căn hộ 8x rainbow tinh dầu bưởi

Bàn về chênh lệch tỷ giá hối đoái và xử lý chênh lệch tỷ giá - Thực tế và quy định

Vấn đề ghi nhận, đánh giá, xử lý và hạch toán các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái (CLTG) luôn là vấn đề phức tạp và cũng nảy sinh nhiều vướng mắc từ văn bản pháp lý đến áp dụng thực tế trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt là Thông tư 201/2009/TT - BTC ngày 15/10/2009 (Thông tư 201) về hướng dẫn xử lý CLTG áp dụng trong doanh nghiệp đã có sự mâu thuẫn với quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái (CMKT 10).

      
   

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 179/2012/TT - BTC ngày 24/10/1012 (Thông tư 179) quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 10/12/2012, áp dụng từ năm tài chính 2012, thay thế Thông tư 201. Thông tư 179 được ban hành đã đảm bảo phù hợp với quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành và đã khắc phục được phần lớn những vướng mắc xung quanh vấn đề xử lý CLTG?

Sự mâu thuẫn giữa Thông tư 201 với CMKT 10 thể hiện ở chỗ: Thông tư 201 có sự phân biệt việc xử lý CLTG khi đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn, đối với số dư các khoản mục tiền tệ ngắn hạn không ghi nhận CLTG vào chi phí hoặc thu nhập mà để số dư trên BCTC, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xóa sổ; đối với số dư các khoản nợ dài hạn cũng phân biệt cách xử lý CLTG khi đánh giá lại số dư nợ phải thu và phải trả, cho phép phân bổ một phần CLTG tăng khi đánh giá số dư nợ phải trả dài hạn vào chi phí trong kỳ (trường hợp DN bị lỗ do hạch toán toàn bộ CLTG vào chi phí trong kỳ), phần còn lại được theo dõi và phân bổ tiếp tục trong 5 năm tiếp theo.

Thông tư 179 đã đưa ra quy định khá mới mẻ, chi tiết và cụ thể về nội dung các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ; quy định tỷ giá sử dụng để đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính; quy định về xác định tỷ giá đối với những loại ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá quy đổi ra “đồng” Việt Nam; quy định việc đánh giá lại số dư ngoại tệ vào cuối kỳ kế toán là bao gồm cả việc đánh giá lại theo quý, bán niên, năm, khi đó doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Thông tư 179 quy định không phân biệt việc xử lý chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ ngắn hạn và dài hạn. Đối với các doanh nghiệp đã áp dụng Thông tư 201, số dư các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng chưa phân bổ hết vào chi phí kỳ trước thì tiếp tục phân bổ vào chi phí tài chính với thời gian còn lại kể từ 10/12/2012 - ngày Thông tư 179 có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, sau khi xem xét Thông tư 179 tôi nhận thấy vẫn có nhiều điểm còn chưa rõ ràng, gây khó khăn khi áp dụng, đặc biệt là việc lựa chọn tỷ giá nào để đánh giá CLTG cho phù hợp. Có thể nêu ra các trường hợp như sau:

