiểu được rằng mình sẽ vận dụng kiến thức ấy vào thực tế như thế nào. Giúp sinh viên hiểu được từng phần hành, mối quan hệ giữa các phần hành và công việc của từng kế toán viên trong bộ máy kế toán. Hiểu được những đòi hỏi của một bộ chứng từ kế toán đầy đủ cho mỗi nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cũng như quá trình luân chuyển của nó. Trong quá trình thực hành trên bộ chứng từ thực tế, sinh viên sẽ học được kỹ năng lập, đọc hiểu chứng từ kế toán, kỹ năng ghi chép sổ sách kế toán, kỹ năng lập báo cáo tài chính….”

(Vũ Thanh Huyền, CSV khoá 7)

 

“Chương trình Mô phỏng kế toánlà rất bổ ích cho sinh viên sắp ra trường vì đối với một người sinh viên chuẩn bị ra trường thì ngoài kiến thức được dạy ở trường lớp, thìlàm thế nào để vận dụng các kiến thức đó vào thực tế là rất cần thiết. Để sinh viên không bị bỡ ngỡ và làm quen với môi trường làm việc thực tế, việc học chương trình mô phỏng là thật sự cần thiết. Dù rằng chương trình chỉ mô phỏng điển hình công việc kế toán của một doanh nghiệp nhưng Hương thấy được có nhiều lợi ích giúp sinh viên tự tin hơn khi đi làm thực tế.”

(Kim Thu Hương, CSV khoá 9)

 

“Bộ môn mô phỏng kế toán giúp sinh viên hiểu nhiều hơn các công việc cụ thể, thực tế của một kế toán viên. Tuy nhiên, bộ môn này chỉ mới cung cấp được các kỹ năng cơ bản ở các công việc như nhận biết chứng từ, nhập liệu, ghi sổ kế toán.”

(Trần Khánh Hà, CSV khoá 10)

 

“Chương trình mô phỏng kế toán giúp sinh viên làm quen với hóa đơn chứng từ, hiểu được mối liên hệ giữa các phần hành kế toán riêng biệt, làm quen với báo cáo tài chính. Những kiến thức này giúp sinh viên thích nghi nhanh hơn với công việc lúc mới ra trường, tự tin hơn khi phỏng vấn chọn việc.”

(Nguyễn Sỹ Hà, CSV khoá 13)

“Chương trình Mô phỏng kế toán đã trang bị cho sinh viên cách hạch toán nghiệp vụ và xử lý số liệu bằng excel, thấy được dòng chảy số liệu như thế nào để lập ra các báo cáo tài chính, đặc biệt là nghiệp vụ về Hóa Đơn và Thuế. Những kiến thức và kỹ năng này rất hữu ích cho sinh viên mới ra trường. Khoa nên đẩy mạnh hơn nữa môn Kế toán trên máy (tính toán excel), hướng dẫn các bạn tự làm ra sổ sách hạch toán chứ không đơn giản là cách dò số liệu lên từng Sổ chi tiết, đó là kỹ năng cần thiết giúp sinh viên xử lý số liệu một cách nhanh nhất và gây ấn tượng cho nhà quản lý doanh nghiệp đối với nghề kế toán. Em vẫn nhấn mạnh nhất là việc xử lý số liệu trên excel (đặc biệt là sử dụng các phím tắt).”

(Bùi Thị Như Quỳnh, CSV khoá 14)

 

                        

 

Liên quan đến vấn đề thứ ba (3), thấy trước những khó khăn trong việc tìm nơi thực tập của sinh viên năm cuối, khoa KTKT đã thiết kế chương trình Mô phỏng kế toán và bắt buộc mọi sinh viên phải tham gia học môn này. Chương trình Mô phỏng kế toán có thể thay thế chương trình thực tập cuối khoá, giúp sinh viên tiếp cận với thực tế để có kinh nghiệm thực tế khi ra trường đi làm. Các anh chị cựu sinh viên đã có ý kiến như sau:

 

                                                    

 

“Đúng là tâm lý ái ngại của các doanh nghiệpkhi nhận sinh viên thực tập trong lĩnh vực kế toán là có. Nếu được thực tập thì doanh nghiệp cũng hạn chế cho sinh viên tiếp cận số liệu của đơn vị. Thực tế là đa số các bạn sinh viên đến đơn vị thực tập cũng chẳng được làm, được xem số liệu của doanh nghiệp, từ đó việc thực tập không hiệu quả lắm trong việc học hỏi công việc kế toán thực tế, không đáp ứng được mục đích của việc thực tập. Do vậy, mô phỏng kế toán là một chương trình đào tạo bù đắp lại các thiếu sót khi đi thực tập, giúp các bạn có cái nhìn thực tế về kế toán mà doanh nghiệp đang làm.”

“Tuy nhiên nếu được thực tập tại các doanh nghiệp thì sinh viên sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng khác, nhất là kỹ năng mềm. Khi ra ngoài tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế sẽ cho các bạn sinh viên thấy được toàn cảnh bức tranh sau này mình đi làm sẽ như thế nào, mình muốn được như anh A, chị B, thì phải cố gắng nỗ lực như thế nào.... Nếu được thực tập tại các doanh nghiệp có tổ chức bài bản thì các bạn sinh viên sẽ học hỏi rất nhiều điều chứ không riêng gì về kế toán. Việc xin được vào thực tập tại một công ty lớn là một thử thách và là một cuộc thi chứ không phải là một cuộc dạo chơi.”

“Đặc biệt, nếu bạn nào muốn làm trong các công ty kiểm toán thì nên phải đi thực tập. Các công ty kiểm toán có xu hướng tuyển nhân viên thực tập nhiều hơn là tuyển người mới vì họ có thời gian đào tạo 3,4 tháng, có thời gian xem "chân", xem "cẳng" của sinh viên thực tập, tính tình cũng đã biết, sau này nếu được tuyển dụng luônthì họ có thể làm việc được ngay, không phải tốn thời gian tìm hiểu nữa. Do vậy, đi thực tập là cơ hội rất lớn cho các bạn sinh viên được giữ ở lại làm việc ở các công ty kiểm toán, do đặc thù của loại hình công ty kiểm toán là vậy. Vấn đề đặt ra là các bạn cóthấy được cơ hội này để đầu tư từ giai đoạn đi thực tập không?”

(Bùi Thị Ngọc Thảo, CSV khoá 6)

“Hoàn toàn không cần thiết đi thực tập tại các doanh nghiêp khi mà đã được học kế toán mô phỏng. Khi đi thực tập tại các doanh nghiệp, vì nhiều lí do mà bạn không được tiếp cận với công việc thực tế, nhân viên tại các công ty cũng không có thời gian nhiều để chỉ dạy bạn, nên việc chính trong khoảng thời gian này của các bạn là ngồi quan sát, photo tài liệu, và làm những việc ít liên quan đến chuyên môn kế toán. Những kiến thức và kỹ năng làm việc thực tế bạn thu thập được là không đáng kể, mà lại không mang tính toàn diện, tùy thuộc vào mối quan hệ thân thuộc, sự giao thiệp và môi trường bạn thực tập....Trong khi đó, cũng từng ấy thời gian, với việc được tiếp cận bộ chứng từ quy mô, đầy đủ cũng như sự hướng dẫn tận tâm của chính những người đã có kiến thức thực tế lâu năm, có thể giúp bạn tối ưu hóa thời gian cũng những kiến thức, kỹ năng đòi hỏi cần thiết của một người kế toán. Giúp bạn có cái nhìn toàn diện về công việc mà mình sắp phải làm, tự tin thấy rằng tôi đã hiểu và tôi có thể làm được ngay tại các phần hành kế toán khác nhau.”