  • Theo Khoản 2, Điều 3 Thông tư 179: “Đối với việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính”. Số dư ngoại tệ cuối kỳ ở đây có thể hiểu là số dư tiền mặt và số dư TK tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ vào thời điểm cuối kỳ? Tỷ giá ngoại tệ mua vào của ngân hàng thông thường bao gồm tỷ giá mua vào bằng chuyển khoản và tỷ giá mua vào bằng tiền mặt. Phải chăng để đánh giá số dư tiền mặt thì lấy theo tỷ giá mua vào bằng tiền mặt, còn để đánh giá số dư TK tiền gửi ngân hàng thì sử dụng tỷ giá mua vào bằng chuyển khoản? Và theo Khoản 2, Điều 3 Thông tư 179, khi DN mở TK tại nhiều ngân hàng thương mại thì số dư TK tiền gửi ngoại tệ của ngân hàng nào DN sẽ sử dụng tỷ giá của ngân hàng đó để đánh giá lại số dư TK? Như vậy để đánh giá số dư tiền trong DN đã phải áp dụng khá là nhiều loại tỷ giá mà còn chưa kể đến nếu 1 DN sử dụng cùng lúc nhiều loại ngoại tệ và mở nhiều TK giao dịch tại nhiều ngân hàng thương mại ở nhiều địa bàn khác nhau thì việc hạch toán sẽ vô cùng phức tạp!
  • Hơn nữa, Thông tư 179 chưa nêu rõ tỷ giá áp dụng để đánh giá lại số dư các khoản Nợ phải thu, Nợ phải trả bằng ngoại tệ trong khi một loại ngoại tệ có nhiều tỷ giá khác nhau tại nhiều ngân hàng khác nhau (mỗi ngân hàng đều có tỷ giá mua vào và bán ra; tỷ giá mua vào, bán ra cũng đều bao gồm cả tỷ giá bằng tiền mặt và chuyển khoản), như vậy ta có thể chọn tỷ giá mua vào hay bán ra hay chọn tỷ giá bình quân giữa mua vào bán ra để đánh giá? Và chọn tỷ giá của ngân hàng nào đây? Chọn Ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng nào nào DN có phát sinh nhiều giao dịch nhất? Hay ngân hàng có số dư có cao nhất? hay chọn tỷ giá bình quân các ngân hàng mà DN có mở TK? Nếu chọn bình quân tỷ giá thì chọn tỷ giá bình quân đều hay bình quân gia quyền, tỷ giá bình quân gia quyền có thể là phù hợp hơn nếu DN mở nhiều TK tại nhiều ngân hàng khác nhau. Nhưng theo Điều 4, Thông tư 179 thì việc áp dụng tỷ giá bình quân lại chỉ được áp dụng “đối với những ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá quy đổi ra “Đồng” Việt Nam”
  • Thực tế vì lí do riêng có ngân hàng không công bố tỷ giá giao dịch tại ngày kết thúc năm tài chính thì doanh nghiệp mở TK tại ngân hàng đó sẽ lấy theo tỷ giá nào để đánh giá CLTG? Thông tư 179 cũng không quy định trường hợp này.
  • Khoản 3, Điều 4 Thông tư 179 quy định việc xác định tỷ giá quy đổi đối với các ngoại tệ mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá quy đổi mà ngân hàng thương mại cũng không công bố tỷ giá quy đổi đối với loại ngoại tệ đó “thì quy đổi thực hiện thông qua tỷ giá của một số loại ngoại tệ chủ yếu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố theo tỷ giá giao dịch bình quân của các ngân hàng tại thời điểm đánh giá” nhưng vẫn còn trường hợp nếu tỷ giá của một số loại ngoại tệ chủ yếu trên không liên quan đến loại ngoại tệ đó thì DN cũng không có cơ sở để xác định tỷ giá quy đổi;
  • Thông tư 179 quy định tỷ giá để đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính, trong khi Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam hiện hành (Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006) quy định “Cuối năm tài chính, doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối năm tài chính”, do vậy nhiều DN hiện nay có thể do không biết sử dụng loại tỷ giá nào để áp dụng trong việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hoặc không biết có sự ra đời của Thông tư 179 nêu trên nên vẫn áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối năm tài chính để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Và kiểm toán viên chúng tôi khi thực hiện kiểm toán không có cách nào hơn là vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận đối với các số liệu liên quan đến việc sử dụng loại tỷ giá này để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ?

Thêm nữa, trong Điều 2, Thông tư 179 có đưa ra giải thích về “các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ” trong đó ngoại trừ các khoản trả trước và nhận tiền trước, nhưng ở Điều 8 quy định “Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ ra “đồng” Việt Nam” theo tỷ giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Thông tư này”. Như vậy là Điều 8 quy định rõ phải đánh giá lại số dư các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ ra đồng Việt Nam và không đề cập đến cụm từ “các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ” trong khi Điều 5, 6, 7 vẫn đề cập đến. Do vậy, chúng ta vẫn thoải mái đánh giá lại số dư các khoản trả trước cho người bán, người mua trả tiền trước có gốc ngoại tệ.

Ý kiến phản hồi

Ban Tư vấn - VACPA (08/05/2013 10:41:21)
Phải nói, Thông tư 179 ra đời đã giải quyết được phần lớn những vướng mắc xung quanh vấn đề xử lý chênh lệch tỷ giá. Từ các vấn đề đã được các bạn trao đổi trên Website VACPA liên quan đến chênh lệch tỷ giá hối đoái, Ban Tư vấn VACPA xin kết lại một số điểm như sau:
Thứ nhất, về việc giải thích các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, thông tư 179 đã đưa ra cách giải thích mới về các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trên cơ sở tham khảo Đoạn 16, Chuẩn mực kế toán Quốc tế số 21 có giải thích về các khoản mục tiền tệ và phí tiền tệ như sau: “The essential feature of a monetary item is a right to receive (or an obligation to deliver) a fixed or determinable number of units of currency. Examples include: pensions and other employee benefits to be paid in cash; provisions that are to be settled in cash; and cash dividends that are recognised as a liability. Similarly, a contract to receive (or deliver) a variable number of the entity’s own equity instruments or avariable amount of assets in which the fair value to be received (or delivered) equals a fixed or determinable number of units of currency is a monetary item. Conversely, the essential feature of a non-monetary item is the absence of a right to receive (or an obligation to deliver) a fixed or determinable number of units of currency. Examples include: amounts prepaid for goods and services (eg prepaid rent); goodwill; intangible assets; inventories; property, plant and equipment; and provisions that are to be settled by the delivery of a non-monetary asset.” tạm dịch: “Một đặc tính quan trọng của khoản mục tiền tệ là quyền được nhận (hoặc nghĩa vụ phải trả) một số lượng đơn vị tiền tệ cố định hoặc xác định được. Ví dụ: quỹ lương hưu hoặc phúc lợi nhân viên khác phải trả bằng tiền mặt; các khoản dự phòng phải thanh toán bằng tiền mặt; và cổ tức trả bằng tiền đang được ghi nhận là khoản phải trả…Ngược lại, đặc tính quan trọng của một khoản mục phi tiền tệ là không có quyền được nhận (hoặc nghĩa vụ phải trả) một số lượng đơn vị tiền tệ cố định hoặc xác định được. Ví dụ: các khoản trả trước cho hàng hóa dịch vụ (chẳng hạn tiền thuê nhà trả trước); lợi thế thương mại; tài sản vô hình; hàng tồn kho; nhà cửa, máy móc thiết bị; và các khoản dự phòng được thanh toán bằng cách giao các tài sản phi tiền tệ”. Như vậy, theo đoạn nêu trên của Chuẩn mực kế toán quốc tế số 21 thì các khoản nhận trước và trả trước được coi là các khoản mục phi tiền tệ. Do vậy, Thông tư 179 đã ngoại trừ các khoản nhận trước và trả trước bằng ngoại tệ ra khỏi các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
Thứ hai, về việc quy định tỷ giá hối đoái sử dụng để đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính (tỷ giá cuối kỳ của ngân hàng nơi DN mở TK ngoại tệ), quy định như vậy là sát với thực tế. Khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối năm tài chính (tỷ giá bình quân liên ngân hàng) làm phát sinh 1 khoản chênh lệch tỷ giá lớn (nếu số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là lớn) do tỷ giá bình quân liên ngân hàng thông thường còn có sự chênh lệch đáng kể với tỷ giá thực tế. Do vậy, nếu DN giao dịch bằng ngoại tệ với giá trị lớn, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh sẽ là nhỏ hơn nhiều nếu đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá cuối kỳ của ngân hàng nơi DN mở TK khoản. Điểm mới này của Thông tư đã giải quyết được vướng mắc mà các văn bản trước đây đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến số liệu tài chính của doanh nghiệp. Vì thế, việc áp dụng tỷ giá để đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo Thông tư 179 sẽ là phù hợp với thực tế hơn.
Thứ ba, về cách dùng từ trong Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 8 (cụm từ “số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán” và “số dư tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ”) có thể hiểu là “số dư các khoản mục tiền tệ bằng ngoại tệ cuối kỳ kế toán” và các số dư này đều phải được đánh giá lại vào cuối mỗi kỳ kế toán. Như vậy, số dư các khoản mục tiền tệ bằng ngoại tệ cuối kỳ kế toán phải được đánh giá lại theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại ở đây thông thường là tỷ giá mua vào chuyển khoản vì DN không được phép giao dịch ngoại tệ bằng tiền mặt. Nếu DN giao dịch ngoại tệ tại nhiều ngân hàng khác nhau thì theo khoản 2, Điều 4 Thông tư 179, DN phải tính toán tỷ giá bình quân gia quyền theo số dư giữa các ngân hàng để sử dụng làm tỷ giá khi đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ bằng ngoại tệ cuối kỳ kế toán. Trường hợp ngân hàng thương mại không công bố tỷ giá quy đổi tại ngày kết thúc năm tài chính thì lấy theo tỷ giá mua vào chuyển khoản của ngân hàng thương mại tại ngày công bố gần nhất.
Thứ tư, theo khoản 2, Điều 1, Thông tư 179 “Việc xác định thu nhập, chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”. Văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành là Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 (Thông tư 123). Theo Khoản 2.20, Điều 6 và Khoản 8, Điều 7 Thông tư 123 thì chỉ có lãi hoặc lỗ chênh lệch tỷ giá do việc đánh giá lại số dư các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ mới được tính vào thu nhập chịu thuế hoặc khấu trừ vào thu nhập chịu thuế TNDN. Như vậy theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, khi đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ kế toán (trừ các khoản nợ phải trả) theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại nơi DN mở TK thì không được tính vào thu nhập, chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Thứ năm, tại điều 10, Thông tư 179 cho phép ghi nhận các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ nợ phải trả cuối năm (theo Thông tư 201) của những năm trước vào chi chí trong kỳ báo cáo, việc ghi nhận như vậy là chưa phù hợp với quy định của Đoạn 12 (b) Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 (CMKT 10) là: thu nhập, chi phí của kỳ nào thì hạch toán ngay vào kỳ đó. Tuy nhiên, theo thời gian thì sự mâu thuẫn với CM KT 10 sẽ giảm dần và hết mâu thuẫn.
Thứ sáu, nhất trí với ý kiến của bạn Tú Uyên trong bài viết “Bàn về phạm vi điều chỉnh của thông tư 179//2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp”, để thuận tiện cho việc áp dụng các quy định có liên quan đến tỷ giá quy đổi ngoại tệ và xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng nên xem xét, nghiên cứu theo hướng quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến chênh lệch tỷ giá hối đoái trong nội dung chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp. Và như vậy, sẽ không còn cần thiết phải có một thông tư riêng như Thông tư 179.
Ban TV - VACPA