(Vũ Thanh Huyền, CSV khoá 7)

“Đôi lúc đi thực tập không thực sự hiệu quả,do mình chỉ thực tập trong thời gian ngắn nên công ty không dám để mình làm nhiều, cũng không nhiệt tình chỉ dạy cho những người không cống hiến lâu dài cho công ty (trừ trường hợp quen biết), nên mô phỏng vẫn là lựa chọn thiết thực hơn khi các chuyên gia trực tiếp giảng dạy luôn chia sẻ rất nhiệt tình và chương trình đào tạo được biên soạn một cách công phu, kết hợp chứng từ thực tế giống như đang thực hiện công việc kế toán tại một doanh nghiệp”

(Nguyễn Sỹ Hà, CSV khoá 13)

“Lợi ích của môn Mô phỏng kế toán là sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế của giáo viên giảng dạy. Đó chính là điều bạn không thể nhận được khi đi thực tập.”

(Bùi Thị Như Quỳnh, CSV khoá 14)

 

                                   

 

IV. KẾT LUẬN

Mục tiêu của chương trình Mô phỏng kế toán là nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên vận dụng được kiến thức lý thuyết vào thực tế, tích lũy kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết để tự tin vào làm việc chính thức tại các doanh nghiệp sau khi ra trường.Chương trình đã đáp ứng được mục tiêu đào tạo là “Học phải đi đôi với hành”, tức là người học phải biết kết hợp giữa học và hành, giữa lý luận và thực tiễn. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào tháng 10/1947, Hồ Chủ Tịch đã viết “…Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông ... Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như mũi tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung thì cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế, chỉ học thuộc lòng, để loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.”

Chương trình Mô phỏng kế toán có thể thay thế cho chương trình thực tập của sinh viên năm cuối và môn học Mô phỏng kế toán là bắt buộc mọi sinh viên phải tham gia. Tuy nhiên, khoa KTKT rất khuyến khích sinh viên đi thực tập thực tế tại các doanh nghiệp để các bạn học hỏi thêm nhiều điều từ thực tiễn, học hỏi kỹ năng mềm, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng thuyết phục…., nhưng đây không phải là chương trình bắt buộc. Khoa KTKT đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và cũng đã hỗ trợ trong việc giới thiệu cho sinh viên đến thực tập ở các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm làm việc và có số liệu để viết khoá luận tốt nghiệp.

Khoa KTKT phải nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai thực hiện và đảm bảo cho chương trình theo đúng mục tiêu đã đề ra. Đó là phải đảm bảo tính thực tiễn của bộ chứng từ; đảm bảo phải có các chuyên gia thực tế đứng lớp trực tiếp huấn luyện cho sinh viên; đảm bảo sĩ số lớp vừa đủ để đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng những đòi hỏi của chương trình như bàn, ghế, máy vi tính… 

Một kết quả thực tế là sau gần 10 năm thực hiện chương trình Mô phỏng kế toán đã góp phần rất lớn trong việc tạo cơ hội việc làm rất tốt cho sinh viên mới ra trường. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay và sau một năm tốt nghiệp và đúng chuyên ngành thuộc khoa KTKT, trường ĐH Văn Lang luôn cao, thường đạt tỷ lệ trên 95% hàng năm. Chương trình Mô phỏng kế toán đã chứng minh được hướng đi đúng đắn của khoa Kế Toán – Kiểm Toán, trường Đại Học Văn Lang.

Mục tiêu đào tạo của trường Văn Lang nói chung và của khoa KTKT nói riêng là không chạy theo số lượng, mà chất lượng được đặt lên hàng đầu,mặt dù chúng tôi có nhiều cơ hội để tuyển sinh với số lượng lớn. Phương châm của Nhà trường cũng như của khoa KTKT là lấy chất lượng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển bền vững. Qua 18 năm tồn tại và phát triển, mọi việc làm của trường ĐH Văn Lang đã thể hiện phương châm đó và được xã hội công nhận.