Nguyễn Thị Phương (03/05/2013 16:58:04)
Tôi là 1 nhân viên kế toán, công ty tôi thường xuyên phát sinh các nghiệp vụ ngoại tệ, hiện nay việc xác định tỷ giá giao dịch để thực hiện hạch toán của tôi đang gặp khó khăn với trường hợp: 1. Nhận vốn góp bằng ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về (ngân hàng chúng tôi mở tài khoản không công bố tỷ giá) 2. Chuyển tiền ngoại tệ từ tài khoản ngoại tệ của ngân hàng này sang tài khoản ngoại tệ của ngân hàng khác, trên sổ phụ không hề thể hiện tỷ giá giao dịch tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ đó, vậy tôi sử dụng tỷ giá giao dịch nào để hạch toán 3. Đối với khoản trả trước nhà cung cấp (bằng ngoại tệ) theo thông tư 179 không phải là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, vậy khi phát sinh thanh toán trả trước thì tôi hạch toán sang VNĐ theo tỷ giá giao dịch nào là đúng? Một vấn đề đặt ra là: Tỷ giá giao dịch ở đây là tỷ giá mua hay tỷ giá bán của tiền mặt hay của chuyển khoản?

Hà Phương - CPAVN (29/03/2013 13:50:24)
Thông tư 179 vẫn còn điểm chưa phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam
Điều 10, Thông tư 179 quy định: ""Đối với các doanh nghiệp đã đánh giá lại số dư ngoại tệ nợ phải trả cuối năm theo Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính mà chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng chưa phân bổ hết vào chi phí trong năm thì số dư chưa phân bổ được phân bổ tiếp vào chi phí tài chính của doanh nghiệp, thời gian phân bổ theo số năm còn lại kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành."
Đoạn 12 (b) của CMKiT 10 quy định: "" Trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính sẽ được ghi nhận là thu nhập, hoặc chi phí trong năm tài chính, ngoại trừ chênh lệch tỷ giá hối đoái quy định trong đoạn 12c, 14, 16." "
Như vậy, theo điều 10, Thông tư 179 vẫn cho phép ghi nhận các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ nợ phải trả cuối năm (theo Thông tư 201) của những năm trước vào chi phí trong kỳ báo cáo, việc ghi nhận như vậy là chưa phù hợp với quy định của Đoạn 12 (b) CMKT 10 là: Thu nhập, chi phí của kỳ nào thì hạch toán ngay vào kỳ đó.
Tuyết Lan (28/03/2013 14:51:06)
Tiếp theo bài viết của bạn Trung Kiên đăng ngày 18/03/2013 và để làm rõ hơn trong việc xác định thu nhập chịu thuế TNDN liên quan đến các khoản chênh lệch tỷ giá, tôi có ý kiến như sau:

Văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Thu nhập đoanh nghiệp hiện hành là Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 (Thông tư 123).
Khoản 2.20, Điều 6, Thông tư 123 quy định về “Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.20. Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế (trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế).
…”
Như vậy, thì chỉ có Lỗ do đánh giá lại các khoản mục nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Và Khoản 8, Điều 7, Thông tư 123 quy định:
“Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:

8. Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá, được xác định cụ thể như sau:
Trong năm tính thuế doanh nghiệp có chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, thì:
- …
- Lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.
Các khoản chênh lệch tỷ giá nêu trên không bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ.”

Vậy theo Điều này, có nghĩa là thu nhập từ việc đánh giá lại các khoản mục nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ là thu nhập khác và là thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế.

Và tóm lại, theo Điều 6 và Điều 7 – Thông tư 123 thì chỉ có lãi hoặc lỗ chênh lệch tỷ giá do việc đánh giá lại số dư các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ mới được tính vào thu nhập chịu thuế hoặc khấu trừ vào thu nhập chịu thuế TNDN.

Tuyết Lan – CPA VN

Trung Kiên (18/03/2013 16:38:06)
Thông tư 179/2012/TT_BTC không sòng phẳng khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp:

Điều 8 Thông tư 179 có quy định”
“Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do việc đánh giá lại số dư cuối kỳ sau khi bù trừ chênh lệch tăng và chênh lệch giảm, số chênh lệch còn lại được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong kỳ.”

Trong khi Điều 2 quy định :
""Việc xác định thu nhập, chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp"."
Các văn bản pháp luật về thuế TNDN hiện nay là Thông tư 123/2012/TT-BTC, mục 2.20 Điều 6 Thông tư này quy định “lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế” là khoàn chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là không bình đẳng.


Như vậy theo Thông tư 179 trong kỳ nếu có lãi chênh lệch tỷ giá thì phải hạch toán để xác định thu nhập chịu thuế, còn lỗ thì cũng hạch toán nhưng không được khấu trừ xác định thu nhập chịu thuế.

Hoang Vinh (18/03/2013 14:12:06)
Tôi cũng là kiểm toán viên (KTV) của 1 Công ty kiểm toán tại Hà Nội. :

Thời điểm này là thời điểm gần cuối mùa kiểm toán rồi, nên thời gian đối với chúng tôi là vô cùng quý giá. Tôi cũng xin bàn về một phần nho nhỏ trong bài viết của bạn Khải Anh về việc áp dụng loại tỷ giá nào là phù hợp khi đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Từ khi Thông tư 179 ra đời thì vấn đề phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá không còn gây tranh luận nữa mà thay vào đó, các KTV chúng tôi vẫn còn bàn luận nhiều về vấn đề áp dụng loại tỷ giá nào là phù hợp khi đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Các doanh nghiệp, chỉ mở 1 TK ngoại tệ tại 1 ngân hàng thì vấn đề không mấy phức tạp, doanh nghiệp chỉ áp dụng 1 loại tỷ giá của 1 ngân hàng để đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Nhưng vấn đề trở nên rất phức tạp nếu 1 doanh nghiệp sử dụng nhiều loại ngoại tệ và mở nhiều TK ngoại tệ khác nhau ở nhiều ngân hàng khác nhau như trường hợp của Khải Anh nêu. Vậy thì doanh nghiệp có thể sử dụng loại tỷ giá nào và sử dụng 1 hay nhiều tỷ giá khác nhau để đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, vấn đề này gây băn khoăn cho kế toán các doanh nghiệp cũng như chính các KTV chúng tôi.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để dễ thực hiện và dễ giải trình thì cứ áp dụng đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối năm tài chính theo như quy định trong Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 như mọi năm trước. Vấn đề đặt ra đối với chúng tôi là như vậy thì ý kiến kiểm toán viên sẽ như thế nào? Liệu kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể bỏ qua và không có ý kiến gì trên BCKT đối với trường hợp này có được hay không?

Theo tôi, nếu số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ không lớn, sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến BCTC thì có thể chấp nhận và có điểm lưu ý trên BCKT. Nếu số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ lớn chắc chắn việc áp dụng tỷ giá khác nhau sẽ ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC thì trước tiên nếu doanh nghiệp chưa biết có sự ra đời của Thông tư 179 hoặc có biết nhưng chưa biết áp dụng thế nào cho phù hợp thì KTV cần hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng Thông tư 179 như bạn hiểu hoặc yêu cầu doanh nghiệp thuyết minh đầy đủ về việc đã áp dụng loại tỷ giá nào khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trong Bản thuyết minh BCTC. Trường hợp khách hàng cố tình không thuyết minh trong bản TM BCTC thì KTV có thể đưa ra ý kiến ngoại trừ nếu số liệu ảnh hưởng là trọng yếu. Trường hợp khách hàng đã thuyết minh hoặc bổ sung thuyết minh theo ý kiến KTV thì KTV có thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần có đoạn lưu ý với các số liệu liên quan.
Minh Đức -CPA VN (18/03/2013 13:16:57)
Bàn về xử lý chênh lệch tỷ giá và bài viết của bạn Khải Anh, cảm ơn bạn Khải Anh đã nêu ra vấn đề và đưa ra khá nhiều điểm vướng mắc thực tế của Thông tư 179. Tôi xin góp bàn thêm một số điểm sau đây:

Thứ nhất, Khoản 5, Điều 2 Thông tư 179 giải thích các thuật ngữ quy định về thuật ngữ “Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ”, trong đó có bao gồm các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ:
(1) Các khoản trả trước cho người bán bằng ngoại tệ và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ.
(2) Các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ.
Tôi nhận thấy ở mục này đã ngoại trừ trùng 2 lần “các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ” mà thiếu khoản “người mua trả tiền trước”. Và như vậy có nghĩa là các khoản nhận trước và trả trước có gốc ngoại tệ không được xem là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và không phải đánh giá lại cuối mỗi kỳ kế toán?

Thứ hai, Thông tư 179 đã hệ thống được các khoản mục được coi là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, đã  giải quyết được vấn đề luôn gây ra tranh cãi từ lâu giữa các kiểm toán viên và giữa kiểm toán viên và khách hàng. Để bảo vệ ý kiến của mình, trước đây kể cả kiểm toán viên và khách hàng đều không có cơ sở nào để chứng minh rằng ý kiến, lập luận của mình là đúng. Ví dụ các khoản trả trước cho người bán và người mua trả tiền trước có gốc ngoại tệ có cần phải đánh giá lại số dư cuối kỳ không, đối với các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền bằng ngoại tệ thì khoản nào phải thực hiện đánh giá lại số dư cuối kỳ? Đa số các ý kiến đều cho rằng các khoản chi phí trả trước và doanh thu nhận trước là không đánh giá lại số dư cuối kỳ nhưng các khoản trả trước cho người bán và người mua trả trước bằng ngoại tệ lại cần thiết phải đánh giá lại. Các Doanh nghiệp khi lập BCTC hầu hết và đã thành thông lệ là chỉ đánh giá lại các khoản trả trước cho người bán và người mua trả trước bằng ngoại tệ vì đó là các khoản còn nợ, còn các khoản chi phí trả trước và doanh thu nhận trước đương nhiên không cần đánh giá lại vì cho rằng không còn là khoản nợ. Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi kiểm toán BCTC cũng thấy rằng khách hàng của mình thực hiện như vậy là đúng mà không có ý kiến gì khác về BCTC của khách hàng.

Thứ ba, theo tôi ở Khoản 2, Điều 3 Thông tư 179 “Số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán” cũng có thể hiểu là số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chứ không chỉ là số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng có gốc ngoại tệ. Như thế, có nên chăng cụm từ “Số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán” cần thay bằng cụm từ “Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ”

Trích nguồn www.vacpa.org.vn